Trong khuôn khổ Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (Dự án EU JULE) được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu, Diễn đàn là sự kiện quan trọng nhất trong năm của Nhóm quan hệ đối tác pháp luật, được tổ chức nhằm cập nhật và chia sẻ thông tin về những nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ ưu tiên của các cơ quan, tổ chức Việt Nam trong tiến trình xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay; từ đó tạo tiền đề, cơ sở cho việc thúc đẩy các quan hệ hợp tác, mở ra các cơ hội hợp tác mới về các lĩnh vực, nội dung trao đổi tại Diễn đàn.
Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn là mục tiêu kiên định hàng đầu Việt Nam trong thời gian qua. Qua hơn 35 năm đổi mới và hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991, bổ sung, phát triển năm 2011), công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt được những thành tựu rất quan trọng.
Nhận thức, lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng thống nhất, đầy đủ và sâu sắc hơn. Hệ thống pháp luật cơ bản đã được hoàn thiện; hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật được chú trọng trong tổ chức, hoạt động của Nhà nước và xã hội. Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ngày càng rõ hơn và có chuyển biến tích cực.
Bộ máy nhà nước từng bước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tổ chức và hoạt động của Quốc hội có nhiều đổi mới, chất lượng được nâng cao. Hoạt động của Chính phủ chủ động, tích cực, tập trung hơn vào quản lý, điều hành vĩ mô, tháo gỡ rào cản, phục vụ, hỗ trợ phát triển; cải cách hành chính, cải cách tư pháp có bước đột phá trên một số lĩnh vực.
Tổ chức bộ máy của tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án, cơ quan bổ trợ tư pháp tiếp tục được kiện toàn, chất lượng hoạt động được nâng lên. Quyền con người, quyền công dân theo Hiến định tiếp tục được cụ thể hóa bằng pháp luật và thực hiện tốt hơn trên thực tế; dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện được tăng cường; Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội từng bước được đổi mới. Mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam không ngừng được hoàn thiện, vận hành theo cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ; góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn còn nhiều việc cần phải làm để đáp ứng yêu cầu phát triển, quản lý và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.
Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại Diễn đàn. |
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết: Ngày 09/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Nghị quyết xác định các quan điểm, mục tiêu cùng các nhiệm vụ và giải pháp nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới; là cơ sở để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan định hướng việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đúng mục tiêu nhiệm vụ đề ra...
Trong bối cảnh đó, Diễn đàn pháp luật thường niên năm 2023 được tổ chức nhằm giới thiệu và chia sẻ thông tin về định hướng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, cung cấp và cập nhật tiến trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của các cơ quan, tổ chức, trao đổi về khả năng hỗ trợ, đồng hành của các đối tác quốc tế nhằm góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam sớm đạt được hiệu quả và mục tiêu mong muốn.
Diễn đàn cũng tổ chức hai phiên thảo luận với chủ đề “Tổng quan về chủ trương xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” và “Triển khai hiệu quả công cuộc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam trong giai đoạn mới trên một số lĩnh vực công tác cụ thể” với tham luận của đại diện các đơn vị, bộ, ngành, tổ chức xã hội.