Xác định nhiệm vụ trọng tâm của các cấp công đoàn

NDO - Sáng 8/10, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học Nhiệm vụ trọng tâm các cấp công đoàn-lý luận và thực tiễn.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại hội thảo.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh: Công đoàn Việt Nam đã có lịch sử 93 năm xây dựng và trưởng thành. Công đoàn Việt Nam vừa là tổ chức chính trị-xã hội vừa là tổ chức đại diện bảo vệ người lao động, từ đó định hình lên nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.

Đồng thời nhấn mạnh: Qua từng giai đoạn cách mạng, Công đoàn Việt Nam có những nhiệm vụ phù hợp. Giai đoạn hiện nay, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập mạnh mẽ, việc xác định nhiệm vụ cụ thể của tổ chức công đoàn nói chung, nhất là từng cấp công đoàn nói riêng nhằm bảo đảm tính linh hoạt, chủ động, thích ứng, đủ năng lực để cạnh tranh với tổ chức đại diện khác của người lao động.

Theo TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam): Công đoàn Việt Nam, cũng như các tổ chức công đoàn trên thế giới, cần mang dấu hiệu chung của mọi tổ chức đại diện, có đầy đủ hai yếu tố: tính chất đại diện và chức năng bảo vệ người lao động.

Tính chất đại diện dùng để xác định nó có phải là tổ chức chính danh của người lao động hay không. Chức năng bảo vệ dùng để xác định tổ chức có hoàn thành sứ mệnh mà người lao động ủy quyền hay không. Chức năng bảo vệ người lao động là chức năng bẩm sinh, vốn có của tổ chức công đoàn.

Tham luận tại hội thảo, TS Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn đưa ra 3 nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn hiện nay là: Tư vấn, hướng dẫn, giáo dục, truyền thông cho đoàn viên, người lao động; đối thoại và thương lượng tập thể; đại diện giải quyết các khiếu nại của đoàn viên và người lao động.

Ngoài ra, nhiều tham luận cũng đã thể hiện nhiều ý kiến về nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức công đoàn nói chung và các cấp công đoàn nói riêng trong tình hình mới ở góc độ lý luận và thực tiễn.

Các ý kiến tiếp tục khẳng định: Lịch sử hình thành và phát triển hơn 9 thập kỷ đã chứng minh, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn có vai trò và sứ mệnh của mình trước giai cấp, trước dân tộc. Qua thực tiễn đấu tranh, lao động, sáng tạo, tổ chức Công đoàn đang không ngừng trưởng thành và đã sáng tạo ra cho mình những giá trị bền vững, những giá trị cốt lõi này cần tiếp tục được củng cố và phát huy.

Nhiệm vụ trọng tâm của các cấp công đoàn phải là nhiệm vụ mà người lao động coi là quan trọng, sát sườn đối với họ, được đặt trong mối liên hệ giữa đoàn viên, người lao động với công đoàn. Nhất là, những nhiệm vụ như thương lượng, đối thoại tại nơi làm việc, giải quyết các vấn đề nảy sinh, giám sát thực thi pháp luật, xây dựng nội quy, quy chế, thang bảng lương…