Thế trận lòng dân ở Tây Nguyên (Tiếp theo và hết)(*)

Bài 3: Dồn sức cho Tây Nguyên

Cán bộ Công an - Kiểm lâm tỉnh Lâm Ðồng tuyên truyền pháp luật tại cơ sở.
Cán bộ Công an - Kiểm lâm tỉnh Lâm Ðồng tuyên truyền pháp luật tại cơ sở.

Theo Ðảng, người dân Tây Nguyên làm nên những kỳ tích trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong công cuộc xây dựng đất nước, đồng bào thể hiện đức tính cần cù, giàu ý chí, khát vọng vươn lên. Tuy nhiên, vị trí địa lý và lịch sử cư dân Tây Nguyên mang tính đặc thù, điểm xuất phát về nền tảng kết cấu hạ tầng khu vực còn thấp. Bởi vậy, để phát triển nhanh và bền vững khu vực Tây Nguyên, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, sự hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội…

Tập trung nguồn lực đầu tư

Nhiều năm qua, Ðảng và Nhà nước đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư toàn diện, ưu tiên những nguồn lực lớn nhằm phát triển Tây Nguyên. Từ khi có Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 - 2020 và Quyết định 168 của Thủ tướng Chính phủ về "Phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng vùng Tây Nguyên", các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều chương trình, dự án cụ thể ở tất cả lĩnh vực. Thực hiện Quyết định 168 và các Quyết định 132, 134, 135 của Thủ tướng Chính phủ đã giải quyết cơ bản vấn đề đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt và các điều kiện thiết yếu cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Với sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của Trung ương, sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, trong những năm qua, kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên có bước phát triển nhanh; sản xuất và đời sống của đồng bào chuyển biến tích cực. Trên vùng đất năm tỉnh phía tây Tổ quốc, ngôi nhà chung của 5,6 triệu người thuộc 47 dân tộc anh em, khắp các buôn làng, phố thị, cuộc sống ngày càng khởi sắc.

Tây Nguyên trong ký ức của nhiều người là miền xa xôi, heo hút. Bởi lẽ đó, nhiều năm qua, Nhà nước phát huy mọi nguồn lực nhằm phát triển giao thông tại vùng. Ngày nay, đường bộ toàn mạng lưới có độ dài gần 40 nghìn km đã kết nối các tỉnh Tây Nguyên, mở rộng cơ hội giao thương với các trung tâm lớn cả nước và các nước trong khu vực. Trong đó, các quốc lộ chạy qua Tây Nguyên có tổng chiều dài 2.517 km; các liên tỉnh lộ gần 2.035 km và hệ thống giao thông liên cửa khẩu đã nối liền Tây Nguyên với các nước láng giềng. Ðường Hồ Chí Minh cùng đường hành lang Ðông - Tây xuyên qua vùng giúp thay đổi diện mạo những buôn làng từng là vùng sâu, vùng xa. Hàng không phát triển với ba sân bay: Liên Khương, Buôn Ma Thuột và Pleiku. Dự án khôi phục đường sắt Ðà Lạt - Tháp Chàm và mở tuyến đường sắt mới phục vụ các Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Tân Rai đang được tính toán. Giao thông tiện lợi, chuỗi đô thị Tây Nguyên nối liền nhau, những thành phố trong khu vực trở thành đầu tàu kinh tế - xã hội toàn vùng. Mỗi thành phố có lợi thế và bản sắc riêng. Buôn Ma Thuột - Ðắk Lắk, đồng bằng giữa miền cao nguyên đất đỏ, là thủ phủ cà-phê. Ðà Lạt, một trung tâm du lịch, vùng chuyên canh rau, hoa lớn nhất nước. Pleiku, quê hương của hồ tiêu, cao-su, nơi khởi nguồn của nhiều doanh nghiệp lớn, ngành chế biến nông, lâm sản. Gia Nghĩa trẻ trung đang thu hút nhiều dự án đầu tư mới. Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước với gần 600 nghìn ha cà-phê, sản lượng bình quân đạt 1,3 triệu tấn hằng năm; 72 nghìn ha hồ tiêu, sản lượng đạt khoảng 121 nghìn tấn hằng năm; cao-su, điều, rau, hoa và các nông sản khác cũng phát triển mạnh. GDP bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng…

Ðảng và Nhà nước tổ chức cho người dân ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu. Khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, tiếp cận thành công kinh tế thị trường, cho nên trên vùng đất này đã xuất hiện nhiều tỷ phú người DTTS. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) được triển khai tích cực đã tiếp thêm sinh khí và mang lại bộ mặt tươi mới cho Tây Nguyên. Ðời sống người dân khởi sắc; điện, đường, trường học, cơ sở y tế và nhiều công trình hạ tầng, phúc lợi khác mọc lên nhiều hơn. Ở Tây Nguyên, sau 10 năm triển khai chương trình, Lâm Ðồng là tỉnh đạt kết quả cao nhất với hai huyện và hơn 90 trong số 116 xã đạt chuẩn NTM. Con số 51 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM tại tỉnh Ðắk Lắk, trong đó có gần 5 nghìn tỷ đồng huy động từ doanh nghiệp và nhân dân đã nói lên hiệu quả của chương trình. Tại Gia Lai, đến thời điểm này đã có 60 trong số 184 xã và một thị xã đạt chuẩn NTM.

Cùng với việc quy hoạch, triển khai đầu tư phát triển đô thị, Tây Nguyên đang nỗ lực thực thi các giải pháp để nâng cao tốc độ phát triển nông thôn, nhất là vùng đồng bào DTTS, rút ngắn khoảng cách thu nhập và điều kiện thụ hưởng các lợi ích an sinh. Bên cạnh việc mở mang các khu, điểm, cụm công nghiệp, các dự án lớn, việc triển khai Chương trình xây dựng NTM đến tất cả các huyện, xã, buôn, làng đã góp phần cải thiện hạ tầng, nâng cao nhận thức và giúp đồng bào đẩy lùi nghèo đói, hướng đến sự no đủ, giàu có. Ðồng thời với việc bản sắc văn hóa được bảo tồn, đồng bào được hưởng những chính sách ưu đãi về giáo dục, y tế và các chính sách an sinh xã hội khác. Quy mô giáo dục ngày càng phát triển đến tận cơ sở, hệ thống cơ sở trường học tiếp tục được đầu tư xây dựng, số lượng trường học các cấp tăng, tỷ lệ học sinh đến trường cao, chất lượng giáo dục trong vùng đồng bào DTTS ngày càng được nâng lên. Công tác đào tạo nguồn nhân lực được các địa phương quan tâm, trong đó số lượng sinh viên người DTTS được đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tăng khá. Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng có nhiều tiến bộ; tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế toàn vùng đạt trên 55%, trạm y tế có bác sĩ đạt trên 88%, số bác sĩ trên một vạn dân đạt 7,42% (cả nước 7,61%); tỷ lệ dân tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 72%. Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng còn khoảng 15% và hộ cận nghèo còn khoảng 4,5%...

Tuy nhiên, Tây Nguyên vẫn tiềm ẩn những nguy cơ mất ổn định. Ngoài những nguyên nhân như đã phân tích, tại khu vực này còn nhiều vấn đề cần lưu tâm. Ðó là cơ cấu kinh tế chuyển biến chậm, chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Công tác quản lý, bảo vệ rừng chưa đạt hiệu quả cao, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn diễn biến phức tạp. Vấn đề đất đai tiếp tục bộc lộ nhiều bất cập, nhất là việc bố trí đất sản xuất cho đồng bào DTTS thiếu đất, các dự án ổn định dân cư. Công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn, chưa có giải pháp căn cơ nhằm giảm nghèo bền vững. Trong khi đó, các thế lực thù địch vẫn ngấm ngầm chống phá.

Chung tay, góp sức

Vì sự bình yên, phát triển của vùng đất Tây Nguyên, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào, trong những năm qua, từ cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị đến các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đều tích cực chung tay, góp sức. Mặt trận Tổ quốc, hệ thống dân vận, các tổ chức của nông dân, cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên… đều có những chương trình, dự án riêng đầu tư vào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, nhất là những căn cứ kháng chiến cũ. Các đơn vị, doanh nghiệp thuộc ngành ngân hàng, điện lực, xây dựng… coi việc đầu tư hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, đời sống là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Các chương trình, dự án ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của Ðảng, Nhà nước và toàn xã hội đã đem lại ý nghĩa về mọi mặt, trước hết đó là sự thể hiện sinh động nhất của ý Ðảng hợp lòng dân.

Nhiều năm qua, Gia Lai xác định rõ chương trình xóa đói, giảm nghèo (XÐGN) là nhiệm vụ không riêng của ngành nào, cấp nào; phương châm chỉ đạo là tập trung cho những nơi có đông đồng bào DTTS khó khăn, căn cứ kháng chiến cũ và vùng biên giới. Tỉnh phát động phong trào tham gia XÐGN rộng khắp trong toàn xã hội. Nhiều mô hình kết nghĩa đã giúp người dân các DTTS vượt qua đói nghèo, ổn định cuộc sống mang lại hiệu quả cao và được nhân rộng. Tại huyện Kbang, các lâm trường, bốn công ty cao-su, các đơn vị quân đội thuộc Binh đoàn 15 đã đỡ đầu, kết nghĩa với các làng, xã khó khăn, nhận hàng nghìn lao động là đồng bào DTTS vào làm công nhân, nhận khoán hơn 20.960 ha cây trồng các loại. Tỉnh đã lồng ghép chương trình XÐGN với các chương trình mục tiêu quốc gia về định canh định cư, cấp đất ở và sản xuất, hỗ trợ vốn ưu đãi, hỗ trợ mua nhà trả chậm và các chính sách xã hội khác. Chỉ riêng Chương trình 135, từ năm 2002 đến nay, nguồn kinh phí đầu tư cho 309 buôn, thuộc 68 xã đặc biệt khó khăn lên đến hơn 1.500 tỷ đồng; trong số này, ưu tiên cho xây dựng các kết cấu hạ tầng với nguồn vốn gần 1.000 tỷ đồng. Kinh tế phát triển kéo theo những chuyển biến tích cực về mặt xã hội, đời sống của người dân và bộ mặt nông thôn đã có những thay đổi đáng kể. Tỷ lệ đói nghèo của tỉnh Gia Lai đến nay còn 10,55%, bình quân mỗi năm giảm từ 3% đến 4%, thu nhập bình quân đạt hơn 42 triệu đồng/người/năm…

Vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, nhiều năm qua, các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn Tây Nguyên luôn bám buôn làng giúp nhân dân phát triển kinh tế, XÐGN, nâng cao đời sống. Trên mọi nẻo đường Tây Nguyên luôn có sự hiện hữu của lực lượng vũ trang Quân khu 5, Quân khu 7, các quân đoàn, binh đoàn; các đoàn kinh tế - quốc phòng, các đơn vị bộ đội địa phương. Hình ảnh những người lính chung tay, góp sức xây dựng buôn làng giàu đẹp, sẻ chia nỗi khó khăn cùng dân đã góp phần tô đẹp truyền thống vẻ vang "Bộ đội Cụ Hồ".

Mô hình Công ty 72 (Binh đoàn 15) là một điển hình rõ nét. Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, công ty luôn thực hiện tốt phương châm: "Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với xã; đội sản xuất gắn với buôn làng". Cho đến nay, công ty có 16 đội sản xuất kết nghĩa với 16 buôn làng, 1.012 hộ công nhân người Kinh gắn kết với 1.012 hộ đồng bào DTTS. Hưởng ứng phong trào "Quân đội chung sức xây dựng NTM", Công ty 72 đã đầu tư hàng chục tỷ đồng giúp các địa phương xây dựng kết cấu hạ tầng. Từ năm 2008 đến nay, công ty đã xây dựng "quỹ nghĩa tình" được 4,75 tỷ đồng để xây dựng 158 căn nhà cho người nghèo; làm 58 km đường liên thôn, xây cầu cống, nhà rông, cải tạo đồng ruộng. Ngoài ra, đơn vị hỗ trợ hàng chục tỷ đồng giúp đỡ các địa phương xây dựng NTM; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà các đối tượng chính sách. Từ năm 2018, công ty đã giúp làng Sơn (xã Ia Nan, Ðức Cơ, Gia Lai) xây dựng làng NTM kiểu mẫu…

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, là phên dậu Tổ quốc. Muốn giữ gìn sự bình yên cho vùng đất tươi đẹp này, phải xây dựng sức mạnh nội sinh, tạo nên nguồn kháng thể mạnh mẽ trước mọi khó khăn, biến động. Cấp ủy và chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đã và đang phát huy trí tuệ trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo; có những điều chỉnh phù hợp, khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện các chính sách, nhất là chính sách đối với đồng bào DTTS. Bên cạnh phấn đấu không mệt mỏi vì sự nghiệp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, cần đề cao cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Có như vậy, mới xây dựng được thế trận lòng dân, một thế đứng Tây Nguyên vững vàng và ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.

---------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 26-5-2021.