Vượt mốc 10 nghìn ca, Việt Nam linh hoạt trong chiến lược phòng, chống Covid-19

Vượt mốc 10 nghìn ca, Việt Nam linh hoạt trong chiến lược phòng, chống Covid-19
Vượt mốc 10 nghìn ca, Việt Nam linh hoạt trong chiến lược phòng, chống Covid-19 -0

Kể từ khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 1-2020, đến nay Việt Nam đã trải qua bốn đợt bùng phát dịch Covid-19 và vượt mốc 10 nghìn ca mắc vào sáng nay 12-6. Chiến lược phòng, chống dịch của Việt Nam cũng theo đó có những sự thay đổi, ứng biến linh hoạt với diễn biến mới của dịch.

ĐỢT DỊCH THỨ 4 NGUY HIỂM NHẤT TỪ TRƯỚC ĐẾN NAY

Đợt tấn công nhanh, mạnh và trên diện rộng của virus SARS-CoV-2 trong đợt bùng phát lần thứ 4 đã khiến tốc độ lây nhiễm tăng gấp 7,5 lần so với đợt dịch thứ 3 và đưa Việt Nam chính thức vượt mốc 10 nghìn ca nhiễm Covid-19. Đây được coi là đợt dịch nguy hiểm nhất từ trước đến nay.

Chỉ riêng đợt dịch thứ 4 này (kể từ ngày 27-4 đến 12 giờ ngày 12-6), Việt Nam đã có 6.936 ca nhiễm mới trong nước, chiếm hơn 80% tổng số ca nhiễm trên cả nước (8.506). Con số này gấp 7,5 lần so với đợt dịch thứ 3 (910 ca) và gấp hàng chục lần so với đợt dịch thứ 2. Tỷ lệ mắc trung bình/ngày lên tới ba con số. Đỉnh điểm cao nhất là ngày 25-5, Việt Nam ghi nhận số ca mắc kỷ lục lên tới 444 ca.

VƯỢT MỐC 10 NGHÌN CA, VIỆT NAM LINH HOẠT TRONG CHIẾN LƯỢC PHÒNG, CHỐNG COVID-19 -0

Trong đợt dịch này, Bắc Giang là địa phương có số ca nhiễm nhiều nhất, 3.820 ca, chiếm hơn một nửa tổng số ca mắc trên cả nước từ 28-4 đến nay. Bắc Ninh cũng đã sắp chạm mốc 1.300 ca mắc mới. TP Hồ Chí Minh chỉ mới tái bùng phát dịch từ cuối tháng 5 nhưng cũng đã ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh tới 680 ca.

Với những số liệu tăng lên từng ngày, Bộ Y tế nhận định đây là đợt dịch nguy hiểm nhất từ trước đến nay. 

Trước đó, đợt dịch đầu tiên (kéo dài từ 23-1-2020 - 24-7-2020) ghi nhận 415 ca nhiễm, bao gồm 106 ca trong nước và 309 ca nhập cảnh. Ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh là ca nhập cảnh từ Vũ Hán (Trung Quốc), dịch bệnh sau đó lan ra 13 tỉnh, thành phố. 

Với ca bệnh chỉ điểm là một bệnh nhân của Bệnh viện C Đà Nẵng, chưa rõ nguồn lây, đợt dịch thứ 2 chủ yếu diễn ra tại Đà Nẵng, đã ghi nhận 1.136 ca nhiễm mới. Trong đó, có 554 ca bệnh được phát hiện lây nhiễm trong cộng đồng, gấp hơn 5,5 lần đợt dịch thứ nhất.

Đợt dịch thứ 3 tại Việt Nam diễn ra đầu năm 2021 bùng phát tại Hải Dương từ một người xuất khẩu lao động được phát hiện dương tính khi nhập cảnh Nhật Bản, cũng chưa rõ nguồn lây. Đợt dịch này ghi nhận tới 910 bệnh nhân mắc Covid-19 trong cộng đồng, cao gần gấp đôi đợt dịch thứ 2, chủ yếu tại ổ dịch Hải Dương (726 ca, chiếm gần 80% tổng số ca bệnh).

Ngày 28-4, dịch chính thức bùng phát lần thứ 4 bằng ca nhiễm đầu tiên phát hiện trong cơ cở cách ly tập trung tại Yên Bái, nơi cách chuyên gia Ấn Độ cách ly. Chỉ sau đó một tuần, dịch đã bùng phát nhanh chóng tại một số địa phương với số ca nhiễm tăng nhanh, đường lây truyền khó kiểm soát. Việt Nam xác định bước vào cuộc chiến thách thức lớn nhất từ trước đến nay khi lan rộng ra 39 tỉnh, thành phố.  

184231585_10158397353413789_2214-1623479703284.jpgbac_giang2-1623479662601.jpg
Nhiều khu công nghiệp bị phong tỏa, hàng chục nghìn công nhân phải cách ly tập trung. (Ảnh: Bộ Y tế)

Lần đầu tiên, dịch tấn công cả hai mũi nhọn vào các cơ sở y tế và khu công nghiệp. Thành trì điều trị Covid-19 là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã phải thực hiện cách ly y tế trong một tháng trong tình trạng các ca bệnh nặng dồn dập đổ về. Có nhiều ca bệnh vừa nhiễm bệnh lý nền nặng, vừa nhiễm SARS-CoV-2 đã không thể qua khỏi trong sự bất lực của đội ngũ điều trị.

Thiệt hại nặng nề nhất, chính là hai tâm dịch Bắc Giang và Bắc Ninh khi hàng trăm nghìn công nhân phải thực hiện cách ly tập trung hoặc giãn cách xã hội, các khu công nghiệp tê liệt, các ca bệnh được phát hiện với cấp số nhân, tỷ lệ diễn biến nặng tăng nhanh. Đã có thời điểm hai địa phương này lúng túng trong việc truy vết, tăng tốc xét nghiệm, triển khai cách ly tập trung, nâng cao năng lực điều trị để đối phó với diễn biến phức tạp của dịch.

Một trong những thách thức lớn nhất trong đợt dịch thứ 4, đó là Việt Nam phải đối mặt sự xuất hiện của biến chủng Delta của Ấn Độ - biến chủng siêu lây nhiễm bên cạnh biến chủng của Anh. Theo đánh giá của giới chuyên môn, biến thể của Anh lây tăng hơn 1,7 lần so với biến thể trước đây, nhưng biến thể Ấn Độ tăng hơn cả biến thể của Anh 1,4 lần, tức là hơn 40%.

Chu kỳ nhân lên của virus SARS-CoV-2, đối với biến chủng Delta lưu hành rất nhanh, khoảng ba ngày, tương đương với các chu kỳ nhân lên và lây nhiễm trong quần thể dân có người nhiễm. Vì vậy, đợt dịch này tốc độ lây lan nhan hơn rất nhiều so với trước. Bộ Y tế huy động tổng lực hỗ trợ các địa phương thần tốc xét nghiệm để đuổi theo tốc độ lây truyền của virus.

benh_nhan_COVID_2983-1623479859189.jpg
Bệnh nhân diễn biến bệnh nặng nhanh, tạo gánh nặng cho lĩnh vực điều trị. (Ảnh: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương)

Về mặt lâm sàng, tốc độ tăng nặng của các bệnh nhân tăng hơn so với trước. BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đánh giá, số lượng bệnh nhân rất lớn trong đợt dịch thứ 4 có diễn biến lâm sàng nhanh hơn trước tạo ra sức ép lớn với hệ thống điều trị. Các bệnh nhân có phản ứng viêm quá mức cũng cao hơn những lần trước, tỷ lệ tổn thương phổi rất nhanh. Chính vì vậy, các biện pháp kỹ thuật để can thiệp cũng phải nhiều hơn, tạo nên gánh nặng cho lĩnh vực hồi sức tích cực.

Đã có 10 ca tử vong trong đợt dịch này, trong đó có một nữ công nhân còn rất trẻ, không có bệnh lý nền. Điều đó cho thấy, virus có thể hạ gục bất kỳ ai, kể cả người trẻ.

NHỮNG THAY ĐỔI CHƯA TỪNG CÓ TRONG TIỀN LỆ

Để tích cực truy vết, thời gian qua, ngành y tế triển khai tổng lực xét nghiệm với số lượng mẫu rất lớn. Tính đến ngày 10-6, cả nước thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR được khoảng 4,626 triệu mẫu cho gần 7,8 triệu lượt người. Tổng số xét nghiệm lần này gấp ba lần so với trước đây và trung bình một ngày gấp ba lần so với những ngày cao nhất trước đây.

Trước tình hình lây nhiễm chéo diễn ra nhanh ở cả khu cách ly tập trung và tại các địa phương đang giãn cách xã hội, Bộ Y tế đã ngay lập tức thay đổi một số điểm mới trong công tác xét nghiệm và cách ly F1. 

Trong thời điểm nóng nhất, tại các khu công nghiệp, nguy cơ F1 trở thành F0 lên tới 50-70% khiến Bộ Y tế ngay lập tức chỉ đạo lực lượng truy vết tại Bắc Giang phải đóng băng các khu nhà trọ. Việc thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà được cho là biện pháp cấp thiết để ngăn chặn nguồn lây lúc này do số F1 bắt buộc phải cách ly ở Bắc Ninh, Bắc Giang lên tới hơn 50.000 người.. 

bacninh1-1623480032824.jpg
Các địa phương Bắc Giang, Bắc Ninh triển khai lấy mẫu trên diện rộng.  (Ảnh: Bộ Y tế)

Từ cuối tháng 5, Bộ Y tế đã thống nhất thí điểm cho phép F1 có nguy cơ thấp cách ly tại nhà ở Bắc Giang và Bắc Ninh. Đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng thiết chế cách ly tập trung trong các khu vực đông người và điều này đã hỗ trợ hai địa phương sớm phân loại được người có nguy cơ lây nhiễm cao đưa đi cách ly tập trung, ngăn chặn nguồn lây. 

Để thực hiện sàng lọc khẩn trương các ca nghi nhiễm, Bộ Y tế cũng khuyến khích hai địa phương này mở rộng xét nghiệm kháng thể, xét nghiệm nhanh kháng nguyên, gộp mẫu 10 thay vì năm mẫu như trước. Phương pháp lấy mẫu xét nghiệm cũng thực hiện theo hình thức mới, chia nhỏ các nhóm đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để lấy mẫu nhằm hạn chế tới mức tối đa việc lây nhiễm chéo.

Đồng thời, đối với những người thuộc diện nguy cơ ở Bắc Ninh, Bắc Giang, thay vì được nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm, đã được hướng dẫn tự lấy mẫu xét nghiệm, là biện pháp giảm tải cho nhân viên y tế lấy mẫu.

Lần đầu tiên, Bộ Y tế đưa ra bản đồ chống dịch với thang đánh giá nguy cơ bốn mức độ. Đây là quy định được ban hành dựa trên Chỉ thị 15, 16 và 19 của Thủ tướng Chính phủ. Điểm mới của quy định này là bản đồ chống dịch được hình thành dựa trên các dữ liệu bắt buộc phải cập nhật từ cấp xã trở lên và dữ liệu được tập hợp từ nguồn có sẵn.

Bốn mức độ nguy cơ được thể hiện tới cấp xã trên bản đồ chống dịch tương ứng với các màu sắc: Nguy cơ rất cao (màu đỏ); nguy cơ cao (màu cam); nguy cơ (màu vàng); bình thường mới (màu xanh). Đặc biệt, địa phương có quyền bổ sung, áp dụng biện pháp có thể ở mức độ cao hơn, cần thiết tùy theo tình hình dịch, đặc thù phát triển kinh tế tại địa phương.

183303894_4017848711615126_66791-1623480091085.jpg
Hàng nghìn cán bộ y tế được huy động hỗ trợ Bắc Giang, Bắc Ninh chống dịch.   (Ảnh: Bộ Y tế)

Trong đợt dịch này, lần đầu tiên, Bộ Y tế huy động lực lượng y tế lớn nhất từ trước đến nay với khoảng 2.500 cán bộ y tế hỗ trợ các điểm dịch như Bắc Giang, Bắc Ninh trên các mặt trận xét nghiệm, truy vết, điều trị, cách ly, tiêm chủng…

Bộ Y tế đã tham mưu cho hai tỉnh tận dụng các ký túc xác các trường cao đẳng, các trung tâm thể dục thể thao và một số cơ sở khác nhằm thiết lập làm cơ sở thu dung điều trị ban đầu bệnh nhân mắc Covid-19. Thực hiện phân cấp tối đa các trường hợp nhiễm Covid-19 để giảm tải cho cơ sở điều trị tuyến trên. 

Để đáp ứng dự báo tình hình số ca mắc tăng nặng tại Bắc Giang, một điểm mới nữa được Bộ Y tế triển khai rất nhanh là thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) lớn nhất từ trước đến nay, đáp ứng yêu cầu với đầy đủ hệ thống và phương tiện cần thiết tại tâm dịch lớn nhất là Bắc Giang. Ngoài việc lựa chọn Bệnh viện Phổi Bắc Giang để thiết lập trung tâm hồi sức tích cực với 58 giường, Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) quy mô lớn nhất miền Bắc với 101 giường đã được ra mắt ngày 4-6 sau năm ngày khẩn trương triển khai thi công. 

Đồng thời, Việt Nam đã triển khai tất cả các giải pháp về mặt công nghệ để có thể tăng thêm giám sát trong thực hiện cách ly phòng, chống dịch tại hai địa bàn tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.

Trung_tam_hoi_suc_tich_cuc_tai_B-1623480293517.jpg
Trung tâm Hồi sức tích cực lớn nhất miền bắc đặt tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang triển khai nhanh chóng trong năm ngày.    (Ảnh: Bộ Y tế)

Để triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế trong tình hình dịch, các địa phương đã rút kinh nghiệm trong việc triển khai phong tỏa, giãn cách nên đã không xảy ra việc phong tỏa cả tỉnh mà chỉ phong tỏa ở các huyện có nguy cơ cao, thậm chí chỉ có nơi chỉ là xã, thôn, tòa chung cư hay chỉ là một tầng có người mắc Covid-19. Do đó, người dân một số vùng đã kiểm soát được nguy cơ vẫn lao động sản xuất, thông xe thông đường, duy trì phát triển kinh tế. 

Bộ Y tế đã lập tức triển khai tiêm vaccine cho hơn 240 nghìn công nhân tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh để giúp địa phương này tăng miễn dịch cộng đồng, sớm đưa các doanh nghiệp quay trở lại sản xuất, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. 

Trong hơn 40 ngày qua, các hoạt động, công tác hỗ trợ, tăng cường của Bộ phận thường trực của Bộ Y tế đã góp phần nâng cao đáng kể năng lực giám sát, xét nghiệm và điều trị... tại hai địa phương Bắc Giang, Bắc Ninh.

TỪNG BƯỚC KHỐNG CHẾ DỊCH BỆNH

Với việc kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, lấy dự phòng là cơ bản, tấn công là vấn đề quyết định, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến nay, tình hình dịch cơ bản đã được kiểm soát. Các ca bệnh hầu hết đều phát hiện trong khu cách ly, phong tỏa, ít có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. 

Việc dồn tổng lực để xét nghiệm, truy vết đã giúp một số địa bàn nóng nhất có thể nới lỏng các biện pháp chống dịch, tiến hành giãn cách, dỡ bỏ phong tỏa để người dân quay trở lại cuộc sống bình thường. 

Trong công tác điều trị, các bác sĩ đã tiếp tục lập nên nhiều kỳ tích, cứu chữa nhiều ca bệnh đứng ở ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Nhiều ca phải thở máy thời gian dài đã cai được thở máy, nhiều ca bệnh đã được cai ECMO thành công dù tiên lượng vô cùng dặt dè. 

Cac_benh_nhan_nang_dang_dieu_tri-1623480564152.jpg
Nhiều ca bệnh nguy kịch tính mạng đã được cứu chữa thành công. (Ảnh: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương)

Với nhiệm vụ là chỉ huy trưởng của ngành y tế tại Bắc Ninh, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định, “Qua phân tích tình hình thực tế, dịch Covid-19 tại Bắc Ninh vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Với sự nỗ lực của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh cùng sự vào cuộc của người dân, chúng tôi dự kiến làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 của Việt Nam tại Bắc Ninh có thể sẽ được đẩy lùi trong 10 ngày tới”.

Còn tại ổ dịch Bắc Giang, trước quyết tâm khống chế dịch trong 7-10 ngày tới của tỉnh, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định, tỉnh cần tiếp tục hoàn tất các thủ tục, giải pháp để trong vòng từ 7 đến 14 ngày nữa Bắc Giang sẽ hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh; tiến tới nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, tạo đà cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Vượt mốc 10 nghìn ca, Việt Nam linh hoạt trong chiến lược phòng, chống Covid-19 -0

Theo chuyên gia đầu ngành về y tế dự phòng - PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, về cơ bản hai ổ dịch lớn Bắc Ninh, Bắc Giang đã khống chế thành công bước đầu. Số ca mắc tại ổ dịch này đã giảm và chỉ còn các trường hợp ca bệnh lây trong khu vực đã được cách ly, phong tỏa.

Đối với Hà Nội, các ổ dịch xảy ra tại đây chủ yếu là các điểm dịch nhỏ. Nhưng nhờ công tác khoanh vùng, truy vết, Hà Nội cũng khống chế nhanh và thành công các ổ dịch trên địa bàn thành phố. Ổ dịch TP Hồ Chí Minh số ca mắc đang có những diễn biến phức tạp, nhưng thành phố đã có những phản ứng rất nhanh để truy vết, dập dịch. 

Vấn đề lo ngại nhất hiện nay là dịch có nhiều nguy cơ tấn công vào các khu công nghiệp, nhất là tại các địa phương chưa có kinh nghiệm chống dịch trong khu công nghiệp. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra chiều 11-6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, các địa phương phải kiểm tra và kiên quyết dừng hoạt động những doanh nghiệp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phòng, chống dịch.

Nhằm chủ động trong tình huống có nhiều ca nhiễm ở khu công nghiệp, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương khảo sát trước các địa điểm có thể thành lập các bệnh viện dã chiến, tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có, chuẩn bị phương án thiết lập các đơn vị điều trị tích cực.

Vượt mốc 10 nghìn ca, Việt Nam linh hoạt trong chiến lược phòng, chống Covid-19 -0

Vaccine+5K là vũ khí chống dịch của Việt Nam. (Ảnh: Bộ Y tế)

Để tái sản xuất an toàn, việc tiêm vaccine để tăng miễn dịch cho các khu công nghiệp được đặt ra cấp thiết. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, cố gắng trong tháng 7-2021 sẽ tiêm hết vaccine phòng Covid-19 cho công nhân trong các nhà máy, khu công nghiệp có nguy cơ cao. Hết tháng 8-2021 sẽ tiêm xong cho toàn bộ công nhân trong các khu công nghiệp trên cả nước.

Cùng với "5K", việc tiêm vaccine được coi là chiến lược dài hơi để giúp Việt Nam tăng miễn dịch cộng đồng, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Bộ Y tế vẫn đang nỗ lực tiếp cận các nguồn vaccine để sớm có đủ 150 triệu liều vaccine tiêm cho hơn 70% dân số Việ Nam trong năm 2021. 

Vượt mốc 10 nghìn ca, Việt Nam linh hoạt trong chiến lược phòng, chống Covid-19 ảnh 11

Ngày xuất bản: 12-06-2021

Nội dung:  HỒNG MINH - THIÊN LAM

Đồ họa & kỹ thuật: ĐỨC DUY

Ảnh: DUY LINH, BỘ Y TẾ