Quang cảnh phiên thảo luận ở hội trường sáng 17/6. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Sáng 17/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về “chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc bắc-nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)”.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, dự án có tổng chiều dài 128,8km, trong đó tuyến đi qua địa phận tỉnh Đắk Nông 27,8km, qua địa phận tỉnh Bình Phước 101km (bao gồm 2km kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hòa). Theo quy hoạch, cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành có quy mô 6 làn xe.
Về hình thức đầu tư, dự án được phân chia thành 5 dự án thành phần, gồm: Dự án thành phần 1 (đường cao tốc) đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP (loại hợp đồng BOT); các dự án thành phần 2, 3, 4, 5 thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng đường gom và cầu vượt ngang qua địa phận Đắk Nông, Bình Phước triển khai theo hình thức đầu tư công.
Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước tham gia 12.770 tỷ đồng, gồm: ngân sách trung ương 10.536,5 tỷ đồng; ngân sách địa phương 2.233,5 tỷ đồng. Vốn nhà đầu tư thu xếp 12.770 tỷ đồng. Về tiến độ, chuẩn bị dự án năm 2023 và năm 2024; giải phóng mặt bằng năm 2024 và năm 2025; thi công xây dựng từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành năm 2026.
Sẽ có phương án hỗ trợ các dự án BOT bị ảnh hưởng
Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ nhất trí với sự cần thiết đầu tư xây dựng cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành, cho rằng đây là đoạn đường có ý nghĩa quan trọng trong kết nối đường cao tốc, kết nối huyết mạch vùng Tây và Đông Nam Bộ.
Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu ý kiến thảo luận. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Tuy nhiên, đại biểu Hòa băn khoăn về tác động của dự án tới các tuyến đường BOT hiện hữu bởi theo báo cáo, hiện đã có 2 dự án BOT trên tuyến Quốc lộ 14 và đường Hồ Chí Minh, giờ tiếp tục xây dựng tuyến Gia Nghĩa-Chơn Thành cũng theo hợp đồng BOT thì sẽ dẫn đến bất cập, gây ảnh hưởng trực tiếp đến 2 dự án nói trên.
“Đoạn đường này tốt hơn thì người ta sẽ đi đoạn đường này nhiều hơn 2 đoạn đã đầu tư trước đây hiện đang triển khai thu phí BOT. Khi dự án hoàn thành thì 2 dự án BOT song hành hiện nay sẽ bị hạn chế về thu phí, ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà đầu tư 2 dự án đó”, đại biểu Hòa cho biết.
Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải cần nghiên cứu để bảo đảm công bằng, thuận lợi cho các đối tác đầu tư.
Có chung mối quan tâm, đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) nhận định dự án cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành đi vào vận hành chắc chắn sẽ chia sẻ lưu lượng vận tải, vận chuyển của 2 dự án BOT trên tuyến Quốc lộ 14 và đường Hồ Chí Minh, tác động trực tiếp tới phương án thu hồi vốn của 2 doanh nghiệp đầu tư 2 dự án BOT này.
“Chính phủ cần tính đến lợi ích của 2 nhà đầu tư có dự án BOT trên tuyến Quốc lộ 14 và tuyến đường Hồ Chí Minh”, đại biểu Trình Lam Sinh nêu quan điểm.
Giải trình, làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, khi hoàn thành toàn tuyến đường cao tốc bắc-nam phía đông và một số tuyến ngang, không chỉ có 2 dự án BOT bị ảnh hưởng, mà còn ảnh hưởng đến các dự án khác. Tác động này đã được Chính phủ lường trước.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải trình phương án tháo gỡ, xử lý cho các dự án BOT bị ảnh hưởng, đặc biệt là do quá trình nhà nước đầu tư các dự án BOT đường cao tốc bắc-nam phía đông và các trục ngang, trong đó có Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc bắc-nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Bộ trưởng cho rằng, sau khi dự án đường cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành đi vào hoạt động, sẽ có thể tính toán được mức độ ảnh hưởng tới các dự án khác để có đề xuất cụ thể, có thể là kéo dài thời gian thu phí, hoặc bổ sung một phần ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các dự án bị ảnh hưởng.
Làm rõ tính khả thi của việc đầu tư theo phương thức PPP
Về hình thức đầu tư, đại biểu Trình Lam Sinh cho biết, dự án được phân chia thành 5 dự án thành phần, trong đó các dự án thành phần 2, 3, 4, 5 (giải phóng mặt bằng, xây dựng đường gom và cầu vượt) thực hiện theo hình thức đầu tư công; riêng dự án thành phần 1 (đường cao tốc) thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Đại biểu đồng tình với phương án đầu tư nói trên bởi đây là mô hình hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân, mang lại lợi ích cho cả hai bên qua việc Nhà nước mời gọi nhà đầu tư góp vốn về nguồn lực tài chính, công nghệ, năng lực, kỹ năng quản lý để xây dựng các dự án công cộng nhằm phát triển kinh tế-xã hội mà vẫn bảo đảm được lợi ích của người dân.
Tuy nhiên, đại biểu đoàn An Giang băn khoăn trong thời gian qua, một số dự án thành phần thuộc Dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020 cũng đã mời gọi góp vốn theo phương thức PPP nhưng sau đó phải hủy bỏ thầu dự án. Lý do là hồ sơ đề xuất kết hợp của nhà thầu chưa đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu; nhà đầu tư chưa chứng minh được khả năng huy động vốn tín dụng, hoặc nhà đầu tư không tham gia dự án.
Đại biểu Trình Lam Sinh tham gia ý kiến thảo luận. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Đại biểu đặt vấn đề phải chăng phương thức hợp tác đầu tư các dự án này chưa đủ hấp dẫn cho nên các nhà đầu tư không tham gia?
Theo đại biểu, khi kêu gọi nhà đầu tư tham gia dự án theo phương thức PPP, Chính phủ cần phải tính đến việc hài hòa lợi ích cũng như là chia sẻ rủi ro hợp lý của hai bên, trong đó Nhà nước cần tạo điều kiện cho nhà đầu tư có phương án thu hồi vốn hiệu quả.
“Điều này rất quan trọng bởi dự án không đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư thì có khi chúng ta phải chuyển dự án sang phương thức đầu tư công, khi ấy lại gây chậm tiến độ, ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước, việc huy động nguồn đóng góp xã hội để xây dựng các công trình hạ tầng giao thông”, đại biểu Trình Lam Sinh nhấn mạnh.
Về tính khả thi đầu tư dự án theo phương thức PPP, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, đây là dự án tương đối hoàn chỉnh, được quy hoạch 6 làn xe, sẽ thi công xây dựng 4 làn xe hoàn chỉnh, phần vốn nhà nước hỗ trợ tham gia là 50%, sau khi mãn tải sẽ tiếp tục mở rộng thêm 2 làn xe trên đoạn tuyến này.
Quá trình tính toán cho thấy, đây sẽ là dự án có thời gian hoàn vốn tương đối tốt so với các dự án trước đây, phù hợp với các nhà đầu tư, cũng được các ngân hàng đánh giá cao.
Bộ trưởng cho biết, thường các dự án dễ gặp khó khăn khi nguồn vốn huy động từ các ngân hàng để đầu tư cho các dự án BOT chủ yếu là huy động ngắn hạn, trung và dài hạn thì tối đa là 5 năm. Với một dự án có thời gian hoàn vốn khoảng 18 đến 20 năm như dự án này, nhà đầu tư sẽ ưu tiên doanh thu để trả nợ ngân hàng, nên sẽ rất phù hợp và khả thi trong thu hút nhà đầu tư.
Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Cũng trong phiên thảo luận, các đại biểu cho ý kiến về quy mô phân kỳ đầu tư, phân chia dự án thành phần số làn xe, làn dừng khẩn cấp, đường cong, hầm chui dân sinh, đánh giá kỹ các yếu tố tác động đến tiến độ triển khai dự án như thu hồi đất, bồi thường, bố trí tái định cư, đáp ứng nguyên liệu cho các dự án để bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án.
Các đại biểu đề nghị rà soát sơ bộ tổng mức đầu tư, cơ cấu vốn, khả năng bố trí vốn, nhất là khả năng của các địa phương, khả năng hấp thụ vốn, thời hạn giải ngân; phương án tài chính việc lựa chọn nhà đầu tư; tổ chức tín dụng tham gia đầu tư dự án.
Các đại biểu cũng đề nghị việc thu hồi đất, đền bù hỗ trợ tái định cư cần công khai, minh bạch có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và các địa phương,đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân. Việc triển khai các chính sách đặc thù phải tiết kiệm, hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực…