Quy hoạch tổng thể du lịch tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030 xác định: Các sản phẩm OCOP như hàng thủ công mỹ nghệ, tranh nghệ thuật, ẩm thực... là nguồn tài nguyên quan trọng. Do đó, cùng với phát triển sản phẩm OCOP, địa phương đã tích cực giới thiệu, quảng bá những sản phẩm này tại các điểm du lịch.
Sản phẩm OCOP du lịch đặc trưng
Hằng năm, Di tích Quốc gia đặc biệt Ðền Ðô (thành phố Từ Sơn) đón hàng chục nghìn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái. Khi ra về, nhiều người thường mang theo cặp bánh phu thê làm quà, bởi nét đặc trưng, độc đáo của sản phẩm OCOP này. Chị Cesleste Dorman là người Mỹ, đã nhiều lần sang Việt Nam du lịch. Ðến với Bắc Ninh, chị rất ấn tượng với vị thanh mát, dịu ngọt của bánh phu thê. Do đó, lần nào Dorman cũng mua về vài cặp bánh để bạn bè tại Mỹ biết đến sản phẩm đậm đà hương vị truyền thống của Việt Nam.
Bánh phu thê còn có các tên gọi khác là bánh xu xuê, là ẩm thực truyền thống của làng Ðình Bảng (Từ Sơn), được dùng nhiều trong các đám cưới, đám hỏi. Ðể giữ gìn, phát triển nghề, địa phương đã thực hiện đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể: Bánh phu thê Ðình Bảng; đồng thời, được công nhận sản phẩm OCOP cho các cơ sở làm bánh phu thê trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Ðình Bảng Nguyễn Văn Tiến cho biết: Phường đang xây dựng kế hoạch, triển khai cấp Giấy chứng nhận đăng ký tới từng hộ, để thống nhất quy trình sản xuất, quản lý chất lượng chung; qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong truy xuất nguồn gốc, giúp nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm, thúc đẩy làng nghề ngày càng phát triển.
Bánh phu thê chỉ là một trong nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh Bắc Ninh được quan tâm đầu tư, gắn với phát triển du lịch. Sau bốn năm triển khai chương trình OCOP, đến nay, địa phương đã có 93 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh. Về ẩm thực, ngoài bánh phu thê còn có bánh tẻ Chờ (huyện Yên Phong); nem Bùi (thị xã Thuận Thành); bánh giò Ðáp Cầu, bánh khoai và bánh ngũ sắc Thị Cầu (thành phố Bắc Ninh); kẹo lạc Trang Toàn (thành phố Từ Sơn); chuối sấy (huyện Tiên Du),...
Ðối với hàng mỹ nghệ, tiêu biểu như tranh tre Xuân Lai, đồng Ðại Bái (huyện Gia Bình); tranh gỗ Mạnh Hùng (thành phố Bắc Ninh); sản phẩm gốm Phù Lãng (thị xã Quế Võ); cùng nhiều sản phẩm gia dụng, nghệ thuật khác,... Những sản phẩm này đã được giới thiệu rộng rãi tại các điểm du lịch, khu văn hóa tâm linh... tại các hội chợ, triển lãm, sự kiện cộng đồng ở trong và ngoài tỉnh để phục vụ khách du lịch.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Ðáp: Việc bày bán hiện vẫn mang tính nhỏ lẻ. Do đó, Sở giao cho các phòng chuyên môn của ngành văn hóa phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, giới thiệu những sản phẩm OCOP đặc thù của từng địa phương và quảng bá một cách bài bản, khoa học tại 14 điểm du lịch đã được công nhận của tỉnh Bắc Ninh.
Tìm hướng đi phù hợp
Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã thông qua Ðề án “Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025”. Ðịa điểm triển khai gồm: Làng gốm Phù Lãng (thị xã Quế Võ), làng tranh Ðông Hồ (thị xã Thuận Thành), làng Quan họ cổ Viêm Xá (thành phố Bắc Ninh). Tỉnh thiết kế, phát triển sản phẩm, dịch vụ cho du khách trải nghiệm cuộc sống làng nghề, cuộc sống nông thôn tại Phù Lãng, Ðông Hồ, Viêm Xá và vùng phụ cận; thực hành các công đoạn làm ra sản phẩm nghề truyền thống (gốm, tranh dân gian), nghi thức, lề lối, trình diễn của Quan họ làng Diềm.
Trong đó, đáng chú ý, điểm Viêm Xá tại khu vực ven đê sông Cầu sẽ quy hoạch hình thành khu vực vui chơi, giải trí, check-in cho du khách; phục dựng các phiên chợ vào ngày 4 và ngày 6 tháng Giêng ở làng Diềm... Tại làng gốm Phù Lãng, sẽ có điểm trưng bày, giới thiệu lịch sử, trải nghiệm làm gốm Phù Lãng và gốm Việt Nam nói chung, làng tranh Ðông Hồ sẽ tái hiện các hình ảnh phơi tranh, chợ tranh Tết, hình thành các tour khám phá lịch sử, cuộc sống cư dân hai bờ sông Ðuống,...
Trong quá trình xây dựng Ðề án Sở đã phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan tiến hành khảo sát cụ thể tại các điểm xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch và xin ý kiến góp ý của các ngành, địa phương, nhất là ba xã, phường nơi triển khai sản phẩm OCOP du lịch.
Ðặng Trần Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh
Việc triển khai Ðề án “Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025” không chỉ góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế làng nghề truyền thống, di sản văn hóa tạo nên các sản phẩm du lịch xanh, du lịch văn hóa, mà còn bảo tồn, giới thiệu nét đẹp về văn hóa, vùng đất, con người Bắc Ninh-Kinh Bắc đến với du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả Ðề án nói chung, phát triển sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng ở Bắc Ninh nói riêng, thì rất cần sự chủ động, đồng thuận của người dân trong việc đưa văn hóa bản địa vào các sản phẩm OCOP, tạo giá trị kinh tế bền vững trong không gian du lịch đặc trưng của địa phương.