Xây dựng Mang Yang-Gia Lai thành thiên đường bò sữa

Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu sữa trong nước, do đó, việc phát triển đàn bò sữa, nhất là ở tỉnh Gia Lai là việc làm cần thiết.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh tọa đàm.
Quang cảnh tọa đàm.

Ngày 16/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Thanh Niên tổ chức tọa đàm "Xây dựng Mang Yang-Gia Lai thành thiên đường bò sữa" nhằm thúc đẩy mô hình trang trại chăn nuôi bò sữa và tạo ra một thương hiệu, một đặc sản cho Gia Lai.

Theo thống kê, giai đoạn 2018-2020, cả nước chi khoảng 1 tỷ USD để nhập sữa mỗi năm. Riêng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 1,138 tỷ USD, tăng 12,56% so với năm 2020.

Hiện, tổng đàn bò sữa Việt Nam có khoảng 370.000 con, sản lượng sữa năm 2023 đạt 1,17 triệu tấn. Mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu đưa sản lượng sữa đạt từ 1,7 đến 1,8 triệu tấn, đến năm 2030 đạt 2,6 triệu tấn. Tổng đàn bò sữa đến năm 2025 đạt từ 650.000-700.000 con (khoảng 60% số bò sữa được nuôi tại các trang trại).

Để thực hiện mục tiêu trên, theo các chuyên gia, việc phát triển đàn bò sữa trong nước là điều cần thiết. Trong đó, Gia Lai có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển đàn bò sữa, nhất là ở huyện Mang Yang. Nơi đây hội tụ mọi điều kiện cần và đủ để phát triển các trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô lớn.

Nằm ở độ cao khoảng 800m so với mặt nước biển, Mang Yang có khí hậu mát mẻ, hệ thống sông suối tương đối dày, phân bổ đều trên khắp địa bàn. Đây là những điều kiện lý tưởng để phát triển đàn bò sữa với chất lượng tuyệt hảo, và Mang Yang đang có sự hiện diện của nhà sản xuất sữa hàng đầu Việt Nam.

Xây dựng Mang Yang-Gia Lai thành thiên đường bò sữa ảnh 1

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai phát biểu tại tọa đàm.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, cho biết, trong quy hoạch chung đã được phê duyệt thì Gia Lai dành hơn 850.000ha đất để sản xuất nông nghiệp, bằng đất sản xuất nông nghiệp của 5 tỉnh miền trung cộng lại.

Đất ở Gia Lai là đất đỏ bazan màu mỡ và đất sạch không bị ô nhiễm. Gia Lai đang phấn đấu doanh thu trong nông nghiệp sẽ tăng lên 2 tỷ USD/năm vào cuối nhiệm kỳ này, hoặc đầu nhiệm kỳ sau.

Gia Lai được quy hoạch trở thành cao nguyên sinh thái, thể thao, sức khỏe; phát triển kinh tế xanh, sinh thái sạch, ứng dụng công nghệ cao; hình thành các khu, vùng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nên tỉnh có những chính sách ưu đãi về công nghệ, thuế, chính sách… để kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Theo công bố Quy hoạch Gia Lai đến năm 2050, Gia Lai được quy hoạch thành cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe, là vùng đất xanh, phát triển kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số, hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh, nông nghiệp hữu cơ có thương hiệu.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai

Cả nước hiện có hơn 1.700 trại bò sữa, trong số này có nhiều trang trại nuôi quy mô lớn từ 2.000 con đến vài chục nghìn con; gần 28.700 hộ chăn nuôi bò sữa, với tổng đàn bò sữa cả nước ước gần 400.000 con.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam nhấn mạnh, hiện sản xuất sữa nguyên liệu tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Nhu cầu sử dụng sữa bình quân đầu người của Việt Nam hiện vẫn thấp, chỉ đạt 26-28 lít/người/năm. Trong khi Thái Lan là 35 lít/người/năm, Singapore là 45 lít/người/năm và các nước châu Âu từ 80-100 lít/người/năm.

Dự báo tiêu thụ sữa trong nước sẽ tiếp tục tăng trong vài năm tới do nhu cầu tăng cường về dinh dưỡng và miễn dịch của người dân và sự phát triển của các chuỗi bán hàng hiện đại.

Hơn nữa, khi đời sống kinh tế phát triển, người tiêu dùng đang quan tâm nhiều hơn về chất lượng và an toàn cho sức khỏe, đặc biệt đối với các sản phẩm dinh dưỡng như sữa.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Trung cũng cho biết, lâu nay các doanh nghiệp phát triển đàn bò sữa thường chọn những nơi có khí hậu mát để phát triển đàn bò sữa có chất lượng và năng suất cao như Đà Lạt, Mộc Châu...

Ngoài các địa danh nổi tiếng lâu đời như Đà Lạt, Mộc Châu, Mang Yang được xem như một ốc đảo xanh tươi, khí hậu quanh năm mát mẻ và trong lành, với nhiệt độ dao động từ 21-25 độ C, độ ẩm 82% cùng những bãi cỏ xanh tốt là nguồn thức ăn tự nhiên và giàu dinh dưỡng, là những điều kiện lý tưởng để phát triển đàn bò sữa.