Vượt trở ngại, quyết tâm khởi công cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh trong quý IV tới

NDO - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa chủ trì cuộc họp thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng), làm cơ sở để Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng phê duyệt dự án và phấn đấu khởi công trong quý IV tới.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh cuộc họp thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh.
Quang cảnh cuộc họp thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh.

Nhiều ý kiến tại cuộc họp nhận định, trong bối cảnh khó khăn về tín dụng, trái phiếu như hiện nay, việc bổ sung ngân sách Nhà nước để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng như là một dự án độc lập, phần ngân sách Nhà nước đã bố trí cho dự án theo quyết định chủ trương sẽ dành cho phần xây dựng công trình sẽ mang lại hiệu quả đầu tư lớn hơn nhiều, hấp dẫn nhà đầu tư và ngân hàng.

Trên cơ sở báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng, ý kiến tham gia của các bộ, ngành và giải trình, làm rõ của Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đối với các nội dung của Hội đồng thẩm định, về cơ bản các thành viên Hội đồng thẩm định đồng thuận với nội dung hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, đánh giá đáp ứng yêu cầu theo quy định pháp luật về dự án đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP).

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Cao Bằng là địa phương còn nhiều khó khăn, thiếu hệ thống giao thông đồng bộ để tăng cường kết nối thông thương với các địa phương lân cận và trong khu vực. Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh đã được tỉnh Cao Bằng đề xuất từ năm 2018 và theo đuổi cho đến nay.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thể hiện quan điểm cần thiết đẩy nhanh thủ tục dự án, bảo đảm quy định của pháp luật hiện hành. Hội đồng thẩm định liên ngành sẽ thông báo ý kiến thẩm định tới Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng vào tháng 7/2023. Trên cơ sở đó, Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng cập nhật báo cáo nghiên cứu khả thi và phê duyệt dự án, làm căn cứ để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà đầu tư và có thể khởi công dự án trong quý IV/2023.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cảm ơn sự quan tâm hỗ trợ giúp đỡ, đồng hành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ, ngành liên quan. Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới xa xôi, quê hương cách mạng nhưng đến nay vẫn là tỉnh nghèo, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

“Điểm nghẽn lớn nhất là kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối. Do vậy, dự án có ý nghĩa lớn trong việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng an ninh không chỉ với tỉnh mà còn đối với toàn vùng. Đảng bộ, chính quyền tỉnh Cao Bằng mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến ủng hộ, giúp đỡ của các bộ ngành hữu quan, đưa ra các vấn đề cụ thể để tỉnh sớm hoàn thiện báo cáo trình cấp có thẩm quyền theo quy định. Tỉnh sẽ quyết tâm bằng mọi giá, huy động mọi nguồn lực, tháo gỡ mọi khó khăn để thực hiện dự án hiệu quả nhất”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh bày tỏ quyết tâm.

Tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh được Bộ Giao thông vận tải lập và trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch, dự án có chiều dài 144km, tổng vốn đầu tư hơn 47.000 tỷ đồng hồi tháng 3/2016. Đây là dự án rất khó khăn cả về địa hình, địa chất, yếu tố kỹ thuật cũng như thủ tục pháp lý, đặc biệt là nhu cầu vốn rất lớn.

Cuối năm 2018, Tập đoàn Đèo Cả tham gia nghiên cứu triển khai dự án. Với kinh nghiệm xây dựng thành công các công trình giao thông trọng điểm như hầm Cổ Mã, Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Cửa Lục, hầm bao biển Quảng Ninh,… Tập đoàn Đèo Cả đề xuất phương án điều chỉnh hướng tuyến với 6 hầm xuyên núi cùng các cầu vượt thung lũng, rút ngắn 23 km chiều dài tuyến xuống còn 121 km, giảm tổng mức đầu tư xuống còn gần 23.000 tỷ đồng. Đến tháng 8/2020, cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư theo hình thức đối tác công-tư tại Quyết định số 1212/QĐ-TTg.

Vượt trở ngại, quyết tâm khởi công cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh trong quý IV tới ảnh 1

Phối cảnh 3 D công trình hầm trên tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh.

Giữa tháng 11/2021, tại cuộc làm việc với tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh vai trò của tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh và Tập đoàn Đèo Cả được Thủ tướng tin tưởng, giao tập trung thực hiện dự án này. Trong thời gian qua, Tập đoàn Đèo Cả vừa làm vừa tháo gỡ khó khăn, nghiên cứu tiết giảm tổng mức đầu tư, kiên trì đề xuất các giải pháp để dự án trở nên khả thi.

Ngày 16/1/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/QĐ-TTg điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này. Cụ thể, tuyến cao tốc dài hơn 121km (qua địa phận Lạng Sơn khoảng 52 km, qua địa phận Cao Bằng hơn 69 km). Đồng thời, điều chỉnh quy mô phân kỳ dự án, giai đoạn 1 đầu tư 93,35km (từ Km0 tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn đến khoảng Km93+350 điểm giao với quốc lộ 3 huyện Quảng Hoà, Cao Bằng). Giai đoạn 2, đầu tư tiếp 27,71km còn lại (từ khoảng Km93+350 đến Km121+060, điểm cuối tại ranh giới quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh).

Điều chỉnh tổng mức đầu tư sơ bộ dự án 22.690 tỷ đồng, trong đó giai đoạn I khoảng 13.174 tỷ đồng (phần vốn do Nhà đầu tư huy động 6.594 tỷ đồng, vốn Nhà nước tham gia trong dự án 6.580 tỷ đồng). Giai đoạn II khoảng 9.516 tỷ đồng (từ nguồn vốn Ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác). Thời gian thực hiện dự án giai đoạn 1 từ năm 2020 - 2025, giai đoạn II sau năm 2025.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng nhấn mạnh, Cao Bằng là địa phương còn nhiều khó khăn, với vị trí địa lý là tỉnh biên giới xa xôi, việc đầu tư xây dựng dự án phát triển hạ tầng kết nối của tỉnh đóng vai trò rất quan trọng, liên kết để tạo cơ hội phát triển. Dự án này khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải kết nối trung tâm kinh tế, chính trị với các tỉnh miền núi phía đông bắc, các khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, khu công nghiệp, phục vụ cho mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy được sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Cao Bằng và hoàn toàn ủng hộ địa phương triển khai dự án này. Đề nghị các thành viên Hội đồng thẩm định là đại diện các bộ/ngành liên quan ủng hộ và hướng dẫn Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng hoàn thiện các thủ tục phê duyệt để triển khai dự án”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh, hiện nay tỉnh đã phê duyệt cấp phép 11 mỏ vật liệu phục vụ dự án, cùng với các công việc khác để sẵn sàng thực hiện dự án ngay sau khi có kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. Công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 1, tại địa phận của dự án huyện Thạch An đã cắm 242/363 cọc, tại địa phận huyện Quảng Hòa cắm 199/337 cọc, Ban Quản lý dự án đã nghiệm thu hiện trường.