Xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục giảm

NDO - Dự báo, từ ngày 21-31/5, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long có xu thế giảm dần, độ mặn phổ biến tại các trạm ở mức cao hơn so với độ mặn cao nhất tháng 5/2022.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 21-31/5, khu vực Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác; cục bộ có mưa vừa, mưa to trong thời kỳ từ ngày 26-28/5, tổng lượng mưa dự báo trong 10 ngày tới dao động từ 70-120mm, có nơi cao hơn 120mm. Nhiệt độ cao nhất trên toàn khu vực phổ biến từ 34-36 độ C, riêng miền Đông có nơi hơn 36 độ C.

Từ ngày 21-31/5, mực nước tại các trên dòng chính sông Mekong biến đổi chậm và phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu dao động theo triều. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,15m, tại Châu Đốc 1,30m, ở mức tương đương trung bình nhiều năm cùng kỳ.

Trong thời kỳ dự báo (21-31/5), mực nước trạm Vũng Tàu dao động ở mức trung bình, đỉnh triều trong khoảng thời gian này dao động trong khoảng 3,6-3,8m, thời gian xuất hiện đỉnh triều chủ yếu diễn ra vào khoảng 2 đến 4 giờ và từ 10 đến 15 giờ hằng ngày.

Dự báo, từ ngày 21-31/5, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long có xu thế giảm dần, độ mặn phổ biến tại các trạm ở mức cao hơn so với độ mặn cao nhất tháng 5/2022.

Chiều sâu ranh mặn 4‰ tại các cửa sông chính như: Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây phạm vi xâm nhập mặn 35-47km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại: 25-30km; sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên: 30-36km; sông Hậu: 30-35km; sông Cái Lớn: 45-50km.

Trước đó, để triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi sát diễn biến thời tiết, tăng cường dự báo, cảnh báo, nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, kịp thời cung cấp thông tin phục vụ chỉ đạo sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và các địa phương thống nhất kế hoạch vận hành linh hoạt, điều tiết nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện lớn để chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước trong cả mùa lũ, mùa cạn...