Vượt khó mang Chính phủ số đến tận tay người dân

Sau hơn một năm triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), vượt qua khó khăn, với vai trò là cơ quan thường trực, Công an tỉnh Hà Nam đã thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu đi đầu.
0:00 / 0:00
0:00
Công an huyện Thanh Liêm (Hà Nam) kiểm tra công tác kích hoạt tài khoản định danh điện tử.
Công an huyện Thanh Liêm (Hà Nam) kiểm tra công tác kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

Kết quả bước đầu của Đề án 06 có ý nghĩa rất quan trọng, mang tính đột phá, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và chuyển đổi số của tỉnh Hà Nam nói riêng, quốc gia nói chung, đem lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 về chuyển đổi số, Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Hà Nam, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Đức Cường cho biết: Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh được quan tâm, đạt kết quả tích cực.

Cụ thể, Hà Nam đã ban hành Nghị quyết của Tỉnh ủy; Đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh về chuyển đổi số. Hạ tầng số, các nền tảng số được phát triển, triển khai ứng dụng tại tỉnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chuyển đổi số. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính được kết nối, liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an.

Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn đều có đường truyền cáp quang, internet cung cấp đến tận thôn, tổ dân phố. 100% dân số được phủ sóng thông tin di động 2G; 95% dân số được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G. Mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II được kết nối, liên thông đến 100% sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã.

Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn đều có đường truyền cáp quang, internet cung cấp đến tận thôn, tổ dân phố. 100% dân số được phủ sóng thông tin di động 2G; 95% dân số được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G. Mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II được kết nối, liên thông đến 100% sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 86,3%; hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 64,1%.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, đối với 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, trong đó 11 dịch vụ công thiết yếu của lực lượng công an Hà Nam đạt kết quả cao, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào mục tiêu xây dựng nền hành chính văn minh, phát triển kinh tế-xã hội và phòng, chống hiệu quả tội phạm, góp phần tiết kiệm hơn 30 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước và nhân dân.

Đại tá Lê Văn Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh tổ chức 4 lớp đào tạo online cho hơn 2.300 cán bộ, công chức, viên chức trên nền tảng đào tạo, giáo dục trực tuyến đại chúng mở (MOOC); hoàn thành cấp căn cước công dân cho 100% công dân đủ điều kiện, sớm nhất toàn quốc. Tham mưu ban hành Kế hoạch phối hợp số 63 triển khai 43 mô hình của Đề án 06/CP; thực hiện thí điểm 2 dịch vụ công liên thông: đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí đạt hiệu quả cao.

Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh tổ chức 4 lớp đào tạo online cho hơn 2.300 cán bộ, công chức, viên chức trên nền tảng đào tạo, giáo dục trực tuyến đại chúng mở (MOOC); hoàn thành cấp căn cước công dân cho 100% công dân đủ điều kiện, sớm nhất toàn quốc.

Đại tá Lê Văn Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam

Sau hơn 6 tháng thực hiện, Hà Nam đã tiếp nhận gần 10 nghìn hồ sơ, góp phần tiết kiệm hơn 3 tỷ đồng từ việc giảm hồ sơ, giấy tờ người dân phải chuẩn bị; đáp ứng được yêu cầu liên thông thủ tục hành chính, nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của người dân. Các ngành chức năng cấp tài khoản triển khai phần mềm quản lý lưu trú cho 90% cơ sở kinh doanh lưu trú và các cơ sở giáo dục có học sinh lưu trú; duy trì thường xuyên việc hướng dẫn công dân tố giác tội phạm và khai báo tin báo về an ninh trật tự qua ứng dụng VNeID.

Hà Nam là một trong 5 tỉnh có tỷ lệ tin báo qua VNeID cao nhất trong toàn quốc. 100% cơ sở khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế sử dụng máy quét QR trên căn cước công dân, ứng dụng VNeID…

Với vai trò là cơ quan thường trực, Công an tỉnh Hà Nam đã chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 06 trong toàn tỉnh. Trong đó, đã thành lập các tổ công tác trực tiếp xuống các xã, phường rà soát, kiểm tra, đánh giá nhân lực và các trang thiết bị phục vụ Đề án; phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, những tiện ích thiết thực của Đề án 06 mang lại trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa phát thanh, truyền thanh, qua mạng xã hội Zalo, Facebook... giúp người dân nâng cao nhận thức, đồng hành cùng các lực lượng chức năng trong thực hiện Đề án.

Tại từng địa bàn dân cư và trụ sở tiếp dân của lực lượng công an từ cấp tỉnh, huyện đến cấp cơ sở xã, phường, việc cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân được lực lượng công an hướng dẫn, thực hiện song hành với việc cấp mới, cấp đổi, cấp lại căn cước công dân, giúp nhân dân làm quen với việc thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Bên cạnh đó, Công an tỉnh Hà Nam đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của Bộ Công an.

Hà Nam là một trong 5 tỉnh có tỷ lệ tin báo qua VNeID cao nhất trong toàn quốc.

Với quan điểm mang Chính phủ số đến tận tay người dân, thời gian qua, Hà Nam tích cực thành lập tổ công nghệ số cộng đồng. Các thành viên nòng cốt bao gồm lực lượng công an xã, các ban, ngành, đoàn thể... đến tận thôn, xóm tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tiếp cận, thực hiện các dịch vụ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến.

Có thể thấy, Tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn, tổ, đội. Việc đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua tổ công nghệ số cộng đồng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Tại các xã của huyện Thanh Liêm, bà con rất phấn khởi, vui mừng khi được lực lượng công an xã trực tiếp hướng dẫn thao tác trên máy tính xách tay, điện thoại thông minh các bước đăng ký, sử dụng tài khoản định danh và các dịch vụ công trực tuyến. Anh Đặng Thanh Tùng (xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm) phấn khởi cho biết: "Trước đây, muốn thực hiện các thủ tục như đăng ký xe máy, đăng ký khai sinh... bà con phải đi lên tận trung tâm huyện, tỉnh để làm. Điều này gây khó khăn, nhất là với những công dân đi làm ăn xa không trực tiếp lên trụ sở cơ quan công an.

Hiện nay, chỉ cần có điện thoại thông minh, cán bộ công an xã cùng các ban, ngành, đoàn thể xuống từng địa bàn dân cư tuyên truyền, hướng dẫn bà con đăng ký các thủ tục một cách nhanh chóng, thuận tiện, không phải đi lại nhiều lần, giúp chúng tôi tiết kiệm rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức".

Để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc chuyển đổi số, Đề án 06 và hoàn thành các chỉ tiêu Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, từ nay đến hết năm 2023, các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy trình và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ theo chỉ đạo của Chính phủ.

Các đơn vị, địa phương tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính, dịch vụ công đang triển khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; rà soát, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu hiện có, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu các sở, ban, ngành, địa phương theo đúng lộ trình Đề án 06.

Đồng thời đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 9/7/2023; khai thác sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng, các phần mềm, ứng dụng hiện có; đồng thời rà soát nâng cấp thiết bị và triển khai các phần mềm cần thiết phục vụ nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương.