Bắc Ninh là địa phương có bề dày truyền thống văn hóa, lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó có dân ca quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bên cạnh các không gian văn hóa quen thuộc của đình, đền, chùa, nhà hát dân ca quan họ…, hệ thống “nhà chứa quan họ” là một trong những thiết chế văn hóa mang nét đặc trưng của di sản văn hóa dân ca quan họ Bắc Ninh.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách thực hiện các nội dung cam kết với UNESCO, đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị quan họ, trong đó có xây dựng các thiết chế văn hóa đặc thù cho loại hình diễn xướng dân gian này.
Nhà chứa quan họ được phục dựng theo mô hình không gian sinh hoạt văn hóa quan họ truyền thống, nơi các liền anh, liền chị và những người yêu thích, muốn thưởng thức và học hát quan họ đến tập luyện, truyền dạy kiến thức, kỹ năng hát các làn điệu dân ca.
Nhà chứa quan họ được phục dựng theo mô hình không gian sinh hoạt văn hóa quan họ truyền thống, nơi các liền anh, liền chị và những người yêu thích, muốn thưởng thức và học hát quan họ đến tập luyện, truyền dạy kiến thức, kỹ năng hát các làn điệu dân ca. Đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã phục dựng và đưa vào hoạt động 11 nhà chứa quan họ.
Đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã phục dựng và đưa vào hoạt động 11 nhà chứa quan họ. Các nhà chứa quan họ đều nằm ở vị trí trung tâm, thuận lợi để nhân dân tham gia. Thành phố Bắc Ninh đã đưa vào hoạt động bảy nhà chứa quan họ; huyện Tiên Du xây dựng ba nhà chứa quan họ và thị xã Từ Sơn đã hoàn thành, bàn giao một nhà chứa quan họ.
Các nhà chứa quan họ đều có ban quản lý, quy chế hoạt động cụ thể để tổ chức sinh hoạt, thực hành di sản dân ca quan họ. Nơi đây cũng là địa điểm đào tạo, truyền dạy kiến thức và các kỹ thuật hát dân ca quan họ, tổ chức giao lưu giữa các câu lạc bộ quan họ trên địa bàn; tập luyện, đào tạo các cặp đôi liền anh, liền chị tham gia hội thi hát đối đáp quan họ đầu xuân hằng năm.
Theo kế hoạch, đến năm 2030, Bắc Ninh tiếp tục đầu tư xây dựng 44 nhà chứa quan họ tại 44 làng quan họ gốc.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Trịnh Hữu Hùng nhận định: Sự phát triển và hình thành thiết chế nhà văn hóa, câu lạc bộ khiến các sinh hoạt quan họ tại nhà chứa quan họ dần mai một.
Việc đầu tư, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao nói chung và đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa đặc thù nói riêng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh là nhiệm vụ cần thiết.
Vì vậy, việc phục dựng nhà chứa quan họ tại các làng quan họ cổ và thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ đã tác động tích cực, góp phần đáp ứng nhu cầu sáng tạo, trao đổi, học tập, hưởng thụ của nhân dân.
Nhà chứa quan họ còn là cái nôi bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân ca quan họ Bắc Ninh, vừa tạo nền tảng vững chắc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và nông thôn mới ở tỉnh Bắc Ninh.
Cùng chung cách làm với tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Bình Dương chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng và hiệu quả các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu của công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp. Với 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp thu hút 1,3 triệu người lao động, việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở có vị trí hết sức quan trọng.
Bên cạnh hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư, xây dựng từ ngân sách nhà nước, các khu công nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể chính trị đã mạnh mẽ đầu tư xây dựng các thiết chế phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động.
Khu công nghiệp Mỹ Phước (thị xã Bến Cát) đầu tư 15 tỷ đồng xây dựng nhà hát sân khấu ngoài trời, cụm sân bóng đá Khu công nghiệp Mỹ Phước với sáu sân đạt tiêu chuẩn, hằng năm tổ chức đại hội thể dục-thể thao cơ sở các khu công nghiệp Mỹ Phước; trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân và lao động trẻ tỉnh Bình Dương tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 (thị xã Bến Cát) rộng 15.446m2 với tổng mức đầu tư 95,7 tỷ đồng, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục-thể thao chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp.
Trình diễn dân ca quan họ ở một điểm sinh hoạt ngoài trời tại Bắc Ninh. (Ảnh Khiếu Minh) |
Liên đoàn Lao động tỉnh cũng đầu tư xây dựng trung tâm văn hóa thể thao công nhân lao động Bình Dương tại thành phố Thuận An rộng 2,3 ha, tổng vốn đầu tư ban đầu 72,8 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp tại các khu công nghiệp chủ động đầu tư xây dựng hội trường đa năng, trung tâm văn hóa, trung tâm thể thao cộng đồng, nhà thi đấu đa năng, hồ bơi, sân bóng đá, bóng chuyền... chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân lao động tại địa phương.
Nhiều địa phương vận dụng các giải pháp đổi mới, hoàn thiện nhà văn hóa, khu thể thao xã, phường, thư viện, bảo tàng… phù hợp điều kiện sinh hoạt, đặc thù vùng miền, phong tục tập quán, các nhóm đối tượng và lứa tuổi.
Với cách làm nhạy bén, linh hoạt, tỉnh Thái Bình tích cực xây dựng mô hình nhà văn hóa, khu thể thao thôn, tổ dân phố kiểu mẫu. Mô hình Nhà văn hóa khu dân cư kiểu mẫu tại thôn Bích Du, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy có tổng kinh phí 670 triệu đồng, trong đó Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh hỗ trợ ban đầu 100 triệu đồng, huyện Thái Thụy hỗ trợ 50 triệu đồng; xã Thái Thượng hỗ trợ 150 triệu đồng, ngoài ra huy động nguồn xã hội hóa được 370 triệu đồng để đầu tư dụng cụ tập luyện thể thao ngoài trời cho khu thể thao thôn (cột, bóng, lưới môn bóng chuyền hơi; bàn, bóng, vợt bóng bàn; bàn cờ tướng…) và thiết bị cho nhà văn hóa thôn (tủ sách, ti-vi, wifi, loa đài âm thanh, bàn ghế…).
Thời gian qua, thành phố Đà Nẵng cũng tập trung phát triển hoàn thiện thiết chế văn hóa gắn với bảo vệ giữ gìn cảnh quan văn hóa. Thành phố đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật, Nhà trưng bày Hoàng Sa, Thư viện Khoa học Tổng hợp, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, tu bổ, phục hồi di tích Thành Điện Hải (giai đoạn 1)... góp phần tạo cơ sở vật chất và điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và phục vụ nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân.
Cùng với ngân sách nhà nước đầu tư cho hệ thống thiết chế văn hóa, một số địa phương đã linh hoạt huy động xã hội hóa đầu tư, hoàn thiện hạ tầng văn hóa. Tuy nhiên, ở nhiều nơi xây dựng xong thiết chế văn hóa, rồi “quên” luôn việc vận hành, hoạt động, cho nên hiệu quả chưa cao.
Cùng với ngân sách nhà nước đầu tư cho hệ thống thiết chế văn hóa, một số địa phương đã linh hoạt huy động xã hội hóa đầu tư, hoàn thiện hạ tầng văn hóa. Tuy nhiên, ở nhiều nơi xây dựng xong thiết chế văn hóa, rồi “quên” luôn việc vận hành, hoạt động, cho nên hiệu quả chưa cao. Các thiết chế văn hóa, thể thao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển chung của xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; chất lượng và hiệu quả hoạt động còn thấp. Thiết chế văn hóa, thể thao ở cấp thôn, làng, tổ dân phố còn thiếu và chưa đồng bộ, xuống cấp; diện tích không bảo đảm, thiếu công trình phụ trợ.
Ở không ít địa phương, sau khi sáp nhập, đổi tên, sắp xếp lại các đơn vị hành chính, có tình trạng bị thừa hoặc thiếu thiết chế văn hóa, thể thao; thiếu quỹ đất trung tâm dành cho việc xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao theo chuẩn quy định. Thậm chí, nhiều nhà văn hóa không hoạt động, sân vận động bỏ hoang, gây lãng phí cơ sở vật chất; một số trung tâm văn hóa-thể thao, nhà văn hóa xã, phường, thị trấn hoạt động không thường xuyên, mang tính thời vụ, phong trào.
Có địa phương chưa chủ động bố trí kinh phí và huy động các nguồn xã hội hóa để xây dựng thiết chế văn hóa. Công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao còn ở mức thấp, do đây không phải là lĩnh vực hấp dẫn, cho nên không thu hút đầu tư mạnh mẽ từ doanh nghiệp. Thực trạng nêu trên có thể thấy rõ, song chưa được quan tâm đúng mức và giải pháp hiệu quả.
Trong dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng và hoàn thiện thể chế và thiết chế cho hoạt động văn hóa từ Trung ương đến cơ sở là một nhiệm vụ trong nhóm dự án về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Để góp phần thực hiện được nhiệm vụ này, mỗi địa phương cần nghiên cứu xây dựng và ban hành cơ chế ưu đãi, chính sách đặc thù phù hợp thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa đối với hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.
Sự phối hợp liên ngành trong đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới, khai thác, sử dụng hiệu quả công năng các thiết chế văn hóa phục vụ nhân dân vừa tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, rèn luyện thể thao nâng cao sức khỏe của nhân dân, đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.