Xây dựng dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân

NDO - Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 đang diễn ra. Với việc bổ sung nhiều quy định mới, dự án luật thể hiện tinh thần đổi mới mạnh mẽ trong việc bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
0:00 / 0:00
0:00
Giới thiệu tài liệu lưu trữ quốc gia về Chiến dịch Điện Biên Phủ và Hội nghị Genève. (Ảnh: Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước)
Giới thiệu tài liệu lưu trữ quốc gia về Chiến dịch Điện Biên Phủ và Hội nghị Genève. (Ảnh: Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước)

Hướng tới một xã hội lưu trữ

Tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan và chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật.

Chia sẻ về nội dung và những điểm mới của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ cho biết, nội dung dự thảo luật đã bám sát các chính sách lớn được Quốc hội thông qua tại đề nghị xây dựng luật, phù hợp với mục tiêu, quan điểm đề ra khi xây dựng dự án luật, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới...

Dự thảo cũng kế thừa các quy định của Luật Lưu trữ năm 2011 còn phù hợp, bổ sung quy định mới, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời thực hiện định hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng một xã hội lưu trữ.

Xây dựng dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân ảnh 1

Ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ.

Theo ông Tùng, nhiệm vụ của lưu trữ không chỉ đơn thuần là bảo quản, bảo vệ bộ nhớ của dân tộc, mà hơn cả, đó là việc tạo điều kiện thuận lợi và thu hẹp khoảng cách giữa quá khứ và hiện tại, cho phép các thế hệ quần chúng nhân dân của các giai đoạn lịch sử kết nối với nhau và kết nối với cội nguồn của mình.

Chính vì lẽ đó, cùng với việc ghi nhận giá trị đặc biệt của tài liệu lưu trữ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, một chương mới (so với Luật Lưu trữ 2011) “Tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ” được cơ quan soạn thảo luật đề xuất và nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu Quốc hội.

Tại nội dung mới này, các yêu cầu về hình thức phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, đặc biệt là công bố tài liệu lưu trữ, công khai danh mục hồ sơ, tài liệu lưu trữ đã được quy định cụ thể.

Quy định khuyến khích cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân lồng ghép việc phát huy giá trị tài liệu lưu trữ trong hoạt động giáo dục, đào tạo là một trong những điểm mới, mở rộng các đối tượng hướng tới của lưu trữ.

Ngoài việc phục vụ nhu cầu về thông tin của người dân, Chương V “Lưu trữ tư” của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) còn hướng tới phục vụ các nhu cầu khác của người dân trong việc bảo quản và phát huy giá trị các tài liệu do cá nhân sở hữu, bảo đảm tôn trọng quyền và lợi ích của các cá nhân/cộng đồng có sở hữu tài liệu.

Theo đó, Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu đối với tài liệu lưu trữ tư, có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi phá hoại, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tài liệu lưu trữ tư; khuyến khích tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng cung cấp thông tin về tài liệu lưu trữ tư để xây dựng cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ tư, ký gửi, tặng cho, bán tài liệu lưu trữ tư cho Nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng đầu tư nguồn lực, phát triển lưu trữ phục vụ cộng đồng...

Ông Tùng nêu rõ, với việc bổ sung nhiều quy định mới, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã thể hiện tinh thần đổi mới mạnh mẽ trong việc bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Góp phần lấp đầy khoảng trống thông tin

Hiện nay, 4 Trung tâm Lưu trữ quốc gia đang quản lý 33.964m giá tài liệu lưu trữ nền giấy, 63.954 tấm bản đồ; 275.809 tấm tài liệu ảnh; 3.699 giờ băng tài liệu ghi âm; 615 giờ băng tài liệu ghi hình; 12.121.733 megabye tài liệu điện tử; 33.791 tấm tài liệu Mộc bản.

63 Lưu trữ lịch sử tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hiện đang quản lý 74.212m giá tài liệu lưu trữ nền giấy, 42.233 tấm bản đồ; 214 giờ băng tài liệu ghi âm; 2.660 giờ băng tài liệu ghi hình; 15.110 tấm tài liệu ảnh; 59.735.122 megabye tài liệu điện tử.

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cho biết, trong những năm qua, các tài liệu trên đã phục vụ đắc lực công chúng xã hội nói chung và công tác thông tin đối ngoại nói riêng thông qua việc phục vụ xây dựng nhiều chương trình phát thanh, truyền hình, bài báo, các xuất bản phẩm phục vụ cho việc truyền tải thông tin của các cơ quan báo chí, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền được thông tin và tiếp nhận thông tin của nhân dân.

Để bảo đảm đầy đủ quyền tiếp cận thông tin từ tài liệu lưu trữ của người dân, một trong các hành vi bị nghiêm cấm đã được quy định trong dự thảo luật: Cản trở quyền sử dụng hợp pháp tài liệu lưu trữ của công dân. Đồng thời, dự thảo luật cũng quy định cụ thể về tiếp cận tài liệu lưu trữ.

Song song với đó, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) cũng quy định quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận và sử dụng thông tin tài liệu lưu trữ.

Đặc biệt, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng cũng cho biết, điểm mới và tiến bộ của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) thể hiện ở việc mở rộng phạm vi thông tin được tiếp cận, thúc đẩy quá trình giải mật tài liệu được nhanh hơn, hạn chế mức thấp nhất khoảng trống thông tin do tính mật của tài liệu tạo nên, đồng thời góp phần lấp đầy khoảng trống thông tin về một số lĩnh vực quan trọng trong quản lý xã hội.

Theo đó, dự thảo luật quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và lưu trữ lịch sử trong việc giải mật tài liệu. Cụ thể, trong thời hạn 5 năm (luật hiện hành là 10 năm), cơ quan, tổ chức đã xác định bí mật nhà nước có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với lưu trữ lịch sử thực hiện việc giải mật tài liệu đã nộp vào lưu trữ lịch sử theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Xây dựng dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân ảnh 4

Đoàn cơ quan Lưu trữ quốc gia Na Uy thăm và làm việc tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng, tháng 9/2023. (Ảnh: Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước)

“Với quy định trên sẽ thúc đẩy quá trình giải mật tài liệu được nhanh hơn. Nhiều thông tin trong các tài liệu lưu trữ đóng dấu chỉ các mức độ mật thường liên quan đến các sự kiện, vụ việc, nhân vật được rất nhiều người quan tâm. Nếu các thông tin chính thức không được đáp ứng sẽ có những thông tin không chính thức thay thế”, ông Đặng Thanh Tùng cho biết.

Trong bối cảnh hội nhập, sự bùng nổ thông tin và xu thế mở rộng dân chủ của xã hội, đòi hỏi Nhà nước phải chủ động tuyên truyền về đường lối, chính sách, chủ trương của mình tạo điều kiện để công chúng tiếp cận đầy đủ hơn với tài liệu, hạn chế mức thấp nhất khoảng trống thông tin do tính mật của tài liệu tạo nên thì sự thật lịch sử sẽ trở nên khách quan, đầy đủ hơn, tránh sự xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử của các thế lực thù địch gây nên, ông Tùng nhấn mạnh.

Ngoài ra, bằng việc giảm thời hạn nộp lưu tài liệu vào Lưu trữ lịch sử, người dân có khả năng tiếp cận tài liệu của các cơ quan công quyền sớm hơn, rút ngắn thời gian từ 10 năm kể từ năm công việc kết thúc (Luật Lưu trữ 2011) xuống còn 5 năm, tính từ năm nộp tài liệu vào lưu trữ hiện hành. Đây được coi là sự thay đổi lớn, góp phần hiệu quả trong việc giúp nhân dân thực hiện quyền giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước.

Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) cũng bổ sung nhiều quy định về loại hình tài liệu mới - tài liệu lưu trữ số. Đồng thời, có điều khoản quy định về việc xây dựng, quản lý và kết nối cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng và bảo mật thông tin theo cấp độ quy định của Luật An toàn thông tin mạng.

Thêm vào đó, dự thảo cũng đặt ra yêu cầu đối với chủ thể có nghĩa vụ chủ động cung cấp thông tin có sẵn, một cách thường xuyên, ngay cả khi không có yêu cầu của nhân dân, qua đó góp phần bảo đảm quyền tìm kiếm thông tin - một trong những nội hàm của quyền tiếp cận thông tin.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, dự kiến sáng 24/5, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), trước khi biểu quyết thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi) trong phiên họp sáng 21/6.