Gần đạt chỉ tiêu 90-90-95
Sau 29 năm kể từ ngày phát hiện trường hợp nhiễm HIV đầu tiên tại TP Tân An, đến ngày 30/6/2022, tỉnh Long An ghi nhận 4.880 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 1.574 (32,3%) trường hợp tử vong.
Số bệnh nhân còn sống đang quản lý ở cộng đồng là 3.889 (trong đó có 620 trường hợp ngoại tỉnh).
Theo ông Nguyễn Ngọc Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Long An, số ca nhiễm HIV cao tập trung cao ở Đức Hòa, Bến lức, Cần Đước, Cần Giuộc, TP Tân An. Đây là những nơi phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh, giáp ranh TP Hồ Chí Minh.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Phó Trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, CDC Long An cho biết, kể từ năm 2018 đến nay, khi dự án EPIC hỗ trợ cho tỉnh trong công tác phát hiện, khám sàng lọc và điều trị bệnh nhân HIV/AIDS, hằng năm số ca phát hiện mới tăng nhanh.
Năm 2021, dù đại dịch ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng tỉnh vẫn phát hiện 342 ca mới. Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh phát hiện 187 người nhiễm HIV mới, trong đó có 79 ca ngoại tỉnh, tử vong 18.
"So với cùng kỳ 2021, số trường hợp nhiễm HIV mới tăng 45 ca, tử vong bằng cùng kỳ", ông Sơn cho hay.
Về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP, cả tỉnh đang điều trị cho 781 khách hàng. Tổng số khách hàng mới trong năm 2022 là 472, đạt 63,5% kế hoạch. Tỷ lệ khách hàng duy trì điều trị sau 3 tháng đạt 53,9% (chỉ tiêu 80%). Số khách hàng nhận dịch vụ PrEP ít nhất một lần đạt 89,6% (1002/1118).
Theo Phó Giám đốc CDC Long An, về kết quả thực hiện mục tiêu 95x95x95 cũng đã đạt được con số khích lệ nhưng chưa cao.
"Chỉ tiêu thứ nhất số người nguy cơ cao để tiếp cận dịch vụ xét nghiệm, điều trị HIV tăng lên đạt 88%. Chỉ tiêu thứ 2, người phát hiện dương tính đưa vào điều trị ARV khoảng 94%. Chỉ tiêu thứ 3 hiện có hơn 98% trường hợp nhiễm HIV đạt tải lượng dưới ngưỡng phát hiện.
Chúng tôi hy vọng tiếp tục phát triển chỉ số này để Long An góp phần đạt mục tiêu của chiến lược quốc gia chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030", ông Linh bày tỏ.
Ông Nguyễn Ngọc Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Long An. |
Theo ông Linh, với sự hỗ trợ của dự án EPIC, tỉnh đã có nhiều sự thay đổi trong chiến dịch phát hiện, tầm soát, đưa vào điều trị bệnh nhân HIV. Mặc dù dự án EPIC chỉ hỗ trợ cho vài địa bàn, nhưng CDC tỉnh đã tiếp tục lan tỏa những kiến thức được chuyển giao cho các huyện, thị xã khác.
Đến nay, các kế hoạch được xây dựng bám sát vào nhu cầu và tình hình thực tế của tỉnh. Tỉnh đã có 4 phòng xét nghiệm khẳng định, giúp đưa vào điều trị ngay những trường hợp mới nhiễm HIV.
Dự án EPIC giúp cho tỉnh triển khai nhiều mô hình/sáng kiến mới như cấp test tự xét nghiệm, đáp ứng y tế công cộng, trang web tự xét nghiệm, xây dựng mạng lưới đồng đẳng viên… Nhờ đó, tỷ lệ phát hiện ca nhiễm mới tăng nhanh.
Về kết quả thực hiện các chỉ tiêu dự án EPIC đến tháng 6/2022, số ca HIV dương tính mới được phát hiện là 336/343, đạt 98% so với chỉ tiêu; Số người mới được điều trị ARV lần đầu là 347/400, đạt 86,7%; Số khách hàng HIV âm tính mới được điều trị PrEP lần đầu là 517/443, đạt 116,7%; số khách hàng điều trị PrEP ít nhất một lần trong năm là 870/880, đạt 97,9%.
Tỷ lệ đồng nhiễm của nhóm MSM cao
Trong số 2.074 trường hợp được tư vấn và xét nghiệm HIV trong 6 tháng đầu năm 2022, CDC Long An phát hiện 258 trường hợp HIV dương tính, trong đó có 3 ma túy, 9 phạm nhân, 204 MSM (cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới) và 20 đối tượng vợ/chồng, bạn tình, bạn chích người nhiễm HIV.
Theo ông Nguyễn Ngọc Linh, nếu giai đoạn năm 2018, tỷ lệ lây qua tiêm chích ma túy cao thì đến năm 2021, 95% ca nhiễm HIV lây qua đường tình dục.
Đặc biệt, số nhiễm HIV là nam giới tăng nhiều, trung bình trong 100 người có 92 trường hợp là nam giới.
“Tỷ lệ đồng nhiễm của nhóm MSM là khoảng 70%, như vậy cứ 3 ca thì có 2 ca nhiễm HIV”, ông Linh cho hay.
Đề xuất tiếp tục được hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV và xét nghiệm tải lượng virus HIV qua bảo hiểm y tế
Phó Giám đốc CDC Long An cho biết, hiện nay tỉnh vẫn đang gặp một số khó khăn chính là việc thực hiện một số gói mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm, trang thiết bị triển khai chậm trễ do chưa có kinh nghiệm trong mua sắm đấu thầu.
Một số ít các hoạt động mới chưa được hướng dẫn cụ thể về chứng từ thanh quyết toán. Chính sách về tài chính của dự án thay đổi hằng năm.
Do thiếu nhân lực có kinh nghiệm về đấu thầu mua sắm, công tác đấu thầu siết chặt nên tiến độ dự án bị chậm. Việc cán bộ rời bỏ ngành cũng là vấn đề với tỉnh trong việc đào tạo lớp cán bộ mới kế cận.
Là tỉnh giáp ranh TP Hồ Chí Minh, số ca nhiễm HIV chủ yếu tập trung vào nhóm MSM tại các khu công nghiệp, đa số là người ngoài tỉnh nên khó quản lý.
Trong khi đó, hiện tỉnh chưa triển khai được những mô hình tiếp cận nhóm này, chủ yếu phụ thuộc vào mạng lưới đồng đẳng viên phát hiện, giới thiệu khách hàng đến tư vấn.
Tỉnh Long An hiện có 4 phòng xét nghiệm khẳng định trường hợp nhiễm HIV. |
Ông Linh cũng bày tỏ quan ngại, tới đây khi dự án EPIC không còn tài trợ phần đồng chi trả xét nghiệm HIV sẽ là bài toán khó cho người bệnh vì đa số trường hợp phải điều trị dự phòng PrEP hay ARV đều là người nghèo, chi phí xét nghiệm cao.
"Nếu không còn được EPIC hỗ trợ, sẽ ảnh hưởng tới sự tuân thủ điều trị của người bệnh. Nếu các dự án không có nguồn tài trợ thì chúng tôi rất mong Trung ương có chính sách chỉ đạo nguồn ngân sách địa phương đồng chi trả cho đối tượng này.
Chúng tôi đề xuất tiếp tục được hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV và xét nghiệm tải lượng virus HIV qua bảo hiểm y tế", ông Linh bày tỏ.
CDC tỉnh Long An cũng đề xuất mở rộng hỗ trợ theo hiệu suất cho 100% Phòng khám và điều trị ngoại trú (OPC) trên địa bàn. Hiện nay mới chỉ có 4 OPC được hỗ trợ, còn 3/7 OPC chưa được hỗ trợ, điều này sẽ khó khích lệ được tinh thần cán bộ triển khai nhiệm vụ, có thể làm ảnh hưởng tới chất lượng điều trị.
Dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (EPIC) là dự án hợp tác giữa Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US.CDC) và Cục Phòng, chống HIV/AIDS (VAAC), Bộ Y tế Việt Nam trong khuôn khổ Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống AIDS (PEPFAR).
Mục tiêu chung của dự án là hỗ trợ Việt Nam triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhằm đạt được mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư nói chung dưới 0.3%; Đạt được mục tiêu 90-90-90 và hướng tới cơ bản chấm dứt đại dịch AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.
Long An là một trong 6 tỉnh, thành phố được dự án hỗ trợ để đạt mục tiêu 90-90-95. Các địa phương còn lại gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu.