Ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước tưới trong vụ đông xuân

NDO - Vụ hè thu, mùa năm 2022 ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên được đánh giá gặp nhiều thuận lợi do các địa phương đã bố trí thời vụ gieo trồng lúa cho từng khu vực theo chủ trương bảo đảm nguồn nước, phòng tránh dịch hại và tiết kiệm chi phí sản xuất; hệ thống kênh mương thủy lợi, các hồ chứa được nâng cấp, tu sửa kịp thời phục vụ tưới tiêu ổn định và hiệu quả… Chính vì vậy, vụ sản xuất này có năng suất, sản lượng đều tăng.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân tỉnh Ninh Thuận thu hoạch lúa hè thu năm 2022. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)
Nông dân tỉnh Ninh Thuận thu hoạch lúa hè thu năm 2022. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Xuống giống linh hoạt cho từng tiểu vùng

Theo Cục Trồng trọt, vụ hè thu tăng 35 nghìn tấn so với vụ mùa 2021.

Để có được thành công này là do các địa phương đã chủ động lịch xuống giống linh hoạt cho từng tiểu vùng; nhận thức của bà con nông dân về sử dụng giống tốt và trình độ đầu tư, thâm canh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất ngày càng cao; hầu hết các địa phương và bà con nông dân có sự chuẩn bị tốt các điều kiện để phục vụ sản xuất như: giống, làm đất, vệ sinh đồng ruộng, nạo vét kênh mương nội đồng; công tác dự tính dự báo được thực hiện tốt giúp nông dân chủ động phòng trừ có hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra…

Bên cạnh đó, giống lúa ngắn ngày được các địa phương và bà con nông dân sử dụng khi có khoảng 95% diện tích được sử dụng. Điều đáng nói, việc sử dụng giống ngắn và cực ngắn ngày trong tình hình khô hạn thiếu nước đã mang lại hiệu quả cao, giảm tối thiểu hai lần tưới/vụ.

Hưởng ứng chương trình phát động giảm lượng giống lúa gieo sạ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đã tiếp tục triển khai trong sản xuất lúa vụ hè thu, vụ mùa đến các hộ dân. Kết quả cho thấy các hộ đã được nhận thức và đang thay đổi dần tập quán gieo sạ lúa mật độ cao. Lượng giống lúa gieo sạ dưới 100 kg/ha bước đầu đang có chuyển biến tích cực; lượng giống gieo sạ trên 150 kg/ha có chiều hướng giảm mạnh.

Hơn nữa, các địa phương đã chủ động xây dựng nhiều mô hình giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80 kg/ha có kết quả tốt; nhiều tỉnh xây dựng chương trình tuyên dương khen thưởng đến các cá nhân, tập thể thực hiện tốt chương trình giảm lượng giống gieo sạ. Điển hình một số tỉnh giảm lượng giống lúa gieo sạ rất tốt như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Nông và TP Đà Nẵng có tỷ lệ giống lúa gieo sạ dưới 100 kg/ha chiếm tỷ lệ từ 40% trở lên và không có diện tích gieo sạ trên 150 kg/ha.

Cân đối nguồn nước tưới trong vụ đông xuân

Theo kế hoạch, trong vụ đông xuân 2022-2023, các địa phương khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên xuống giống 326,2 nghìn ha, giảm 1,93 nghìn ha; phấn đấu năng suất bình quân đạt 66,58 tạ/ha, tăng 1,81 tạ/ha; sản lượng 2.172 nghìn tấn, tăng 47 nghìn tấn so với vụ đông xuân 2021-2022. Trong đó, vùng duyên hải Nam Trung Bộ là 233 nghìn ha, phấn đấu năng suất 66,33 tạ/ha, tăng 2,26 tạ/ha; sản lượng 1.545 nghìn tấn, tăng 45 nghìn tấn so cùng kỳ. Vùng Tây Nguyên là 93,2 ha, năng suất 67,21 tạ/ha, tăng 0,70 tạ/ha; sản lượng ước đạt 626 nghìn tấn, tăng 1,4 nghìn tấn.

Nhằm thực hiện hiệu quả trong vụ sản xuất này, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương cân đối nguồn nước tưới, khả năng khai thác các nguồn nước tưới bổ sung để có các giải pháp tập trung chỉ đạo. Trên cơ sở đó, vùng an toàn nguồn nước cho sản xuất tập trung canh tác đúng lịch thời vụ, tăng cường thâm canh; vùng có nguy cơ hạn hán, không đủ lượng nước cho sản xuất cần bố trí lại thời vụ sản xuất phù hợp để né tránh hạn, mặn và áp dụng kỹ thuật canh tác để hạn chế tác động của hạn, mặn đến sản xuất lúa; đẩy mạnh chuyển đổi những vùng thiếu nước tưới sang cây trồng cạn ngắn ngày để tăng hiệu quả sản xuất và tiết kiệm nước tưới.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần đẩy mạnh sử dụng giống xác nhận, giống ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng khá, cứng cây, chống đổ ngã, chống chịu khô hạn tốt vào sản xuất. Những vùng có nguy cơ thiếu nước cần bố trí giống có thời gian sinh trưởng ngắn; thực hiện sản xuất theo hướng “1 phải, 5 giảm” đồng bộ.

Cùng với đó chủ động nạo vét các kênh mương, bờ vùng, bờ thửa; gia cố các bờ đập, kiểm tra và sửa chữa, tu bổ các công trình thủy lợi; quản lý chặt chẽ nguồn nước, vận hành hợp lý các công trình, điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu cây trồng; bố trí diện tích sản xuất không vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi; chủ động chuyển đổi mùa vụ và cây trồng tại những nơi có khả năng thiếu nước; thường xuyên thông báo tình hình thời tiết, nguồn nước để điều chỉnh việc cấp thoát nước cho phù hợp với sản xuất.

Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, theo đó với những vùng khả năng bị hạn hán, thiếu nước tưới cần chuyển đổi cây trồng cạn như ngô, lạc, mè, rau đậu các loại, sắn, khoai lang... hoặc chuyển dịch mùa vụ gieo trồng để tránh thiệt hại do khô hạn. Những vùng có tưới khi chuyển đổi sang trồng màu, tập trung đầu tư thâm canh những cây trồng hiệu quả cao như: ngô lai, lạc, đậu tương, rau đậu các loại… Tuy nhiên, các địa phương cũng cần lưu ý khi chuyển đổi trên đất lúa cần quy hoạch bố trí gieo trồng tập trung cùng nhóm cây trồng như vùng ngô lai, vùng đậu đỗ... để dễ điều tiết nguồn nước. Mặt khác, trên đất chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng màu cần chú trọng hệ thống tưới, tiêu nội đồng, tránh để úng cục bộ.

Bên cạnh đó, các địa phương cần vận dụng linh hoạt những cơ chế chính sách, đầu tư nguồn lực, tăng cường đẩy mạnh liên kết sản xuất, sản xuất theo chuỗi gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua hình thức liên kết như tổ hợp tác, hợp tác xã, cánh đồng mẫu lớn, nhất là liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng đầu vào cho sản xuất...