Xây dựng Thái Nguyên ngày càng phát triển

Ðến nay, Thái Nguyên đạt được những thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh, cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân đang nỗ lực triển khai các giải pháp để xây dựng Thái Nguyên là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại; bình yên, sung túc, hạnh phúc, thân thiện.
0:00 / 0:00
0:00
Ðồng chí Nguyễn Thanh Hải thăm hỏi đồng bào dân tộc H’Mông ở xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Ðồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.
Ðồng chí Nguyễn Thanh Hải thăm hỏi đồng bào dân tộc H’Mông ở xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Ðồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

Phóng viên: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, qua nửa nhiệm kỳ, tỉnh Thái Nguyên đạt được những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Ðề nghị đồng chí cho biết những kết quả nổi bật?

Ðồng chí Nguyễn Thanh Hải: Hai năm rưỡi vừa qua, trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa có tiền lệ, nhưng với việc gắn chống dịch với đẩy mạnh chuyển đổi số cho nên Thái Nguyên luôn là "vùng xanh", "an toàn khu". Nhờ đó, các khu, cụm công nghiệp vẫn hoạt động, hàng trăm nghìn công nhân vẫn làm việc, an sinh xã hội được bảo đảm. Với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế-xã hội Thái Nguyên tiếp tục trên đà phát triển; an ninh, quốc phòng được củng cố; công tác xây dựng Ðảng được đẩy mạnh.

Cụ thể, GRDP của tỉnh năm 2021 tăng 6,51%, gấp 2,5 lần bình quân chung cả nước, thu ngân sách đạt hơn 18.500 tỷ đồng; GRDP năm 2022 tăng 8,59%, thu ngân sách đạt hơn 19.100 tỷ đồng - cao nhất từ trước đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 4% và sáu tháng đầu năm 2023 đạt 5,17%; từ năm 2023, Thái Nguyên tự cân đối ngân sách; giá trị xuất khẩu đứng thứ tư cả nước trong nhiều năm liền.

Dự kiến đến hết năm 2023, tỉnh có 6/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, trong đó có huyện Ðịnh Hóa, an toàn khu năm xưa trở thành huyện nông thôn mới sớm hơn hai năm so với Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh đề ra. Nắm bắt xu thế, Thái Nguyên là tỉnh đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số để thúc đẩy chính quyền số, kinh tế số và xã hội số phát triển. Thái Nguyên đứng thứ 43 về chuyển đổi số, khi Nghị quyết chuyên đề này được ban hành, và với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, năm 2020 Thái Nguyên đứng thứ 12 và hai năm liên tiếp 2021, 2022 đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số.

Phóng viên: Ðề nghị đồng chí cho biết, tỉnh Thái Nguyên đã vận dụng sáng tạo Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng trong tình hình cụ thể của địa phương như thế nào để đạt được kết quả toàn diện và ấn tượng như vậy?

Ðồng chí Nguyễn Thanh Hải: Chúng tôi xác định, việc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Ðảng là nhiệm vụ quan trọng, là khâu đầu tiên tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân. Việc quán triệt Nghị quyết của Ðảng không chỉ qua hội nghị mà còn được thể hiện sinh động bằng ứng dụng C-Thainguyên, Sổ tay đảng viên điện tử một cách nhanh chóng, kịp thời, có trao đổi, tương tác giữa cấp ủy với cán bộ, đảng viên để tạo nhận thức chung, sự đồng thuận cao.

Chúng tôi đổi mới việc tổ chức thực hiện nghị quyết của Ðảng bằng các chương trình, kế hoạch hành động, đề án cụ thể phù hợp thực tiễn của tỉnh. Như việc ban hành nghị quyết chuyên đề xây dựng Phổ Yên trở thành thành phố và năm 2022 đã hoàn thành mục tiêu này sớm hơn ba năm so với kế hoạch.

Với nghị quyết này, nguồn lực đầu tư cho Phổ Yên tăng lên, tiếp tục là điểm đến của nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới, kinh tế-xã hội địa phương phát triển, thu ngân sách tăng nhanh, vươn lên đứng thứ hai trong tỉnh. Việc Phổ Yên trở thành thành phố còn có ý nghĩa lan tỏa, tạo động lực mới để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư khu vực phía nam tỉnh.

Phóng viên: Từ thực tiễn địa phương, đồng chí có thể nêu kinh nghiệm nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, Nghị quyết Ðảng bộ tỉnh và giải pháp chủ yếu thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra?

Ðồng chí Nguyễn Thanh Hải: Với những tiền đề đã tạo ra, nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ 20, tỉnh Thái Nguyên có bước phát triển mới, toàn diện. Qua đó, bước đầu có thể rút ra bốn bài học kinh nghiệm chủ yếu:

Một là, bám sát Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng; các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy đảng, Chương trình làm việc toàn khóa để xây dựng mục tiêu cụ thể và chương trình công tác hằng năm, hằng quý, hằng tháng phù hợp. Tranh thủ thời cơ, thuận lợi, sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương; phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và huy động tối đa các nguồn lực, nhất là nguồn lực từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ doanh nghiệp và người dân để phát triển kinh tế-xã hội.

Hai là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; củng cố, phát huy sự đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy, chính quyền các cấp; thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Ðảng; đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Trong đó, chú trọng đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực bằng chương trình, kế hoạch cụ thể, với phương châm phòng là chính, phát hiện sai phạm khi còn manh nha, nhỏ lẻ, chưa gây ra hậu quả, dễ khắc phục. Trang bị kiến thức pháp luật về phòng chống tham nhũng qua tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm mà các diễn giả là những người có nhiều kinh nghiệm, người trực tiếp phá án, thanh tra, kiểm tra thuyết trình để giúp cán bộ, đảng viên nhận diện cám dỗ lợi ích vật chất để phòng ngừa. Xử lý nghiêm minh, kịp thời sai phạm, công bằng, không bao che nhằm răn đe đối với cán bộ, đảng viên.

Ba là, làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng; công tác dự báo, nắm tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên, nhân dân. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên tiếp xúc, đối thoại, nâng cao chất lượng tiếp công dân bằng cách nghiên cứu kỹ lưỡng các vụ việc trước khi tiếp công dân để giải quyết theo đúng quy định, thấu tình, đạt lý, tạo niềm tin và đồng thuận xã hội. Nửa nhiệm kỳ qua, có khoảng 50 vụ việc mà công dân khiếu nại qua các cấp, khi được các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy tiếp công dân định kỳ, đột xuất thì đã được giải quyết triệt để.

Bốn là, khơi dậy và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống yêu nước, cách mạng, tinh thần đoàn kết, vượt khó, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của con người Thái Nguyên trong thời kỳ mới, trở thành động lực, nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Thời gian tới, chúng tôi tập trung vào năm nhóm giải pháp chủ yếu để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội: (1) Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 20; các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Trung ương mới ban hành gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh. (2) Tăng cường xây dựng Ðảng bộ vững mạnh, trong đó chú trọng kỷ luật, kỷ cương; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. (3) Quản lý quy hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát huy tối đa vai trò là hạt nhân phát triển của vùng trung du và miền núi phía bắc, là một cực phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội. (4) Phát triển văn hóa-xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực địa phương, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng giải quyết việc làm cho người lao động, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ðặc biệt quan tâm thực hiện hiệu quả ba chương trình mục tiêu quốc gia. (5) Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội.

Phóng viên: Thái Nguyên là tỉnh thứ năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định xây dựng Thái Nguyên "Bình yên, sung túc, hạnh phúc, thân thiện và ngày càng phát triển". Ðồng chí cho biết nội hàm của những mục tiêu này?

Ðồng chí Nguyễn Thanh Hải: Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mục tiêu tổng quát "xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện và ngày càng phát triển". Ðây là mục tiêu phấn đấu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương Thái Nguyên giai đoạn mới, thể hiện cách tiếp cận lấy con người là trung tâm của chiến lược phát triển dài hạn mà tỉnh hướng tới.

"Bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện" là những mục tiêu rất gần gũi, thiết thực, luôn là đích đến trong hành trình tìm kiếm của mọi quốc gia, dân tộc và trong cuộc đời mỗi con người. Ðây là những phạm trù cảm xúc, tâm lý, tinh thần, khó có thể lượng hóa, nhưng mỗi người có thể cảm nhận được và về mặt khoa học ở nghĩa tương đối, các phạm trù này có thể đánh giá thông qua các yếu tố: Chính trị ổn định; an ninh, trật tự xã hội được bảo đảm; người dân đủ đầy về vật chất và tinh thần, có sức khỏe tốt, hài lòng với cuộc sống, môi trường. Chúng tôi sẽ xây dựng bộ tiêu chí, chỉ số đánh giá "bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện".

Phóng viên: Ðề nghị đồng chí cho biết việc triển khai Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên hiện nay đang được thực hiện như thế nào?

Ðồng chí Nguyễn Thanh Hải: Quy hoạch tỉnh là nền tảng quan trọng, là kim chỉ nam để Thái Nguyên phát triển nhanh, toàn diện và bền vững trong tương lai. Sau khi công bố quy hoạch, chúng tôi tổ chức Hội thảo khoa học "Phát huy giá trị văn hóa Việt Nam với khát vọng xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc và thân thiện", các tham luận đã bước đầu làm rõ nội hàm của khát vọng "xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc và thân thiện".

Chúng tôi đang tích cực chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh; hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành việc lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025; lập, điều chỉnh các quy hoạch liên quan cho phù hợp quy hoạch tỉnh.

Quá trình thực hiện Quy hoạch tỉnh còn rất nhiều việc phải làm và cũng không ít khó khăn, nhưng chúng tôi tin rằng, với quyết tâm cao, khát vọng lớn, đồng bộ các giải pháp thực hiện, trong tương lai không xa, Thái Nguyên sẽ trở thành một xứ sở bình yên, mọi người dân đều có cuộc sống hạnh phúc, sung túc; được hưởng thụ môi trường sống trong lành, văn minh và thân thiện.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!