WHO thúc đẩy mục tiêu xóa sổ bệnh lao

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cho biết, lần đầu tiên sau hơn 10 năm, số người chết vì bệnh lao đã tăng trở lại vào năm 2022, do những gián đoạn y tế gây ra bởi đại dịch Covid-19, xung đột và các cuộc khủng hoảng khác. WHO cũng đưa ra thông báo sẽ mở rộng phạm vi của Sáng kiến của Tổng Giám đốc Tedros Ghebreyesus (T.Ghê-brây-ê-xút), hướng đến loại bỏ căn bệnh truyền nhiễm giết người hàng đầu thế giới này vào năm 2030.
0:00 / 0:00
0:00
Liệu trình điều trị bệnh lao bằng thuốc uống có thể kéo dài đến sáu tháng. (Ảnh: PAHO)
Liệu trình điều trị bệnh lao bằng thuốc uống có thể kéo dài đến sáu tháng. (Ảnh: PAHO)

Dù là một căn bệnh có thể phòng ngừa và chữa khỏi, song hằng năm, lao vẫn cướp đi sinh mạng của hơn 1,5 triệu người và khiến hơn 10 triệu người khác mắc bệnh, biến lao trở thành một trong những “kẻ giết người” hàng đầu thế giới. Hầu hết những người mắc bệnh sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, trong đó khoảng một nửa số người mắc bệnh lao toàn cầu đang sống ở tám quốc gia, gồm Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Nigeria và Nam Phi.

Đại dịch cùng với các cuộc khủng hoảng khác, như xung đột vũ trang, mất an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, bất ổn chính trị và kinh tế... đã đảo ngược những tiến bộ mà thế giới đạt được nhiều năm qua trong cuộc chiến phòng, chống bệnh lao. Số ca tử vong trên toàn cầu đã giảm gần 40% kể từ năm 2000, song lao vẫn là nỗi ám ảnh với hàng triệu gia đình, đồng thời, lao cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng kháng kháng sinh, làm suy giảm khả năng bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước những căn bệnh nguy hiểm khác.

Theo các chuyên gia ước tính, cứ bốn người trên thế giới thì có một người bị nhiễm vi khuẩn lao, tuy nhiên, hầu hết mọi người sẽ không phát triển thành bệnh và một số có thể tự hết nhiễm khuẩn. Những người nhiễm khuẩn lao có từ 5% đến 10% nguy cơ mắc bệnh lao trong đời, song những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương, như suy dinh dưỡng, tiểu đường hoặc những người sử dụng thuốc lá, có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Nhân Ngày Thế giới phòng, chống lao (24/3), WHO công bố phạm vi mở rộng của Sáng kiến của Tổng Giám đốc Ghebreyesus về bệnh lao trong giai đoạn 2023-2027, nhằm đẩy nhanh kế hoạch xóa sổ bệnh lao vào năm 2030. Sáng kiến của Tổng Giám đốc WHO về bệnh lao được khởi xướng từ năm 2018, đặt mục tiêu thúc đẩy các nghiên cứu và mở rộng quy mô cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế đạt chuẩn, cũng như tăng khả năng tiếp cận đối với những người mắc bệnh lao, trong đó có khả năng tiếp cận với chẩn đoán nhanh và liệu trình điều trị bằng thuốc uống trong thời gian ngắn hơn.

Sáng kiến khuyến nghị các quốc gia cần chú trọng tăng cường đầu tư cho các dịch vụ y tế và nghiên cứu mới, đặc biệt là trong việc phát triển vắc-xin phòng lao và thuốc điều trị mới. Tổng Giám đốc Ghebreyesus kêu gọi các chương trình phòng, chống lao, đặc biệt là ở các quốc gia có gánh nặng xã hội liên quan bệnh lao cao, được công nhận là một trọng tâm thiết yếu của hệ thống y tế, bao gồm phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe sớm, cũng như chuẩn bị và ứng phó với khả năng đại dịch trong tương lai.

Sáng kiến của Tổng Giám đốc Ghebreyesus kêu gọi hành động đa ngành và trách nhiệm chung trong giải quyết các nguyên nhân chính khiến bệnh lao vẫn đeo đẳng thế giới, như nghèo đói, suy dinh dưỡng, tiểu đường, HIV, thói quen sử dụng thuốc lá và rượu, bia, hay điều kiện sống và làm việc kém vệ sinh... WHO cũng nhấn mạnh tính cấp bách của việc đầu tư, đặc biệt là phát triển vắc-xin mới và đề xuất thành lập một hội đồng chuyên trách nhằm tăng tốc tiến trình phát triển vắc-xin lao.

Loại vắc-xin phòng lao duy nhất thế giới sử dụng đã tồn tại hơn một thế kỷ, không còn bảo đảm khả năng bảo vệ đầy đủ đối với những người trẻ tuổi và người trưởng thành - những người gây ra hầu hết các trường hợp lây truyền bệnh lao. Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ triệu tập một cuộc họp cấp cao về bệnh lao vào tháng 9 tới và Tổng Giám đốc WHO kỳ vọng các cam kết thực tế và lâu dài sẽ tạo ra một bước ngoặt trong cuộc chiến chống bệnh lao toàn cầu.