Xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh trong bối cảnh mới

Ngày 11/10, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo "Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới".
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu đề dẫn tại Hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu đề dẫn tại Hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì Hội thảo. Đồng chủ trì Hội thảo có đồng chí Phạm Tấn Công, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch VCCI.

Theo Ban Tổ chức hội thảo, sau hơn 35 năm đổi mới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện.

Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, các doanh nghiệp phải phát huy mọi nguồn lực để tồn tại và phát triển. Các yêu cầu về đạo đức trong sản xuất kinh doanh, về bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang được đề cao, vừa tạo ra các chuẩn mực mới, vừa là hàng rào kỹ thuật trong thâm nhập thị trường các nước phát triển.

Ở nước ta, nguồn lực sức mạnh từ đạo đức, văn hóa kinh doanh chưa được quan tâm phát huy xứng đáng. Cá biệt còn có những cá nhân kinh doanh phi đạo đức, vì lợi ích riêng, gây hại cho xã hội. Do vậy, việc xác định, xây dựng và thực hành các chuẩn mực đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh tiến bộ vừa có ý nghĩa quốc gia, vừa có ý nghĩa với doanh nghiệp, đồng thời là nhiệm vụ cấp bách, nhiệm vụ chiến lược lâu dài trong xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhận định: Đạo đức doanh nhân có vai trò tham gia điều tiết, định hướng các hoạt động kinh doanh theo hướng văn minh, vì con người. Do đó, đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh không chỉ góp phần thúc đẩy doanh nghiệp đồng hành cùng xã hội, phát huy trách nhiệm với cộng đồng, môi trường sinh thái mà còn là nguồn lực nội sinh để thúc đẩy sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp.

Định hướng đại biểu đóng góp ý kiến thiết thực, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phân tích khái quát những đặc trưng, đồng thời cũng là cũng là những yếu tố làm nên đạo đức, văn hóa của lực lượng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong nền kinh tế thị trường, đó là: Khát vọng làm giàu, khát vọng khởi nghiệp, khát vọng sáng tạo và khát vọng cống hiến. Các yếu tố liêm chính và trách nhiệm xã hội là những phép thử đầu tiên về sự cống hiến của doanh nghiệp và doanh nhân.

Đồng chí nhấn mạnh, trong hoạt động kinh doanh, liêm chính là tấm hộ chiếu thông hành để doanh nhân chiếm lĩnh niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Sự liêm chính của doanh nhân thể hiện ở việc tuân thủ pháp luật, minh bạch các thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp của mình, luôn nói không với tiêu cực, tham nhũng.

Ở Việt Nam, các doanh nghiệp, doanh nhân có uy tín trong xã hội cũng là những doanh nghiệp, doanh nhân đi đầu trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia vào các hoạt động vì cộng đồng và môi trường, bảo đảm hài hòa giữa các yếu tố trách nhiệm kinh tế, pháp lý, đạo đức và từ thiện trong sản xuất, kinh doanh.

Theo đuổi lợi nhuận là mong muốn chính đáng của mọi doanh nghiệp, doanh nhân mà Nhà nước, xã hội cần nhận thức rõ ràng và tôn trọng. Trách nhiệm xã hội thể hiện trong sự đồng hành cùng xã hội, phát huy trách nhiệm đối với cộng đồng của doanh nghiệp.

Ở Việt Nam, các doanh nghiệp, doanh nhân có uy tín trong xã hội cũng là những doanh nghiệp, doanh nhân đi đầu trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia vào các hoạt động vì cộng đồng và môi trường, bảo đảm hài hòa giữa các yếu tố trách nhiệm kinh tế, pháp lý, đạo đức và từ thiện trong sản xuất, kinh doanh.

Hơn 20 tham luận và các ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội thảo đi sâu phân tích những quan điểm cơ bản, cốt lõi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức, văn hóa trong kinh doanh và doanh nhân Việt Nam; đường lối chủ trương của Đảng đối với doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Qua đó hội thảo khẳng định việc xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay là cần thiết.

Đồng thời, các đại biểu cơ bản thống nhất với 6 nguyên tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam do VCCI công bố. Đó là: Tạo giá trị cho xã hội; Tuân thủ pháp luật; Minh bạch, công bằng, liêm chính; Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.

Từ góc nhìn thực tiễn, nhiều đại biểu bổ sung ý kiến: Để xây dựng, phát triển đạo đức doanh nhân và văn hóa doanh nghiệp, trước hết các doanh nghiệp cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức văn hóa kinh doanh cho lãnh đạo, nhân viên và người lao động về tầm quan trọng, vai trò của văn hóa kinh doanh và kiến thức về văn hóa kinh doanh đối với hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, các ý kiến cho rằng, cần chú trọng tuyển dụng nhân viên phù hợp văn hóa kinh doanh. Phát triển môi trường làm việc lành mạnh, cởi mở trong doanh nghiệp và nâng cao đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp. Quan tâm xây dựng đội ngũ doanh nhân có trí tuệ, trình độ chuyên môn sâu rộng, có ý chí khát vọng vươn lên, có lòng tự tôn dân tộc, có năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập quốc tế…