Hiện nay, nhu cầu về sinh hoạt văn hóa, thể thao của nhân dân ngày một tăng và Trung tâm văn hóa ở các tỉnh trong cả nước đã tích cực đổi mới nhiều loại hình nghệ thuật phù hợp với nhận thức của nhân dân. Không ít chương trình nghệ thuật quần chúng do các Trung tâm văn hóa tổ chức đã thu hút một lượng lớn người lao động trong các lĩnh vực tham gia biểu diễn. Đây chính là những hạt nhân nòng cốt cho phong trào văn hóa ở cơ sở.
Hiện nay, cả nước có 572 công trình đủ tiêu chuẩn thi đấu thể thao, 70 Trung tâm văn hóa ở cấp tỉnh. Ngoài ra, cả nước có 549/702 quận, huyện có Trung tâm văn hóa, thể dục, thể thao hoặc Nhà văn hóa huyện. Bên cạnh đó, còn gần 6.100/11.161 xã phường, thị trấn có Trung tâm văn hóa, thể dục, thể thao chiếm 54,6% số xã, phường có thiết chế văn hóa.
Tuy nhiên, cơ sở vật chất xuống cấp cũng như tổ chức bộ máy ở một số tỉnh với xu hướng sáp nhập cơ quan du lịch, điện ảnh chung với hoạt động của Trung tâm văn hóa khiến hệ thống thiết chế văn hóa tại các tỉnh, thành phố rơi vào tình trạng đáng báo động. Hiện, có tám tỉnh, thành phố trong tình trạng không có nhà văn hóa, gồm các tỉnh: Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Thanh Hóa, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Đà Nẵng.
Các Trung tâm văn hóa cấp tỉnh, thành phố thiếu thiết bị hoạt động, trang thiết bị đã cũ bởi hằng năm không được bổ sung, chưa đáp ứng được hoạt động tuyên truyền lớn. Không ít tỉnh thành thiếu xe để phục vụ tuyên truyền. Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư phát triển, củng cố thiết chế văn hóa cấp tỉnh và cơ sở còn thấp.
Ngoài ra, đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu tổ chức và hoạt động, việc đầu tư xây dựng mới Trung tâm văn hóa cấp quận, huyện còn ít, thiết bị âm thanh đã cũ và lạc lậu, nhiều xe thông tin lưu động đã hết hạn sử dụng, nguồn kinh phí của UBND quận, huyện cấp hằng năm cho các Trung tâm văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu.
Nhiều đại biểu tham luận để tháo gỡ khó khăn nhằm đưa hoạt động của các Trung tâm văn hóa tại cơ sở hoạt động có hiệu quả trong thời gian tới