Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/3, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2023 theo giá hiện hành ước đạt 583,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, vốn khu vực nhà nước ước đạt 153 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,2% tổng vốn đầu tư và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài nhà nước đạt 328,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 56,4%, tăng 1,8%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 101,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 17,4% và giảm 1,1%.
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I/2023 theo giá hiện hành tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước đã phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh trong nước có xu hướng chậm lại do tác động tiêu cực của nhiều yếu tố, như lạm phát trên thế giới, chính sách thắt chặt tiền tệ của các quốc gia.
Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê đánh giá, vốn đầu tư thực hiện của khu vực nhà nước tăng 11,5% cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc quyết liệt đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư công ngay từ các tháng đầu năm, nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn, mặc dù nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Thu hút 5,45 tỷ USD vốn FDI trong 3 tháng đầu năm
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/3, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, đạt 5,45 tỷ USD, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 298 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 777,5 triệu USD, cùng 405 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 438,1 triệu USD.
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 3 tháng đầu năm 2023, có 21 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 113,3 triệu USD, giảm 37,2% so với cùng kỳ năm trước; có 7 lượt dự án điều chỉnh vốn tăng 6,2 triệu USD, giảm 80,1%.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 119,5 triệu USD, giảm 43,5% so với cùng kỳ năm trước.
Thu-chi ngân sách nhà nước bảo đảm các nhu cầu phát triển
Tổng thu ngân sách nhà nước quý I/2023 ước đạt 491,5 nghìn tỷ đồng, bằng 30,3% dự toán năm và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thu nội địa đạt 411,8 nghìn tỷ đồng, bằng 30,9% và tăng 5,4%; thu từ dầu thô đạt 15,5 nghìn tỷ đồng, bằng 36,9% và giảm 11,4%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 64,2 nghìn tỷ đồng, bằng 26,9% và giảm 16,4%.
Tổng chi ngân sách nhà nước quý đầu năm ước đạt 363,4 nghìn tỷ đồng, bằng 17,5% dự toán năm và tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Trong đó, chi thường xuyên đạt 262,1 nghìn tỷ đồng, bằng 22,4% và tăng 5,4%; chi đầu tư phát triển đạt 73,2 nghìn tỷ đồng, bằng 10,1% và tăng 18,9%; chi trả nợ lãi 27,9 nghìn tỷ đồng, bằng 27,1% và giảm 3,4%.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, thu ngân sách nhà nước quý I năm nay ước tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chi ngân sách nhà nước ước tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022 đã bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế gặp nhiều thách thức ngay từ những tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh các mức lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và duy trì tăng trưởng.
Theo đánh giá của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, hoạt động kinh doanh bảo hiểm ổn định, trong khi thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng nhất định trước những biến động của kinh tế toàn cầu.
Tính đến thời điểm 20/3, tổng phương tiện thanh toán tăng 0,57% so với cuối năm 2022 (cùng thời điểm năm 2022 tăng 2,49%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,77% (cùng thời điểm năm 2022 tăng 2,15%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 1,61% (cùng thời điểm năm 2022 tăng 4,03%).
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Tổng doanh thu phí bảo hiểm quý I/2023 ước đạt 59.458 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 39.588 tỷ đồng, tăng 3,1%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 19.870 tỷ đồng, tăng 15,2%.
Trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 27/3, chỉ số VNIndex đạt 1.050,24 điểm, tăng 2,49% so với cuối tháng trước và tăng 4,28% so với cuối năm 2022; mức vốn hóa thị trường (đến ngày 28/2) đạt 5.310 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với cuối năm 2022.
Tính chung quý I/2023, giá trị giao dịch bình quân đạt 11.437 tỷ đồng/phiên, giảm 43,3% so với bình quân năm 2022. Thị trường cổ phiếu hiện có 758 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết; 857 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với tổng giá trị niêm yết và đăng ký giao dịch đạt 1.981 nghìn tỷ đồng, giảm 0,1% so với cuối năm 2022.
Trên thị trường trái phiếu, giá trị giao dịch bình quân trong tháng 3/2023 đạt 4.870 tỷ đồng/phiên, giảm 13,3% so với tháng trước; bình quân quý I/2023 đạt 4.740 tỷ đồng/phiên, giảm 38,3% so với bình quân năm 2022. Thị trường trái phiếu hiện có 453 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.807 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với cuối năm 2022.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, tính từ đầu năm đến ngày 16/3, khối lượng giao dịch bình quân của sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 304,965 hợp đồng/phiên, tăng 12% so với bình quân năm 2022; chứng quyền có bảo đảm đạt 20,87 triệu chứng quyền/phiên, giảm 36%.