Ông Trần Đăng Phương, Trưởng phòng Xử lý nghiệp vụ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) vẫn nhớ như in hành trình phục chế 6 đạo sắc phong tại đình Thần Mỹ Thọ, thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Chiều 14/4/2017, Ban Tế tự đình Thần Mỹ Thọ bàn giao cho đoàn cán bộ của Trung tâm một cuộn sắc phong bị hư hỏng nặng, bết dính, đóng cục, không xác định được có bao nhiêu đạo sắc.
Theo lời kể của các cụ trong Ban Tế tự, cuộn sắc phong này bị rớt xuống sông khi chạy giặc từ những năm 1940, sau đó được vớt lên cho vào ống quyển bằng đồng và cứ để vậy đến nay. Ông Phương cho biết, đây là trường hợp tài liệu bị hư hỏng nặng nhất mà người dân từng nhờ Trung tâm khắc phục. Các cán bộ của trung tâm đã thận trọng mở, bóc tách cuộn sắc phong từng chút một. Có lúc công việc tưởng chừng bế tắc, mọi người lại động viên nhau kiên trì. Các cán bộ đã tham khảo thêm ý kiến của những chuyên gia hàng đầu Nhật Bản, từ đó đi tới thống nhất cách xử lý về căn bản vẫn thực hiện như với các tài liệu Châu bản triều Nguyễn.
Tuy nhiên, chất liệu giấy sắc có nhiều lớp giấy mỏng nghè lại với nhau bị hư hại nặng nên bong rộp, tình trạng đã khó lại càng khó hơn. Giấy yếu, rách thành nhiều mảnh vụn dẫn đến một số công đoạn phải đảo ngược quy trình. Rất may mắn, đến tháng 3/2019, việc bóc tách và xếp các mảnh nhỏ tái hiện hình hài cho các đạo sắc phong đã cơ bản hoàn thành.
“Không thể nào quên xúc cảm vỡ òa của những người thực hiện khi các đạo sắc dần hiện lên, cảm giác kỳ diệu như đang trong câu chuyện cổ tích”, ông Phương chia sẻ. Đến ngày 9/7/2020, sau đúng 3 năm 3 tháng, các đạo sắc phong của đình Thần Mỹ Thọ mới được “hồi sinh” với tương đối đầy đủ các thông tin ban đầu.
Câu chuyện nêu trên chỉ là một dẫn chứng cho những gian nan muôn hình vạn trạng mà những người làm công tác tu bổ tài liệu phải đối mặt. Dưới tác động của thời gian, chiến tranh, thời tiết cùng nhiều tác nhân gây hại khác, các tài liệu khó tránh khỏi bị hư hỏng nặng ở các dạng: Ố vàng, giòn, rách, mủn, tàn mờ… Chưa kể, tính đa dạng về chất liệu của vật mang tin và phương pháp ghi tin cũng làm nảy sinh vô vàn những trắc trở khác nhau.
Nhiều dòng tộc, cá nhân, cơ sở thờ tự coi tài liệu như báu vật cho nên gìn giữ rất kỹ, song lại chưa biết cách bảo quản khiến không ít tài liệu, nhất là các tài liệu Hán-Nôm bị mối mọt hủy hoại đáng tiếc. Thí dụ, với hệ thống sắc phong tại các di tích, Thạc sĩ Điền Thị Hạnh (Viện Bảo tồn di tích) nêu thực trạng: Có nơi cho sắc phong vào khung kính, treo lên tường nên sau vài năm bị mờ chữ do phản ứng quang hóa; có nơi mang sắc phong ra ép plastic khiến toàn bộ bị biến màu do phản ứng hóa học; có nơi cuộn vào túi nilon, cất kỹ vào hòm sắt, hòm gỗ hoặc két sắt, đến khi mở ra thì bị dính bết, vón cục...
“Những tác động nêu trên không những gây hậu quả nghiêm trọng là làm hỏng tài liệu mà còn tạo ra khó khăn cho các chuyên gia khi xử lý (mất nhiều thời gian, công sức), thậm chí có trường hợp nặng không thể khắc phục được”, bà Hạnh cho biết.
Năm tháng càng lùi xa, tài liệu càng dễ xuống cấp, quá trình tu bổ, phục chế chẳng khác nào cuộc chạy đua với thời gian. Thế nhưng trên thực tế, bên cạnh thách thức trong tìm biện pháp kỹ thuật xử lý tình trạng vật lý của tài liệu, người làm công tác lưu trữ còn phải đối diện những trở ngại xuất phát từ chính tâm lý của những người đang sở hữu, cất giữ tài liệu.
Trong đó, trở ngại thường gặp là nỗi lo của người dân khi động chạm vào tài liệu cổ, có tính thiêng. Làm thế nào để người dân yên tâm, tin tưởng cho tiếp cận, tu bổ những tài liệu này là điều không đơn giản. Chia sẻ tại Tọa đàm “Bảo quản phục chế tài liệu lưu trữ - Để ký ức luôn hồi sinh” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I vừa tổ chức, ông Phạm Xuân Phương, nguyên Chủ trì, Chủ nhiệm chương trình hợp tác và đề tài nghiên cứu khoa học sưu tầm, số hóa tài liệu Hán-Nôm làng xã và tư gia ở Thừa Thiên Huế (2009-2021) cho biết: Nguyên tắc của nhiều làng, dòng họ là khi mở hòm bộ sắc phong, tài liệu sẽ phải làm lễ với đầy đủ thành phần chức sắc của làng và đại diện các chi phái. Có dòng họ quy định thời gian mở hòm bộ là 3 năm một lần, có dòng họ là 5 năm một lần, và cũng có những dòng họ nhiều năm không mở. Với hòm bộ nhà thờ họ Tống -
dòng họ của bà Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu Tống Thị Lan, nhóm chuyên gia đã phải qua quá trình vận động, thuyết phục kéo dài suốt nhiều năm thì hòm bộ mới được mở sau 10 năm đặt trong thùng sắt. “Rất may mắn, những sắc phong chất liệu lụa điều của Vua Gia Long ban cho họ Tống vẫn còn. Một số tài liệu bằng giấy long đằng, giấy dó thì bị hỏng đến hơn 60%...”, ông Phương kể.
Đứng trước thực tế này, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh tiếp tục đầu tư nguồn lực để nâng cao kỹ thuật chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tu bổ, phục chế tài liệu tại các bảo tàng, thư viện, lưu trữ quốc gia, địa phương, điều quan trọng là cần nâng cao nhận thức và ý thức của người dân về giá trị của tài liệu lưu trữ cũng như cách bảo quản các tài liệu lưu trữ.
Ông Trần Đăng Phương đề xuất các địa phương nên phối hợp các trung tâm lưu trữ tổ chức các lớp tập huấn về bảo quản tài liệu, nhất là tài liệu Hán-Nôm cho các cơ sở thờ tự, cá nhân, gia đình, dòng họ trên địa bàn. Mục đích của lớp tập huấn là trang bị thông tin về tài liệu, về nghiệp vụ bảo quản, khai thác sử dụng tài liệu, từ đó, giúp người dân nâng cao ý thức giữ gìn và kéo dài tuổi thọ cho các tài liệu quý, hiếm.
Liên quan việc bảo quản an toàn tài liệu sau tu bổ trong dân, ông Phương cho rằng cần được thực hiện theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Bởi tài liệu sau tu bổ dù tình trạng vật lý đã được cải thiện nhưng không thể trở lại như mới, việc bảo quản và sử dụng sau đó cần được thực hiện theo giải pháp phù hợp. Xét về góc độ an ninh, phòng chống cháy nổ thì các cơ sở thờ tự, nhà dân không phải địa chỉ an toàn để bảo quản tài liệu quý hiếm.
Thực tế cho thấy, tại nhiều cơ sở thờ tự trên cả nước đã xảy ra mất trộm các đạo sắc phong hoặc bị thiêu hủy khi có hỏa hoạn. Vì thế, theo ông Phương, tài liệu quý nên được bảo quản trong các kho lưu trữ chuyên dụng bằng hình thức ký gửi hoặc hiến tặng như một số cơ sở thờ tự đã thực hiện. Các cơ sở thờ tự có thể sử dụng phiên bản để phục vụ các nghi lễ truyền thống.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện tiềm năng về tài liệu do các cá nhân, gia đình, dòng họ, cơ sở thờ tự lưu trữ là rất lớn. Để phát huy giá trị của khối tài liệu này, các cán bộ làm công tác lưu trữ lịch sử cần tăng cường đi thực địa, tới các hộ dân để tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa của bảo quản, phục chế tài liệu; vận động họ kê khai, hiến tặng hoặc ký gửi các tài liệu quý vào trung tâm lưu trữ để có phương án chống lão hóa, phát huy giá trị tài liệu; cùng với đó cần có những chính sách ghi nhận, khuyến khích kịp thời để người dân tự nguyện ký gửi hoặc hiến tặng.