Trong các mô hình điểm về xây dựng văn hóa cơ sở đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện thí điểm thời gian qua, có mô hình "văn hóa du lịch cộng đồng" và mô hình "xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới". Theo mô hình thứ nhất, một số địa phương như Hòa Bình, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Ðiện Biên, Lai Châu và Kon Tum đã tuyên truyền, vận động người dân chung tay làm du lịch từ việc khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có, các giá trị di sản văn hóa dân tộc còn lưu giữ, qua đó nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và mức thu nhập. Nhiều nơi đã chú ý cải tạo, xây dựng nhà nghỉ cộng đồng đúng tiêu chuẩn, hợp vệ sinh, tạo nơi ăn, chốn nghỉ cho du khách. Có những địa phương đã chủ động liên kết với các công ty du lịch đưa khách đến tham quan như xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái) liên kết với 20 công ty du lịch, năm qua đã đón hơn 3.000 lượt khách trong nước và quốc tế, hoặc như Bản Dọi I, xã Tân Lập (Mộc Châu, Sơn La) bảo vệ được các ngôi nhà sàn truyền thống của người Thái với các sinh hoạt mang đậm bản sắc đã thu hút mỗi năm gần 10 nghìn lượt du khách đến thăm, tìm hiểu và trải nghiệm.
Trong khi đó, những mô hình "xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới" cho thấy bên cạnh việc xây dựng điện, đường, trường, trạm trong xây dựng nông thôn mới, cần chú ý xây dựng các công trình nhà văn hóa, khu thể thao như tiêu chí mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề ra. Có thể thấy rõ điều này qua các thành tựu của tỉnh Vĩnh Phúc khi ban hành các cơ chế chính sách, kinh phí hỗ trợ, đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, trong đó có hỗ trợ tạo quỹ đất xây dựng trung tâm văn hóa - thể thao xã, nhà văn hóa thôn với kinh phí khá lớn. Tỉnh còn đầu tư trang thiết bị, kinh phí hoạt động, nguồn nhân lực cho các cơ sơ sở văn hóa. Nhờ đó, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao ở tỉnh ổn định và phát triển không ngừng. Ðiển hình như huyện Yên Lạc, năm 2014 toàn huyện có tám trong số 17 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới và đạt danh hiệu "Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới"...
Tuy nhiên, thực tế xây dựng những mô hình văn hóa cơ sở nêu trên đang bộc lộ một số hạn chế mà khó khăn nhất là làm sao để các thiết chế văn hóa hoạt động có hiệu quả và thu hút quần chúng nhân dân. Hai mô hình nêu trên chỉ giải quyết vấn đề đầu tư cơ sở vật chất, tài chính của địa phương chứ chưa thật sự có giải pháp đồng bộ, mang tính bền vững. Ðó cũng là vấn đề nan giải chung của các đơn vị văn hóa cơ sở trong cả nước.
Cả nước hiện đã hình thành một hệ thống thiết chế văn hóa, thể dục- thể thao từ trung ương đến các địa phương, trong đó có 541 trong số 698 quận, huyện có trung tâm văn hóa. Nếu hệ thống này hoạt động đều, có hiệu quả chắc chắn có tác động rất lớn tới đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Nhưng tiếc thay guồng máy truyền tải văn hóa ấy lại chuyển động ì ạch, hoạt động chưa hết công suất, nhiều công trình văn hóa, thể thao thiếu vắng người tham gia, hoạt động cầm chừng. Không ít nhà văn hóa xây dựng xong, thường khóa cửa bỏ đấy, nhất là ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tại Ðác Nông, 70 trong số 133 nhà văn hóa cộng đồng các thôn, buôn xuống cấp, hư hỏng, do không hoạt động nhiều năm. Huyện Krông Nô có 20 nhà văn hóa thì có tới tám nhà văn hóa không hoạt động. Xã Quảng Phú được đầu tư 600 triệu đồng xây dựng sáu nhà văn hóa thì ba nhà văn hóa không hoạt động, ba nhà văn hóa thi thoảng mới mở cửa. Rất nhiều nhà văn hóa thôn ở tỉnh Quảng Ngãi được đầu tư xây dựng với hàng trăm triệu đồng chỉ thỉnh thoảng dùng làm nơi hội họp, còn chủ yếu là bỏ không. Ngay cả các nhà văn hóa ở ngoại thành Hà Nội cũng bị bỏ hoang, không phát huy được tác dụng...
Có nhiều lý do để giải thích sự yếu kém trong khai thác và sử dụng các công trình văn hóa, thể thao. Trước hết, nguồn kinh phí hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao rất eo hẹp. Ở cấp huyện, phần lớn các trung tâm văn hóa dựa vào kinh phí do nhà nước cấp để duy trì hoạt động, việc tạo nguồn thu rất hạn chế. Ðặc biệt ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, kinh phí dành chi lương cho cán bộ và hành chính phí, còn lại chỉ đủ tổ chức vài hoạt động trong năm. Các xã càng hạn hẹp hơn, kinh phí phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, tùy vào điều kiện, khả năng thu ngân sách của địa phương mà chi ở mức độ khác nhau nhưng đều ở mức thấp. Nhưng có lẽ nguyên nhân sâu xa và cốt lõi nhất vẫn là từ những con người vận hành và sử dụng hệ thống thiết chế này, cụ thể là đội ngũ cán bộ văn hóa ở cơ sở. Ðội ngũ này đang vừa thiếu, vừa yếu, phải sử dụng cả cán bộ kiêm nhiệm, trái ngành nghề.
Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở phải giải quyết hàng loạt vấn đề rất cụ thể về lối sống, đạo đức, tính cộng đồng, bảo vệ, giữ gìn các giá trị di sản vật thể và phi vật thể... Tất cả đòi hỏi cán bộ văn hóa cơ sở phải có kiến thức văn hóa sâu rộng, có trình độ nghiệp vụ chuyên môn giỏi và phải biết dựa vào dân. Những địa phương khắc phục được vấn đề này chắc chắn sẽ tạo dựng một phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở phát triển sâu rộng và bền vững.