Ngày 27/5, thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho biết, khoảng 4 giờ sáng cùng ngày tiếp tục xảy ra vụ sạt lở đất bờ kênh Mái Dầm, đoạn thuộc ấp Phú Trí B1, xã Phú Hữu với chiều dài khoảng 20m, sâu vào bờ nơi rộng nhất 6m, diện tích mất đất hơn 120m2.
Trước đó, vào rạng sáng 26/5, trên kênh Nàng Mau, thuộc ấp Thạnh Lợi A1, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng đã làm cho gian nhà sau của 5 hộ dân liền kề bị sụp lún, trong đó có 4 căn bị sụp hoàn toàn, 1 căn rạn nứt nghiêm trọng.
Ông Lâm Văn Tiến, một trong 5 hộ dân bị ảnh hưởng của vụ sạt lở bàng hoàng kể lại: “Lúc đó khoảng hơn 5 giờ sáng, ai cũng đã thức dậy. Bỗng dưng nghe tường nhà kêu rắc rắc, giống như người đập vậy, rầm rầm khoảng chừng 5 phút. Tôi chỉ kịp bế con tôi tốc chạy ra đằng trước, còn đồ đạc không di dời kịp, chìm xuống sông hết trơn”.
Vụ sạt lở đã lấn sâu vào đất liền khoảng 5m, làm mất hơn 100m2 đất và nhiều tài sản có giá trị của người dân. Thống kê thiệt hại ban đầu hơn 230 triệu đồng, rất may không gây thiệt hại về người.
Theo Ủy ban nhân dân xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, tính từ đầu năm đến nay, đây là vụ sạt lở thứ 2 tại xã. Hiện, khu vực này còn khoảng 25 căn nhà có nhiều dấu hiệu rạn, nứt nền, có thể sụp lún bất cứ lúc nào.
Sạt lở đất bờ kênh Mái Dầm, đoạn thuộc ấp Phú Trí B1, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành (Hậu Giang) |
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xảy ra 27 điểm sạt lở bờ sông, kênh, rạch với tổng chiều dài gần 600m; diện tích mất đất hơn 3.180m2; ước thiệt hại gần 2 tỷ đồng; trong đó, riêng huyện Châu Thành có đến 25 điểm sạt lở. Điều đáng lo ngại là từ ngày 20/5 đến nay, ở huyện này mỗi ngày đều xảy ra sạt lở và phần lớn các điểm sạt lở xảy ra vào ban đêm.
Kè sinh thái chống sạt lở
Theo ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, sau khi xảy ra những vụ sạt lở gần đây, đều có lực lượng phối hợp Ủy ban nhân dân xã điều động dân quân tự vệ, Công an, các đoàn thể cùng người dân dọn dẹp điểm sạt lở, ổn định đời sống người dân trong khu vực bị ảnh hưởng. Nguyên nhân xảy ra sạt lở được xác định là do ảnh hưởng của dòng chảy.
Để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang đề nghị các địa phương chỉ đạo bộ phận chuyên môn kiểm tra, tổng hợp, theo dõi điểm xung yếu về sạt lở, cắm biển cảnh báo để người dân tránh xa khu vực nguy hiểm; vận động bà con di dời tài sản có giá trị đến nơi an toàn.
Khi phát hiện dấu hiệu xảy ra sạt lở (dòng nước xoáy sát bờ sông, rạch, hàm ếch, vết nứt sâu, dài hoặc có dấu hiệu sụt lún...), người dân cần chủ động thông báo với chính quyền địa phương.