Các đại biểu đã xem xét, thảo luận, cho ý kiến đóng góp và thông qua 23 nghị quyết về: Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các nghị quyết về chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công.
Các nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số nội dung thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết về hệ số điều chỉnh giá đất, danh mục các dự án, công trình cần thu hồi đất; đăng ký nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Các nghị quyết liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tài chính, xây dựng tại địa phương.
Trong đó, Nghị quyết Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thông qua có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong xác định các nội dung, định hướng đưa tỉnh Cao Bằng phát triển nhanh và bền vững.
Theo nội dung Nghị quyết Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Cao Bằng đã xác định quan điểm, định hướng và đột phá để phát triển là cần chú trọng nhiệm vụ bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế số và ứng dụng khoa học công nghệ phát triển sản xuất...
Tỉnh Cao Bằng xác định phát triển phải đi đôi với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc. Dựa trên bản sắc văn hóa để xây dựng thương hiệu các sản phẩm du lịch, nông nghiệp và thương mại.
Cao Bằng cũng xác định công tác cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp là nhiệm vụ cấp bách, rất cần thiết để khắc phục hạn chế trong môi trường đầu tư-kinh doanh tại địa phương.
Trên cơ sở các nội dung và định hướng phát triển, đến năm 2030, tỉnh Cao Bằng đề ra mục tiêu, thu nhập GRDP bình quân đạt khoảng 102 triệu đồng/người/năm; Có 75 xã đạt chuẩn nông thôn mới... Đến năm 2050, đưa Cao Bằng trở thành đầu mối giao lưu quốc tế quan trọng trong khu vực trung du và miền núi phía bắc, thông qua phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại-dịch vụ.