Pháp lệnh về lưu trữ quốc gia năm 2001 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định: “Tài liệu lưu trữ quốc gia là di sản của dân tộc, có giá trị đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Đây là những bằng chứng lịch sử quý giá, chứa đựng các thông tin xác thực về nhiều vấn đề, sự kiện thuộc mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, phản ánh thành tựu sáng tạo của nhân dân qua các thời kỳ, góp phần xác lập, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Không chỉ có vai trò phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử, tài liệu lưu trữ còn có giá trị đặc biệt trong thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Vì thế, việc tìm cách đưa khối tài liệu quý này đến gần hơn với công chúng càng có ý nghĩa quan trọng và thiết thực.
Hàng nghìn giá, tủ tài liệu được bảo quản tại các khu lưu trữ quốc gia và địa phương vẫn đang cất giữ kho tàng thông tin đồ sộ, lý thú, đòi hỏi cần tiếp tục được tìm hiểu, nghiên cứu và phát huy giá trị.
Đồng chí Đường Ngọc Hà, Trưởng phòng Giáo dục truyền thông, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám
Dẫn chứng về tầm quan trọng của tài liệu lưu trữ, bà Đường Ngọc Hà, Trưởng phòng Giáo dục truyền thông, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho biết: Lâu nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu về Văn Miếu của các nhà khoa học, lịch sử được công bố, tuy nhiên thông tin về Văn Miếu thời Pháp thuộc vô cùng hạn chế, chỉ gói gọn trong vài câu ngắn ngủi. Song với triển lãm “Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội giai đoạn 1898-1954” phối hợp tổ chức cùng Viện Viễn Đông bác cổ Pháp đầu năm 2023, thông qua các tài liệu lưu trữ, những người thực hiện đã kể được câu chuyện vô cùng sinh động, chi tiết về việc các chuyên gia Pháp, những người thợ nề, thợ mộc... đã chung tay bảo vệ Văn Miếu như thế nào, tu sửa những gì để hồi sinh di sản; đồng thời, thu lượm được nhiều thông tin thú vị về Văn Miếu... Điều này cho thấy, hàng nghìn giá, tủ tài liệu được bảo quản tại các khu lưu trữ quốc gia và địa phương vẫn đang cất giữ kho tàng thông tin đồ sộ, lý thú, đòi hỏi cần tiếp tục được tìm hiểu, nghiên cứu và phát huy giá trị.
Theo Cục trưởng Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng, trong quá khứ, có thời điểm công tác lưu trữ chỉ được thực hiện một cách thầm lặng, thiếu sự cởi mở cần thiết để tiếp cận cộng đồng. Nhưng hiện nay, với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tài liệu lưu trữ đã có nhiều cơ hội hơn để chủ động đi vào đời sống xã hội. Và việc có nhiều hơn những đổi mới, sáng tạo trong cách tiếp cận tài liệu lưu trữ, nhất là với những di sản tư liệu đã được vinh danh sẽ góp phần phát huy mạnh mẽ hơn giá trị của tài liệu lưu trữ đối với công chúng nhiều thế hệ, nhất là với giới trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.
Các chuyên gia nhận định, muốn gia tăng sự hứng thú của người trẻ hiện nay đối với tài liệu lưu trữ và di sản, không cách nào khác là cần có sự lựa chọn vấn đề cũng như cách chuyển tải phù hợp nhu cầu, thị hiếu, vấn đề mà người trẻ đang quan tâm.
Tiến sĩ Vũ Đức Liêm, giảng viên Khoa Lịch sử, Trường đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh: Lịch sử chỉ thu hút người trẻ khi đưa ra được những câu chuyện, nhân vật hấp dẫn, cho nên tư liệu lưu trữ phải tìm cách để họ thấy có thể kết nối với quá khứ, nhận ra rằng cách đây hàng trăm năm, ông cha mình cũng từng phải đối diện nhiều vấn đề tương tự hiện nay như quy hoạch đô thị, cháy ở Thăng Long, nước lên xuống ở sông Hồng... Những câu chuyện này sẽ thay đổi cách tiếp cận của giới trẻ về lịch sử.
“Linh hồn của các triển lãm, trưng bày tài liệu lưu trữ phải là chủ đề, cách kể chuyện đủ hấp dẫn về cả nội dung, thông tin và không gian trưng bày chứ không phải trưng ra nhiều hiện vật. Muốn kể những câu chuyện này một cách sinh động, bên cạnh vai trò của những người làm công tác lưu trữ, còn cần sự tham gia của những người làm kỹ thuật, công nghệ, âm thanh, ánh sáng... để lịch sử được diễn giải chân thực, sống động nhất” - Tiến sĩ Vũ Đức Liêm bày tỏ.
Linh hồn của các triển lãm, trưng bày tài liệu lưu trữ phải là chủ đề, cách kể chuyện đủ hấp dẫn về cả nội dung, thông tin và không gian trưng bày chứ không phải trưng ra nhiều hiện vật. Muốn kể những câu chuyện này một cách sinh động, bên cạnh vai trò của những người làm công tác lưu trữ, còn cần sự tham gia của những người làm kỹ thuật, công nghệ, âm thanh, ánh sáng... để lịch sử được diễn giải chân thực, sống động nhất.
Tiến sĩ Vũ Đức Liêm, giảng viên Khoa Lịch sử, Trường đại học Sư phạm Hà Nội
Ông Liêm cũng thông tin, trong giáo dục lịch sử hiện nay, văn bản tài liệu gốc đóng vai trò quyết định và trọng tâm. Nếu trước kia, học trò học lịch sử thường phải gắn với nhận định của các nhà sử học thì nay, việc đưa các văn bản gốc vào chương trình giáo dục buộc học sinh phải nghiên cứu dựa trên các văn bản đó, từ đó hiểu hơn về lịch sử chứ không đơn thuần là nhớ một cách máy móc. Đây có thể xem là cách mạng về tư duy trong tiếp cận lịch sử...
Đồng quan điểm nêu trên, bà Đường Ngọc Hà cho rằng, càng hội nhập, giao lưu văn hóa sâu rộng, những người trẻ càng cần biết mình là ai, bản sắc văn hóa dân tộc mình là gì. Và di sản, tài liệu lưu trữ chính là thứ kết nối họ với lịch sử, nguồn cội.
“Tuy nhiên, không thể cứ nói di sản quý lắm, hay lắm là giới trẻ sẽ tự tìm đến, điều quan trọng là phải tạo ra được những điều hấp dẫn họ. Đó là lý do thời gian gần đây, chúng tôi luôn nỗ lực để đổi mới. Thay vì chỉ trưng bày những tư liệu khô khan, chúng tôi thường xuyên tổ chức những triển lãm, trưng bày, tour tham quan để kể chuyện về di sản, ứng dụng những công nghệ trình chiếu hiện đại để những người trẻ hào hứng tương tác với di sản” - bà Đường Ngọc Hà cho biết. Khi được “chạm” vào di sản và thêm yêu di sản, giới trẻ sẽ tìm ra cách ứng xử phù hợp với di sản, và đó cũng là lúc di sản phát huy mạnh mẽ giá trị trong cuộc sống.