Cây trồng thiếu nước mưa còi cọc, sinh trưởng chậm và dần khô héo. Nước sinh hoạt người dân và nước uống cho gia súc, ngành kinh tế quan trọng tại Lục Khu cạn kiệt. Người dân phải di chuyển hàng chục kilomet để chở từng chuyến nước về nhà.
Bể, hồ khô cạn, cây trồng khô héo
Vùng Lục Khu, huyện Hà Quảng gồm 7 xã, với 68 xóm, 3.962 hộ, gần 18 nghìn đồng bào dân tộc H’Mông, Nùng sinh sống. Do địa hình cao nguyên, núi đá, lượng mưa ít, trên địa bàn không có sông, suối cung cấp nước nên từ xưa, nơi đây mệnh danh là vùng đất “khát” ở Cao Bằng.
Nông dân nỗ lực "cứu" cây trồng, nhưng do trời không mưa, năng suất cây ngô ước tính giảm 70% so vụ trước. |
Quan tâm giải quyết vấn đề nước sinh hoạt và sản xuất cho đồng bào các dân tộc, giải pháp đã được thực hiện là đầu tư xây dựng nhiều hồ, bể chứa nước mưa, để tích trữ nước phục vụ sinh hoạt của người dân.
Đến nay, từ các nguồn kinh phí, tỉnh Cao Bằng đã đầu tư 21 hồ trữ nước mưa, dung tích 3.000m3/1 hồ; 255 bể nước công cộng, mỗi bể từ 20-300m3 và hơn 10.000 bể lu, bể vuông trữ nước sinh hoạt cho các hộ gia đình. Nhờ đó, cơ bản đáp ứng được nhu cầu nước sinh hoạt và chăn nuôi của người dân.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, lượng mưa ít đã khiến các hồ, bể chứa nước cạn kiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Bà Hoàng Thị Lỵ, xóm Thin Tẳng, xã Mã Ba, huyện Hà Quảng buồn rầu cho biết, trời không mưa, 2ha trồng cây ngô của gia đình đã khô héo, còi cọc. Gia đình đang xới lại từng hốc để trồng thêm những hạt giống ngô bên cạnh cây ngô đang còi cọc, đã khô héo và hy vọng trời mưa giúp cây trồng sinh trưởng, bù đắp phần nào thiệt hại do khô hạn.
Do thiếu nước sinh hoạt và cho gia súc uống, anh Đào Duy Thắng, xóm Thành Công, xã Mã Ba, đã phải bán bớt trâu, bò vì không “kham” nổi nước uống cho chúng. Hằng ngày, anh phải di chuyển hàng chục kilomet để chở từng chuyến can nhựa chứa nước về nhà.
Nông dân "lo" nước uống cho gia súc. |
Đồng chí Hoàng Văn Cương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mã Ba, chia sẻ số liệu, hơn 200ha cây ngô đã gieo trồng của nông dân đang thiếu nước, bị héo khô. Bà con đã trồng “dặm” lại trên diện tích cây ngô đã khô héo. Nếu trời sớm có mưa thì cây trồng “dặm” sẽ phát triển, nhưng hiện giờ đã quá vụ nên dù có mọc thì năng suất cũng rất thấp. Dự kiến vụ ngô này, nông dân sẽ thiệt hại năng suất khoảng 60-70% so vụ trước, kéo theo sẽ gia tăng số hộ cần hưởng trợ cấp cứu đói thời gian tới và ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi gia cầm trên địa bàn.
Quyết liệt khắc phục ảnh hưởng hạn hán
Ghi nhận khó khăn, gian nan, vất vả của đồng bào dân tộc vùng Lục Khu, từ ngày 21/4, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Cao Bằng đã xuất quân, tổ chức lực lượng và phương tiện lên vùng Lục Khu hỗ trợ giải quyết vấn đề thiếu nước sinh hoạt của người dân. Các xe cứu hỏa, xe chở téc nước, đã vận chuyển hàng nghìn mét khối nước đến các bể nước tập trung và bể nước gia đình, phục vụ người dân.
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng Lục Khu. |
Đồng chí Phạm Xuân Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hà Quảng chia sẻ, đến ngày 27/4, các phương tiện do địa phương tổ chức đã vận chuyển 220m3 nước đến phục vụ sinh hoạt của 1.500 gia đình ở 28 xóm thuộc vùng Lục Khu. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện nhiệm vụ này, nhằm san sẻ bớt vất vả, khó khăn của đồng bào dân tộc ở vùng Lục Khu.
Ghi nhận và giải quyết vấn đề dân sinh của đồng bào dân tộc, vùng cao, biên giới, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã tổ chức đoàn kiểm tra, chỉ đạo, giải quyết vấn đề.
Đoàn công tác của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng kiểm tra và chỉ đạo khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt của đồng bào ở vùng Lục Khu. |
Sau khi kiểm tra thực tế và chỉ đạo giải quyết vấn đề nước sinh hoạt cho đồng bào Lục Khu, đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng yêu cầu huyện Hà Quảng bố trí, tăng cường phương tiện và nhân lực phục vụ vận chuyển nước sinh hoạt lên cung cấp cho đồng bào vùng Lục Khu. Đồng thời, lập dự án đề nghị duy tu, bảo trì, nâng cấp năng lực trữ nước của các hồ, bể chứa nước mưa hiện có. Bên cạnh đó, cần tính toán đầu tư thêm các hồ, bể chứa nước theo kinh phí đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thực tế thiếu nước sinh hoạt và sản xuất tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng Lục Khu, huyện Hà Quảng rất cần sự chung tay, phối hợp, giúp đỡ của các nhà khoa học, nguồn vốn đầu tư và phương tiện, nhân lực, kinh phí để giải quyết vấn đề nước sinh hoạt, sản xuất của đồng bào khi thời tiết tiếp tục khô hạn, ít mưa như hiện nay.