Từ người sáng lập mô hình Liên gia văn hóa
Những ngày cuối năm, Hà Nội dịu dàng đến lạ trong những cơn gió xuân se lạnh và những tia nắng vàng ươm nhảy nhót trên những tán lá xanh mướt trên những con đường tấp nập của Thủ đô. Không khí Tết cũng ngập tràn tại Tổ dân phố số 12 - Khu đô thị Mỹ Đình 2 (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) - khu “Liên gia văn hóa” đầu tiên của Thủ đô với những cành đào rực hồng và những cây quất vàng ươm thoảng mùi thơm nhẹ nhàng, thanh tao rung rinh đón nắng. Dưới sân, nhiều người dân đang tập trung tập thể dục. Một góc khác là đám trẻ con đang cười nói xôn xao. Không khí thân tình, ấm áp khiến ai ai cũng muốn nán lại ngắm nhìn…
Đón chúng tôi giữa không khí vui vẻ, thân tình ấy, PGS, TS Lê Thị Bích Hồng - người vừa về về hưu đã tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố 12, Trưởng Liên gia văn hóa tổ dân phố 12 đau đáu: “Tình làng, nghĩa xóm là nét văn hóa vô cùng đặc trưng và tốt đẹp của người dân Việt Nam. Người Việt từ xưa đã có câu 'Lời chào cao hơn mâm cỗ', nhưng hiện nay, nét văn hóa này đã mai một ít nhiều, đặc biệt ở các khu chung cư”.
Cũng sinh sống tại chung cư, PGS, TS Lê Thị Bích Hồng luôn cảm thấy buồn khi chứng kiến cảnh không hiếm cư dân ở cùng một chung cư nhưng không biết tên nhau, rất ít gặp nhau mà thường chỉ gói gọn sinh hoạt trong căn hộ của mình. Trong khi đó, Thủ đô là nơi hội tụ của cư dân từ nhiều địa phương về làm việc, sinh sống, học tập, việc xa nhà đôi khi khiến không ít người cảm thấy chạnh lòng mỗi khi ốm đau, bệnh tật, kể cả khi Tết đến xuân về. Đây chính là lý do PGS, TS Lê Thị Bích Hồng muốn thông qua mô hình Liên gia văn hóa để gắn kết mọi người với nhau bằng các hoạt động cụ thể, cùng nhau xây dựng nếp sống văn hóa của khu dân cư.
Trưởng/Phó các Liên gia Văn hóa Tổ dân phố 12 - nòng cốt triển khai các hoạt động của Liên gia văn hóa. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Những ngày đầu triển khai, việc xây dựng Liên gia vănhóa tại tổ dân phố số 12 gặp không ít khó khăn. Song, PGS, TS Lê Thị Bích Hồng đã không quản ngại khó khăn đi từng nhà, xin ý kiến, vận động từng người tham gia liên gia. Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ những cán bộ liên gia là những người có uy tín, cố gắng đi đầu để gắn kết những cư dân chung cư. Mỗi ngày nỗ lực một chút, từ các gia đình độc lập, xa lạ giờ đã gắn kết với nhau, chia sẻ mọi điều trong cuộc sống.
Đến nay, mô hình Liên gia văn hóa tổ dân phố số 12 Khu đô thị Mỹ Đình 2 (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) đã đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả trong việc gắn kết tình làng, nghĩa xóm. Theo đó, mô hình này gắn với những quy tắc cụ thể, chú trọng văn hóa ứng xử, giao tiếp nơi công cộng và trong gia đình; xây dựng văn minh đô thị; xây dựng gia đình văn hóa... Từ khi mô hình ra đời, nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao trên địa bàn được tổ chức, thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư. Mô hình Câu lạc bộ những người yêu điện ảnh, văn chương, văn nghệ, dân vũ, dưỡng sinh, bóng chuyền hơi, cầu lông... hoạt động hiệu quả, tạo ra sự gắn kết của cá nhân với cộng đồng.
Bên cạnh đó, “tình làng, nghĩa xóm” còn thấm đượm trong những hoạt động thân tình, hỏi han nhau khi các gia đình không may gặp biến cố về sức khoẻ; là sự chia vui khi mỗi gia đình có chuyện mừng…
Cũng theo PGS, TS Lê Thị Bích Hồng, mô hình Liên gia văn hóa đặc biệt quan tâm đến việc khuyến học và nâng cao đời sống tinh thần của thiếu niên, nhi đồng. Nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi, Tháng hành động vì trẻ em, Liên gia văn hóa đã tổ chức lễ gặp mặt, tặng quà cho hơn 100 học sinh giỏi, xuất sắc; các học sinh đoạt các giải thưởng từ các cuộc thi cấp quận trở lên, đặc biệt là các em đoạt giải thưởng quốc tế. Từ những hoạt động đó, tình làng nghĩa xóm ngày càng được vun đắp và gắn kết.
Cứ như vậy, mô hình này thành công lan ra nhiều quận khác trên địa bàn Thủ đô với các mô hình “Liên gia tự quản”; “Tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy”… phát triển mạnh mẽ, đem lại hiệu quả thiết thực. Sự thay đổi thấy rõ từ tổ dân phố số 12 lan rộng ra nhiều quận huyện đã góp phần ổn định văn hóa xã hội, xây dựng Thủ đô thanh lịch, văn minh.
Nhiều mô hình liên gia được lan rộng trên địa bàn Thủ đô như mô hình liên gia tự quản phường Việt Hưng, quận Long Biên. |
Mỗi tế bào vươn lên, cả đất nước vươn mình!
PGS, TS Lê Thị Bích Hồng chỉ rõ, Đảng, Nhà nước ta vô cùng quan tâm đến lĩnh vực văn hóa và tất cả các chủ trương từ trên xuống, đến cuối cùng vẫn là hướng vào người dân. Mô hình “Liên gia văn hóa” với mục tiêu gắn kết người dân là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng khi giúp các chính sách đến được gần người dân và dễ dàng được người dân tiếp nhận.
Hiện nay, cả đất nước đang tự tin bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. “Khi người dân làm tốt việc xây dựng khu đô thị cư dân hiện đại, xây dựng văn hóa với mỗi một con người là một pháo đài; mỗi con người là một tế bào văn hóa trong gia đình, chòm xóm; mỗi cá nhân ở một gia đình là tấm gương về sự nêu gương thì sự đoàn kết và sức mạnh sẽ rất to lớn. Chúng tôi đang nỗ lực trong việc kéo mọi người từ ốc đảo riêng ra mái nhà lớn. Đây là những tế bào xây dựng Hà Nội văn minh, thanh lịch” - PGS, TS Lê Thị Bích Hồng chỉ rõ.
Trong bối cảnh đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình, PGS, TS Lê Thị Bích Hồng cho rằng hơn ai hết, mỗi cá nhân, mỗi con người phải nỗ lực vượt qua khó khăn để xây dựng đất nước vươn lên.
PGS, TS Lê Thị Bích Hồng gửi gắm tâm sự: “Từ thành công của mô hình Liên gia văn hóa, tôi sâu sắc nhận ra rằng, ai cũng có vai trò trong công cuộc vươn mình của đất nước. 'Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình' - mỗi người dân là một tế bào nhỏ của xã hội và khi vươn lên, nỗ lực thì chúng ta chắc chắn sẽ làm được. Với sứ mệnh mới trong thời đại mới, mỗi con người cần cố gắng vươn mình theo cách của mình để hướng tới những điều tốt đẹp cho đất nước”.
Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy ở Phú La (Hà Đông). |
Chia tay người đảng viên tâm huyết với sự gìn giữ và phát triển của văn hóa Việt Nam, chúng tôi không khỏi xúc động, bồi hồi trước những tư tưởng vô cùng ý nghĩa, cấp thiết trong bối cảnh cả đất nước đang cùng nhau nỗ lực vươn lên. Tin rằng, những tư tưởng ấy, những thành công ấy rồi sẽ lan rộng đến khắp Thủ đô, để tạo nên sự đoàn kết, góp phần đưa đất nước tự tin vươn mình.
Bên ngoài khu dân cư, nắng vẫn vàng ươm rực rỡ, những cành đào thắm rung rinh trong gió chiều. Một mùa xuân mới đang đến rất gần…