Xác định rõ đối tượng mua nhà ở xã hội để bảo đảm công bằng

NDO - Nêu rõ có hiện tượng nhiều đối tượng không thuộc diện được mua nhà ở xã hội nhưng vẫn “xếp hàng” để nộp hồ sơ mua nhà, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải có các biện pháp xác định rõ đối tượng được ưu tiên tiếp cận nhà ở xã hội, nhằm bảo đảm công bằng cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp đang có nhu cầu cấp thiết.
0:00 / 0:00
0:00

Kênh thanh lọc chính xác và hiệu quả qua Ngân hàng Chính sách xã hội

Ngày 5/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Phát biểu thảo luận tại Tổ 16, đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh, phát triển nhà ở xã hội là chủ trương rất nhân văn, đúng đắn để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp.

Xác định rõ đối tượng mua nhà ở xã hội để bảo đảm công bằng ảnh 1

Đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, vấn đề ở đây là cần kiểm soát việc xây dựng nhà ở phải gắn với các hạ tầng thiết yếu khác, như trường học, trạm xá…, cũng như bảo đảm an ninh trật tự.

Theo đại biểu, cần quy định rõ tỷ lệ bao nhiêu nhà ở thì cần bao nhiêu trường học và các cơ sở thiết yếu khác, để tránh tình trạng nhà đầu tư chỉ “chăm chăm xây nhà” mà không quan tâm đến các thiết chế khác để bảo đảm nhu cầu cơ bản của người ở trong khu vực.

Đại biểu tỉnh Hà Tĩnh cũng nêu rõ, trước nhu cầu nhà ở xã hội lớn, việc xét đối tượng được mua nhà ở xã hội cần phải được tiến hành một cách công bằng.

Đại biểu cho rằng, nếu cho mua thông qua quỹ vay của Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ là kênh thanh lọc rất chính xác và hiệu quả.

“Qua quỹ vay hỗ trợ nhà ở xã hội của Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ thanh lọc được đối tượng nào cần ở nhà ở xã hội, qua đó xác định được đối tượng nào có sở hữu đất, đối tượng nào có thu nhập phải đóng thuế, tức các đối tượng này sẽ không thuộc diện người nghèo và được tiếp cận nhà ở xã hội”, đại biểu Trần Đình Gia nêu rõ.

Quy định rõ vai trò Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong tham gia phát triển nhà ở xã hội

Đánh giá dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã có những sửa đổi, bổ sung rất cấp thiết và cụ thể liên quan đến nhà lưu trú cho công nhân, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho biết, nhu cầu nhà ở cho công nhân tại Đồng Nai rất lớn, song số lượng nhà ở xã hội cũng như nhà ở cho người lao động thu nhập thấp đang rất thấp.

Xác định rõ đối tượng mua nhà ở xã hội để bảo đảm công bằng ảnh 2
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

“Đồng Nai có gần 1,3 triệu lao động và gần 800 nghìn đoàn viên Công đoàn, trong đó nhu cầu nhà ở là gần 400 nghìn nhưng tới thời điểm này, các dự án nhà ở mới chỉ thực hiện được hơn 6%, tương ứng với chỉ 24 nghìn chỗ ở”, đại biểu nêu thực trạng.

Theo đại biểu, việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động là hoàn toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ “chăm lo, bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của người lao động" theo quy định tại Điều 10 Hiến pháp 2013 và Điều 1 Luật Công đoàn 2012, trong đó, chăm lo đến nhu cầu thiết yếu, bức xúc của đoàn viên, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước, đó là nhu cầu về nhà ở và các điều kiện sinh hoạt thiết yếu phục vụ nhu cầu ở...

Tuy nhiên, đại biểu nêu rõ, Tổng Liên đoàn là một chủ thể đầu tư nhà ở xã hội mới được quy định trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) nên còn khá nhiều vấn đề cần phải quy định rõ ràng, thống nhất hơn trong dự thảo.

Từ đó, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý kiến nghị, trong việc thực hiện dự án nhà ở cho người lao động, đề nghị coi việc Tổng Liên đoàn tham gia đầu tư như một hình thức nhà nước tham gia đầu tư để áp dụng các quy định pháp luật tương tự về quyền của chủ sở hữu và các cơ chế trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành nhà ở xã hội.

Về đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, đại biểu nêu rõ, Khoản 6, Điều 73 dự thảo Luật quy định đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là “công nhân, người lao động, chuyên gia làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp” đã hạn chế hơn so với Luật hiện hành là “người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp”, không bảo đảm công bằng về thụ hưởng chính sách an sinh xã hội trong công nhân lao động nói chung.

Xác định rõ đối tượng mua nhà ở xã hội để bảo đảm công bằng ảnh 3

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 16 ngày 5/6. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Đại biểu nhấn mạnh, vì nhu cầu nhà ở của công nhân là như nhau, không nên phân biệt người lao động làm việc tại doanh nghiệp trong hay ngoài khu công nghiệp.

Về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội: Điều 75 dự thảo Luật quy định công nhân, người lao động phải thuộc diện “không phải nộp, hưởng thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương theo quy định về thuế thu nhập cá nhân”.

Theo đại biểu, quy định như vậy là chưa hợp với thực tế, bởi lẽ, công nhân lao động đều có thu nhập từ tiền công, tiền lương. Tuy nhiên, người lao động có thu nhập thấp, dưới mức chịu thuế ngay cả khi tích lũy hàng chục năm cũng chưa chắc đã mua được một căn nhà ở xã hội, nhất là ở những khu vực đô thị, công nhiệp, có mặt bằng chung nhà ở, chi phí sinh hoạt cao như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh...

“Thực tiễn ở các thành phố lớn, ngay cả công nhân lao động có thu nhập trên mức chịu thuế (11 triệu đồng) cũng chưa được xem là có mức sống dư dả. Do vậy, đề nghị giữ nguyên đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội như quy định của Luật Nhà ở hiện hành, đó là: “Công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp” đều được hưởng thụ hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Đồng thời, bỏ quy định về điều kiện thu nhập đối với công nhân lao động tại điểm b khoản 1 Điều 75. Theo đó, công nhân lao động được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, không phân biệt mức thu nhập”, đại biểu nêu kiến nghị.

Kiến nghị mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở trong lực lượng vũ trang

Xác định rõ đối tượng mua nhà ở xã hội để bảo đảm công bằng ảnh 4

Đại biểu Đỗ Quang Thành (Cao Bằng) phát biểu thảo luận. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Nêu rõ Luật Nhà ở (sửa đổi) đã thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, người có thu nhập thấp và người nghèo, đại biểu Đỗ Quang Thành (Cao Bằng) đánh giá cao Cơ quan chủ trì soạn thảo đã dành một mục riêng (Mục 4 Chương VI quy định về nhà ở cho Lực lượng vũ trang - Nhà ở xã hội).

Theo đại biểu, việc bổ sung Mục 4 Chương VI trên là phù hợp tình hình thực tiễn hiện nay, tháo gỡ những tồn tại, hạn chế mà Bộ Quốc phòng đang gặp phải; cũng như bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ với các Luật khác, đồng thời thể hiện rõ chính sách của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng vũ trang nhân dân.

Đại biểu kiến nghị bổ sung thêm đối tượng công chức, công nhân và viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng tại các nhà máy, xí nghiệp quốc phòng, an ninh thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an vào điểm d khoản 1 Điều 47 (Đối tượng và điều kiện được thuê nhà ở công vụ) để phù hợp với Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Đối với đối tượng lao động hợp đồng chưa có quy định trong luật được thuê nhà ở công vụ, đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa đối tượng này vào trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này để thu hút được đội ngũ nhân lực có trình độ cao như chuyên gia, nhà khoa học (cán bộ kỹ thuật vũ khí đạn, thuốc phóng, thuốc nổ, khí tài quang học cho quân đội, công nghệ tàng hình cho tàu ngầm và các thiết bị bay, tổ hợp chống vũ khí công nghệ cao...) được đào tạo các trường ngoài quân đội, công an.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho biết, đối tượng lao động hợp đồng tại các nhà máy, xí nghiệp quốc phòng hiện nay nhu cầu về nhà ở công vụ khoảng 3.200 người, nếu không đưa đối tượng này vào, khi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có nhu cầu cấp bách cần tuyển dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh sẽ trái quy định với các luật hiện hành, không bảo đảm được tính kịp thời khi triển khai thực hiện.