Ở nơi chăm bò sữa như... chăm con

Về Mộc Châu, Sơn La, tôi tìm đến nhà anh Đỗ Chiêm, chủ trang trại bò sữa, đội 70, tiểu khu 1 để tìm hiểu nghề nuôi bò sữa. Anh Chiêm người tầm thước, da trắng khỏe mạnh, mặc bộ đồ công nhân mầu sữa mời tôi vào nhà. Sau tuần trà Mộc Châu đậm đặc, anh say sưa nói về trang trại bò sữa của nhà, đó là niềm vui và nguồn sống của nhà anh.
0:00 / 0:00
0:00
Đàn bò được cho ăn liên tục trong ngày.
Đàn bò được cho ăn liên tục trong ngày.

Từ đôi bò sữa làm vốn đầu tiên

Nhớ lại những năm 1990, anh Đỗ Chiêm khi đó gần 30 tuổi. Anh lập gia đình, ra ở riêng dựng được ngôi nhà gỗ hai gian, được bố mẹ phát vốn một đôi bò sữa. Đây là giống bò của Cuba viện trợ thời nông trường quốc doanh giải thể chia các xã viên. Vợ chồng anh chăm chút đôi bò sữa như những “thành viên” mới trong gia đình. Anh thích lắm bởi vì giống bò nhập khẩu Cuba hợp khí hậu Mộc Châu to cao, khỏe, cho sữa rất tốt.

Sau mấy năm, đôi bò sữa phối giống nhân đàn khá nhanh, cùng việc mua thêm các chú bê non và tậu thêm bò sữa mới từ các trang trại khác, từ bê non đến bò đã sinh sản, như giống bò Hà Lan, bò sữa Mỹ, đàn bò lên tới sáu mươi con. Mấy năm do dịch Covid-19, tình hình thế giới có nơi căng thẳng, lại giá thức ăn chăn nuôi lên cao nên thu nhập chững lại. Anh duy trì đàn bò sữa 50 con. Trong đó 25 con đã cho sữa và 25 bò cạn sữa, bê non.

Chưa hết chén chè, anh Đỗ Chiêm dẫn đi xem đàn bò sữa trang trại sát ngay nhà vợ chồng anh đang ở.

Trại bò khoảng 300 m2 nền lát xi-măng, lợp tôn, chung quanh thông thoáng. Tôi không thể không ngạc nhiên, những con bò có trọng lượng từ 6-7 tạ, rất nhiều con có trọng lượng tới tám tạ. Những con bò sữa mặt nhỏ, mắt hiền như mắt nai, cổ thẳng, hai chân sau vững chãi, tai con nào cũng gắn biển số mầu vàng, để ghi các chỉ số cần thiết của cán bộ kỹ thuật theo dõi thường xuyên.

Đặc biệt bộ vú căng hồng dưới cái bụng tròn căng và bộ mông nở, nom các “ả” bò bệ vệ và duyên dáng. Các con bò đều thò đầu ra ngoài chắn song nhai thức ăn đã ủ chua, cỏ tươi và thức ăn tinh như bột ngô, gạo, bí ngô, đỗ tương và các khoáng chất do công ty bán cho dưới sự kiểm tra chặt chẽ của cán bộ chuyên gia bò sữa.

Trại bò thiết kế làm hai dãy thẳng thắn như trại lính.

Dãy đầu tiên có ba ngăn.

Ngăn thứ nhất nuôi hai bê non “ăn sữa”. Khi bò mẹ vừa đẻ ra, chủ nhà chỉ giữ bê cái và tách ra cho ăn sữa bò. Còn bê đực đều bán cho quán làm món bê chao đặc sản Mộc Châu. Bê “ăn sữa” là bê từ ba ngày tuổi đến năm tháng tuổi.

Ngăn thứ hai nuôi 10 con được phối giống. Đây là những bê có tuổi đời từ một năm trở lên. Thời gian chửa đẻ của bò sữa có thời gian chín tháng mười ngày.

Ngăn thứ ba nuôi chín con bò “cạn sữa”. Bò “cạn sữa” là bò có thời gian vắt sữa nhiều tháng giờ đến lúc nghỉ ngơi, “phục hồi” cho những đợt vắt sữa tiếp theo và chờ sinh con. Đồng thời trong ngăn này cũng nuôi những con bò sữa có vấn đề viêm móng, viêm vú hoặc biếng ăn cần theo dõi và chăm sóc theo chế độ riêng.

Đối diện dãy thứ nhất là dãy thứ hai rộng thoáng nhất. Dãy này nuôi 25 con bò đang cho sữa. Đây là lực lượng cho sữa hằng ngày và thu nhập của gia đình. Những con bò sữa được lai tạo nhiều giống, đều từ giống bò lai mầu trắng to cao đẹp mắt và bộ vú căng đầy sữa.

Trước cửa chuồng đều cho rất nhiều cỏ tươi thái nhỏ, thức ăn ủ chua trộn ngũ cốc và dinh dưỡng, đàn bò hầu như nhai suốt ngày. Tôi chợt nghĩ. Nuôi con có thể hôm đói hôm no, bữa cơm rau bữa cơm thịt, còn nuôi bò sữa phải cho ăn đúng tiêu chuẩn đúng mức và chất lượng. Trung bình mỗi ngày một con bò sữa trưởng thành tiêu tốn 50 cân thức ăn. Nói nghề vắt sữa bò ra tiền triệu hằng ngày, nhưng không đơn giản tí nào. Nếu không chăm tốt, bò sẽ gầy, bệnh tật và sản phẩm sữa giảm sút thì phá đàn, vỡ nợ không biết lúc nào.

So nhiệt độ trước đây, nhiệt độ Mộc Châu nóng hơn vài ba độ. Quanh tôi tiếng tưới từ trên mái nhà chảy đều đều nhằm mưa nhân tạo cho đàn bò sữa. Nguồn nước được bơm lên từ hai giếng khoan trong vườn. Sau khi nước làm mát cho trại bò được chảy xuống bể ngầm cùng phân bò và rác thải. Cuối cùng, nước và phân bò được chảy ra đồng cỏ, nên cỏ sau nhà tốt tươi mơn mởn. Anh Đỗ Chiêm nói với tôi: Mỗi ngày anh cần tới đến 40 m3 nước làm mát cho đàn bò. Nếu không chủ động nguồn nước, anh phải mất trăm triệu đồng, còn dùng máy bơm nước thì tiết kiệm hơn nhiều tiền điện mỗi tháng.

Ở nơi chăm bò sữa như... chăm con ảnh 1

Đàn bò được cho ăn liên tục trong ngày.

Vắt sữa thành tiền

Được anh Chiêm hướng dẫn, tôi đi thăm trang trại bò. Một đôi vợ chồng trong sắc tộc H’Mông đang chăm chỉ làm việc, không biết tôi đang đến gần. Nghe tôi chào, người chồng cười nói, anh là Giàng A Dếnh, vợ là Giàng Thị Tú. Hai vợ chồng quê Quản Bạ, Hà Giang. Chồng năm nay 27 tuổi, mới học hết lớp 5, lấy vợ rồi đi làm thuê từ đó. Lương tháng hai vợ chồng là 14 bốn triệu đồng. Công việc hằng ngày là vệ sinh chuồng trại tinh tươm, thái cỏ cho bò, tắm rửa kỳ cọ chăm sóc bò, xúc phân trong chuồng cho vào hố tự hoại, vắt sữa, cho bò ăn, và thả bò ra đồng cỏ... Công việc không nặng nhưng luôn tay và tận tâm.

Thường vào 16 giờ hằng ngày, vợ chồng Giàng A Dếnh bắt tay vào công đoạn vắt sữa bò. Sau khi tắm rửa vệ sinh, lau khô cho đàn bò, họ gắn máy vào bầu vú vắt sữa. Khác với đàn bò cho ăn cỏ - tất cả thò đầu qua cửa chuồng, khi vắt sữa thì tất cả đàn bò đều quay mông ra ngoài. Những con bò mông nở, cùng bốn vú tròn căng ngoan ngoãn đứng im cho máy vắt sữa cắm vào chạy hết công suất, mút dòng sữa trắng cho vào bình. Cả trại bò chỉ nghe tiếng máy vắt sữa chạy ì ì và thoảng mùi thơm của sữa bò. Cứ lần lượt 10 con bò được vắt sữa cho đến con cuối cùng. Khi các bình sữa đã đầy, anh Chiêm và Dếnh lần lượt đổ vào bình lớn hơn gọi là “panh”, để lát sau chở đến Trạm thu mua sữa bò bán cho công ty đầu ngõ. Tôi nhìn các bình chứa ước chừng 500-600 trăm lít sữa tươi. Trong lúc chờ máy vắt sữa đang vận hành, anh Đỗ Chiêm rót cho tôi một chút sữa tươi mời nếm thử, tôi cảm nhận sữa tươi vừa vắt ra còn ấm nóng và rất thơm. Anh Chiêm nói:

“Sữa nhà em thường đánh giá là loại một. Sữa không “vón cồn” nghĩa là sau khi dùng cồn thử thì sữa không vón cục lại. Sữa sạch, bảo đảm vệ sinh, có mầu đặc trưng. Dân nuôi bò sữa ở đây rất “lành nghề”. Nhà em cũng thế, “thuộc bài” từ bố mẹ em đến đời con đều nắm chắc kỹ thuật nuôi bò sữa, từ A đến Z nên bảo đảm lắm! Giá thu mua của công ty là 15 nghìn đồng/lít, khi mang sữa đến Trạm thu mua, cán bộ kỹ thuật sẽ có máy kiểm đếm và tính tiền.

Sau khi vắt sữa, anh Chiêm thả đàn bò chạy ra đồng sau gần trại. Nhìn đàn bò 50 con mầu trắng lốm đốm nổi lên trên mầu xanh của cỏ tươi non rất đẹp và an lành. Cùng lúc, anh Giàng A Dếnh dùng máy cắt cỏ để cô vợ xếp cỏ lên thùng xe. Chẳng mấy chốc, chiếc xe trâu đã chất đầy cỏ tươi được nhanh chóng chở về trại bò.

Trời đã về chiều. Phía tây trời thảo nguyên trắng mầu sữa non và ngoài kia gió đồng cỏ ùa về. Chia tay tôi, anh Đỗ Chiêm còn dặn: Có thời gian, em kể cho anh về cuộc thi hoa hậu bò sữa Mộc Châu. Ngoài giải “Hoa hậu bò sữa”, còn có Hoa hậu bò “cạn sữa”, Hoa hậu “bê sữa”. Trong đàn bò nhà em cũng có Hoa hậu bò “cạn sữa” mấy năm trước.