Dịp 30/4 vừa qua, trong khí thế vui tươi, hào hứng của những ngày tháng 4 lịch sử, người dân các dân tộc xóm Làng Hang, xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai càng vui hơn khi chứng kiến nhà văn hóa xóm mình được xây mới khang trang, chắc chắn, rộng rãi được khánh thành. Ðược ngân sách hỗ trợ 150 triệu đồng, 185 hộ trong xóm đóng góp, con em xa quê tài trợ, nhà văn hóa xóm Làng Hang có tổng kinh phí xây dựng 500 triệu đồng, làm nơi họp xóm, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng.
Trong khi đó, được sự hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng từ Công ty cổ phần Ðầu tư và Khai thác khoáng sản Thăng Long, người dân khu tái định cư xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa, cùng huyện Võ Nhai cũng rất vui mừng khi nhà văn hóa xóm xây dựng khang trang được khánh thành, làm nơi hội họp của cả xóm. Phía trước nhà có sân rộng, được đổ bê-tông đẹp đẽ, chung quanh được trồng cây xanh, cây cảnh, rất thích hợp cho các hoạt động văn hóa, thể thao ngoài trời, tổ chức cưới hỏi của con em trong xóm.
Ông Lý Văn Sáu, người dân xóm Xuyên Sơn cho biết: Nhà văn hóa mới được xây dựng, đưa vào sử dụng không chỉ giúp người dân đỡ phải đi xa, thay thế nhà văn hóa cũ, xuống cấp, nhỏ hẹp, không đủ chỗ ngồi cho đại diện các hộ mỗi khi có họp xóm.
Trong khi đó, Nhà văn hóa xóm Hóa Bình, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình được xây dựng từ nhiều năm trước, mặc dù đã được sửa chữa, nhưng vẫn chỉ là căn nhà cấp bốn nay đã xuống cấp, nhỏ hẹp, không đủ chỗ ngồi cho đại diện các hộ dân mỗi khi họp xóm.
Ông Trần Ðạc, người xóm Hòa Bình cho biết: Mỗi khi họp xóm, phải kê ghế ra ngoài sân mới đủ chỗ ngồi, người ngồi trong nhà thì nóng bức khó chịu nên chất lượng các cuộc họp bị ảnh hưởng. Sân nhà văn hóa vốn hẹp, vừa rồi mở rộng đường trục xóm, lấy theo chiều dài vào sân gần 2 m, nên càng chật hẹp hơn, không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao cho người dân".
Cũng cùng xã Kha Sơn, khi sáp nhập hai xóm Kha Nhi và Mai Sơn thành xóm Mai Kha, số dân tăng lên, hai nhà văn hóa cũ của hai xóm trước đây đều không đáp ứng nhu cầu hội họp, mỗi khi họp xóm, người dân phải đi xa hơn. Ngay tại thành phố Thái Nguyên, người dân tổ 17, phường Phan Ðình Phùng đến nay chưa có nhà văn hóa, mỗi khi họp tổ, sinh hoạt cộng đồng lại phải nhờ Nhà văn hóa tổ 18 ở bên cạnh, nên rất bất tiện.
Tỉnh Thái Nguyên hiện nay có 79 xóm, tổ dân phố chưa có nhà văn hóa-khu thể thao; 715 nhà văn hóa-khu thể thao (chiếm gần 33%) chưa đạt chuẩn. Qua khảo sát của các ngành chức năng, nhu cầu xây dựng, nâng cấp các nhà văn hóa, khu thể thao ở cơ sở là rất lớn và cần thiết, nhất là trong bối cảnh sáp nhập xóm, tổ dân phố nên quy mô dân số và nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao tăng lên, trong khi đó nhà văn hóa chưa bảo đảm diện tích, trang thiết bị thiếu, hư hỏng.
Ðể đáp ứng nhu cầu tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tự quản và nâng cao đời sống văn hóa, thể thao của người dân, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", đồng thời phù hợp quy định của pháp luật, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa-khu thể thao xóm, tổ dân phố và hỗ trợ mua sắm thiết bị cho nhà văn hóa-khu thể thao giai đoạn 2023-2025. Tỉnh sẽ hỗ trợ từ 250 đến 500 triệu đồng để xây mới nhà văn hóa-khu thể thao đối với các xóm, tổ dân phố thuộc xã khu vực một và xóm thuộc xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ từ 150 đến 300 triệu đồng để sửa chữa đối với xóm thuộc xã khu vực một và khu vực khó khăn. Mỗi nhà văn hóa-khu thể thao được hỗ trợ 50 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Bình cho biết: Chính sách hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà văn hóa-khu thể thao được ban hành, làm cơ sở để tỉnh huy động, lồng ghép các nguồn lực từ ngân sách, các chương trình mục tiêu quốc gia, từ đóng góp của người dân, doanh nghiệp để đến hết năm 2025 hoàn thành xây dựng mới, sửa chữa nhà văn hóa-khu thể thao xóm, tổ dân phố đạt chuẩn ■