Nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)

NDO - Ngày 29/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)”. 
0:00 / 0:00
0:00
Đông đảo các nhà khoa học tham dự hội thảo
Đông đảo các nhà khoa học tham dự hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Nguyễn Quyết Chiến, nêu rõ: Tài liệu lưu trữ chính là nguồn sử liệu hết sức quý giá, đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, của mỗi cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp...

Nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) ảnh 1

Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Nguyễn Quyết Chiến phát biểu tại Hội thảo.

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến công tác lưu trữ. Năm 2011, Quốc hội đã ban hành Luật Lưu trữ (thay thế Pháp lệnh lưu trữ quốc gia năm 2001). Tuy nhiên, qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Lưu trữ đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình thực tiễn, nhất là với các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử để tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước. Do vậy, Chính phủ đã đề nghị và Quốc hội đã đồng ý đưa dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và 2024. Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (tháng 10 vừa qua), Quốc hội đã xem xét cho ý kiến lần đầu và dự kiến sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 (vào tháng 5/2024).

Bà Nguyễn Thị Chinh, thành viên thường trực Tổ biên tập dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Cục Văn Thư lưu trữ (Bộ Nội vụ) cho biết, Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) có kết cấu gồm 9 chương, 68 điều (tăng 2 chương, 26 điều so với Luật Lưu trữ năm 2011). Trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Lưu trữ năm 2011, dự thảo Luật có các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 4 chính sách lớn, gồm: Quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ; Quy định về lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số; Quy định về hoạt động lưu trữ tư; Quy định về quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ.

Nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) ảnh 2

Bà Nguyễn Thị Chinh, thành viên thường trực Tổ biên tập dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Cục Văn Thư lưu trữ (Bộ Nội vụ) cho biết: Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) có kết cấu gồm 9 chương, 68 điều (tăng 2 chương, 26 điều so với Luật Lưu trữ năm 2011).

6 tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ Hội Doanh nghiệp Lưu trữ Việt Nam, Hội Thư viện Việt Nam, Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Văn thư - Lưu trữ, Bộ Tư pháp... đã đi vào các nội dung cụ thể của Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Theo Tiến sĩ Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, về kinh phí cho hoạt động lưu trữ, khoản 1 Điều 61 quy định: “Kinh phí hoạt động lưu trữ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân do ngân sách nhà nước bảo đảm”.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong mục ngân sách chưa có mục cụ thể riêng cho hoạt động lưu trữ nằm trong khoản chi thường xuyên phân bổ kinh phí hàng năm cho các cơ quan, tổ chức. Hiện tại, chi thường xuyên của các cơ quan, tổ chức chủ yếu phục vụ các công việc khác, không dành cho hoạt động lưu trữ dẫn đến tình trạng tồn đọng, chưa được chỉnh lý, lựa chọn để nộp vào lưu trữ cơ quan, lưu trữ lịch sử. Để bảo đảm tính khả thi các quy định của Luật Lưu trữ trên thực tế khi ban hành, đề nghị cần quy định rõ mục lục ngân sách cấp cho hoạt động lưu trữ của các cơ quan, tổ chức.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Lưu trữ Việt Nam, Đinh Thế Vinh bày tỏ sự đồng tình và nhất trí cao với dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Tuy nhiên, điểm a và b khoản 1 điều 56 quy định: “Bộ Nội vụ hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ trong phạm vi toàn quốc. UBND cấp tỉnh, cấp huyện hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ theo thẩm quyền quản lý”. Như thế một dự án, một hoạt động dịch vụ lưu trữ có đến ba cấp quản lý có thể thanh tra, kiểm tra từ Bộ Nội vụ, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện.

Theo ông Vinh, cần tách bạch giữa hướng dẫn và thanh tra, kiểm tra quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ vì nếu quy định không cẩn thận sẽ dẫn đến sự chồng chéo trong việc thanh tra, kiểm tra giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tạo áp lực cho cá nhân tổ chức tham gia hoạt động dịch vụ lưu trữ, dễ phát sinh tiêu cực.

Kết thúc hội thảo, Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Nguyễn Quyết Chiến bày tỏ hoan nghênh các ý kiến đóng góp hết sức sâu sắc, tâm huyết và cho biết Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam sẽ tổng hợp để gửi tới các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tới.