Võ Văn Kiệt, tài năng - trí tuệ - dũng khí người con Nam Bộ, Thành đồng Tổ quốc

NDO - Năm 1947, anh Võ Văn Kiệt về làm Bí thư Huyện ủy Phước Long (thay cho đồng chí Hồng Dân hy sinh, sau đó huyện này đổi tên thành huyện Hồng Dân). Khi anh Kiệt là Bí thư Huyện ủy Hồng Dân, tôi là cán bộ xã Phong Thạnh Tây (lúc đó xã này trực thuộc huyện Phước Long, tỉnh Rạch Giá).
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 14/11/1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm và làm việc tại công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Mơ (Sông Bé). (Ảnh: Minh Đạo/TTXVN)
Sáng 14/11/1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm và làm việc tại công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Mơ (Sông Bé). (Ảnh: Minh Đạo/TTXVN)

Khi có cuộc họp Huyện ủy mở rộng và anh Kiệt xuống xã công tác, tôi mới có điều kiện gặp gỡ, trao đổi công tác với anh.

Qua nhiều lần làm việc, tôi mới biết phong cách của anh Kiệt vừa sâu sát cơ sở, vừa dân chủ, chân thành, cởi mở, dễ gần gũi. Do đó, anh được bạn bè, đồng bào, đồng chí kính yêu, khâm phục. Nhờ đức độ và tài năng xuất sắc của anh Kiệt, nên từ lúc bấy giờ tôi đã nhận thấy anh là một cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo có tầm cỡ của Đảng.

Sau đó, anh Kiệt về công tác ở các tỉnh Rạch Giá, Bạc Liêu (cũ), chúng tôi không có điều kiện gặp nhau. Đến khi ký kết Hiệp định Giơnevơ năm 1954, anh Kiệt về làm Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu thay đồng chí Ung Văn Khiêm được Trung ương điều động đi nhận nhiệm vụ mới.

Tỉnh Bạc Liêu (cũ) là vùng tập kết 200 ngày ở Nam Bộ. Tôi có dịp gặp lại anh Kiệt ở xã Phong Thạnh Tây, huyện Giá Rai. Lần gặp này hết sức thân mật, như người nhà. Trong cuộc gặp, anh em chuyện trò với nhau, anh Kiệt nói về thắng lợi của Hiệp định Giơnevơ, nói về chuyển hướng hoạt động bí mật ởthời kỳ chính quyền Sài Gòn tạm thời quản lý miền Nam Việt Nam, kẻ thù của chúng ta sẽ lật lọng, khó có khả năng hiệp thương tổng tuyển cử theo Hiệp định; do đó, ta phải hết sức cảnh giác cách mạng, hoạt động đúng phương châm bí mật, vận dụng linh hoạt năm bước công tác và dựa vào quần chúng mới tồn tại được; đồng thời, hướng dẫn quần chúng đấu tranh chống khủng bố, chống bắt, giết cán bộ, đòi đối phương thực hiện dân sinh dân chủ, đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ… Những vấn đề anh Kiệt trò chuyện với tôi và nhiều đồng chí khác, đến khi chuyển hướng hoạt động bí mật, nhất là từ năm 1956 đến năm 1959, địch mở nhiều chiến dịch tố cộng, diệt cộng, thực hiện Luật 10/59 là thời kỳ cách mạng miền Nam ở vào tình thế hiểm nghèo, tôi suy ngẫm có tác dụng rất lớn, từ đó thấy rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, nhất là việc đánh giá đúng bản chất của kẻ thù.

Trong thời điểm này (1954), tôi biết Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu, dưới sự chỉ đạo của anh Võ Văn Kiệt, tiến hành hai nhiệm vụ quan trọng. Đó là tổ chức, sắp xếp lực lượng đi tập kết ra miền Bắc, đồng thời tổ chức lại tổ chức đảng và cán bộ ở lại hoạt động ở miền Nam cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới. Vấn đề đặc biệt quan trọng là xây dựng vùng nông thôn và thành thị của tỉnh trở thành vùng tiêu biểu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của chế độ ta, trọng điểm là thị trấn Cà Mau, các huyện Giá Rai, Thới Bình, Trần Văn Thời. Kết quả là những huyện này mỗi xã đều có nhà bảo sanh, trạm y tế. Mặt khác, ta tiếp tục tạm cấp ruộng đất cho nông dân mà trước đó chưa cấp và tổ chức nhiều lớp học bình dân học vụ cho những người chưa biết chữ…Việc làm này đến sau tập kết có ý nghĩa chính trị rất lớn, tăng thêm lòng tin tưởng của nhân dân đối với Đảng và có tác dụng không kém hơn năm 1949-1950 ta tạm cấp đất cho nông dân, đúng như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nói: “Ta tạm cấp ruộng đất cho nông dân là lá bùa hộ mệnh cho cán bộ ở lại hoạt động miền Nam".

Những vấn đề anh Kiệt trò chuyện với tôi và nhiều đồng chí khác, đến khi chuyển hướng hoạt động bí mật, nhất là từ năm 1956 đến năm 1959, địch mở nhiều chiến dịch tố cộng, diệt cộng, thực hiện Luật 10/59 là thời kỳ cách mạng miền Nam ở vào tình thế hiểm nghèo, tôi suy ngẫm có tác dụng rất lớn, từ đó thấy rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, nhất là việc đánh giá đúng bản chất của kẻ thù.

Cuối năm 1969, anh Kiệt có quyết định của Trung ương điều về làm Bí thư Khu ủy Khu 9, nhưng đến cuối năm 1970, anh Kiệt mới về Khu 9. Khi về Khu 9, anh làm việc với tỉnh Cần Thơ khoảng một tháng, sau đó anh đến làm việc với Ban Chấp hành Tỉnh ủy Sóc Trăng vào đầu tháng 2-197l. Anh ở rạch Cái Cui, hiện nay là ấp Ngô Kim, xã Thành Lợi, huyện Hồng Dân (tại xóm nhà anh Tư Biền) hơn một tháng để phổ biến Chỉ thị số 01/71-CT của Trung ương Cục miền Nam và kiểm điểm tình hình địch - ta từ sau Tết Mậu Thân năm 1968.

Khi anh Kiệt đến làm việc với tỉnh Sóc Trăng, tình hình hết sức khó khăn. Vùng nông thôn giải phóng bị địch bình định lấn chiếm hầu hết. Ta mất đất, mất dân, mất hết căn cứ của tỉnh, huyện, xã, do đó, 2/3 số xã cán bộ xã phải ly hương, cán bộ, đảng viên và nòng cốt, cốt cán bị thiệt hại nặng, du kích, dân quân tự vệ ấp, xã chiến đấu chỉ còn trên danh nghĩa, các tiểu đoàn lực lượng vũ trang của tỉnh và địa phương mất sức chiến đấu, vừa thiếu quân số vừa cạn kiệt súng đạn, không bổ sung được quân số…

Trước tình hình khó khăn phức tạp đó, trong Tỉnh ủy ý kiến đánh giá tương quan lực lượng giữa ta và địch còn khác nhau; có ý kiến chủ quan cho rằng thế và lực của ta còn mạnh hơn địch. Do ý kiến khác nhau đó, nên ta chậm chuyển hướng hoạt động của lực lượng chính trị - vũ trang cho phù hợp với điều kiện là mất đất, mất dân, mất vùng căn cứ. Hội nghị này kéo dài hơn một tháng, anh Kiệt đặt ra nhiều vấn đề hóc búa để Tỉnh ủy thảo luận. Sau cùng, anh Kiệt phân tích, kết luận, đề ra định hướng và các giải pháp, tập trung cho nhiệm vụ trọng tâm đánh phá bình định, chuyển thế từ bị động lên chủ động, chuẩn bị cho chiến dịch năm 1972 và đưa cán bộ tỉnh, huyện về xây dựng, khôi phục lại cơ sở, “tất cả cho cơ sở", “tất cả cho chiến thắng"...

Trong hội nghị này, anh Kiệt đã giải quyết nhiều vấn đề cơ bản, trước hết tạo được sự thống nhất trong Tỉnh ủy về đánh giá địch-ta sau Tết Mậu Thân năm 1968 và ý kiến kết luận của anh Kiệt có tính thuyết phục. Trong Tỉnh ủy nhất trí cao và cho rằng anh Võ Văn Kiệt có tư duy sắc sảo, sát thực tiễn, đánh giá đúng bản chất kẻ thù... Do vậy, trong Tỉnh ủy phấn khởi, tin tưởng, quyết tâm thực hiện theo sự chỉ đạo của anh Kiệt, Sóc Trăng sẽ tạo thế và lực mới để chuẩn bị cho chiến dịch năm 1972.

Tại hội nghị này, tôi với anh Kiệt có kỷ niệm khó quên là bị một trận bom suýt chút nữa thì “toi mạng". Trái bom máy bay địch ném cách nơi tôi và anh Kiệt trú ẩn khoảng 6-7m, nhờ hầm làm bằng bê tông cốt thép mà chúng tôi thoát chết. Qua đợt bom, tôi lên quan sát thấy còn một phi đội thứ ba. Tôi xuống hầm báo cáo với anh Kiệt là ta ở đây an toàn, địch tiếp tục bỏ bom ởphía trái trước mặt ta, chắc chúng không đổ quân. Chúng bỏ bom để yểm trợ cho đồng bọn đóng thêm đồn ở gần chùa Cái Thum và kinh xáng Nhà Lậu cách đây khoảng 2 cây số, thuộc xã Ninh Thành Lợi. Anh Kiệt nói: "Ông là Bí thư Tỉnh ủy chớ đâu phải Bộ Tham mưu ngụy Sài Gòn mà nói chắc như vậy?".

Sau khi làm việc xong với Tỉnh ủy Sóc Trăng, anh Kiệt về làm việc ở Khu ủy. Vào thời điểm này, Trung ương Cục tăng cường anh Kiệt về đây là có nhiều cái thuận vì tình hình Tây Nam Bộ có nhiều khó khăn, anh là cán bộ lãnh đạo đã từng nhiều năm lăn lộn chiến đấu ở miền Tây Nam Bộ, hiểu biết nhiều cán bộ ở khu và các tỉnh, hiểu rất sâu về tôn giáo, dân tộc; anh rất thông thạo về đường đi, nước bước của các tỉnh nên có nhiều thuận lợi về mặt lãnh đạo và chỉ đạo.

Về khu, anh Kiệt triệu tập cuộc Hội nghị Khu ủy mở rộng do anh chủ trì để phổ biến Chỉ thị 01/71-CT của Trung ương Cục và kiểm điểm tình hình địch -ta sau Tết Mậu Thân năm 1968 và kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Khu ủy. Tại hội nghị này, anh Kiệt giải quyết được vấn đề cơ bản mà trước đó vướng mắc, nhất là sai lầm chủ quan, duy ý chí, không đánh giá đúng tương quan lực lượng giữa hai bên, cứ tiếp tục tấn công vào thành thị. Trong khi đó, địch tiến hành “bình định cấp tốc" (vào cuối năm 1968 - đầu năm 1969), đóng đồn bốt ở hầu hết vùng nông thôn giải phóng. Ta mất đất, mất dân, mất vùng căn cứ, chỉ còn căn cứ U Minh, lực lượng vũ trang quân khu và các tỉnh mất sức chiến đấu, cán bộ, đảng viên và các tổ chức quần chúng bị thiệt hại nặng, nhiều xã cán bộ, đảng viên ly hương, tư tưởng diễn biến khá phức tạp, cố thủ, không dám bung ra hoạt động, xa rời quần chúng... Điểm nổi bật của anh Kiệt trong cuộc họp này là tạo được sự thống nhất cao trong Khu ủy, Quân khu ủy và các địa phương. Đó là thắng lợi bước đầu tạo ra sức mạnh mới của toàn khu.

Đêm mùng 6 rạng ngày mùng 7/4/1972, ta đồng loạt tấn công địch, lấy tên là chiến dịch Nguyễn Huệ, gồm 6 cao điểm, 2 trọng điểm (trọng điểm 1 ở Chương Thiện-U Minh, trọng điểm 2 ở Vĩnh Long -Trà Vinh). Trong tấn công, ta vận dụng ba mũi giáp công đánh địch giành thắng lợi lớn, toàn diện, giải phóng toàn bộ vùng nông thôn mà trước đó địch bình định lấn chiếm, có tỉnh còn mở rộng thêm vùng giải phóng mới, giành lại đất và dân, khôi phục lại cơ sở xã, ấp đưa đảng viên, cán bộ ly hương về bám địa bàn. Đặc biệt, 2 trọng điểm mở rộng vùng giải phóng đạt yêu cầu, mỗi trọng điểm mở rộng giải phóng liên hoàn 2 -3 huyện; địch chỉ còn chiếm đóng một số con đường giao thông và thị trấn.

Chiến dịch bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 8/1972, ta tiêu diệt 4 chi khu, 2 yếu khu, 6 căn cứ trung đoàn, tiểu đoàn; diệt, bức hàng, bức rút khởi nghĩa trên 900 đồn bốt của địch.

Thắng lợi này là của sự quyết tâm của Đảng bộ, quân và dân Tây Nam Bộ, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy và Quân khu ủy, trước hết là anh Võ Văn Kiệt. Anh Kiệt có tư duy chính trị sắc sảo, là nhà lãnh đạo tài năng, sáng tạo. Tuy về làm Bí thư Khu ủy Khu 9 thời gian ngắn (1970-1973), nhưng anh Kiệt đã chỉ đạo Tây Nam Bộ đánh địch làm thay đổi cục diện chiến trường Tây Nam Bộ, từ thế bị động, lúng túng, chuyển thành thế chủ động; tạo ra bước ngoặt mới, hình thành thế chiến lược của cuộc chiến tranh nhân dân, tạo thế và lực cho chặng đường tiếp theo.

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Pari được ký kết và đến ngày 28/1/1973 có hiệu lực, hai bên ngừng bắn tại chỗ. Thế nhưng Hiệp định ký kết chưa ráo mực, Mỹ-ngụy ồ ạt đưa quân càn quét, đóng đồn bốt, thực hiện kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”, cắm cờ lấn đất, giành dân làm cho tình hình hết sức căng thẳng. Nắm bắt tình hình nhạy bén và đánh giá đúng bản chất của kẻ thù, anh Võ Văn Kiệt chỉ thị cho các tỉnh và lực lượng vũ trang quân khu đứng vững trên địa bàn, dựa vào dân khi đồn bốt bung ra và quân chủ lực địch đi cùng càn quét chiếm đất, giành dân thì ta cương quyết đánh trả, để bảo vệ dân và giữ đất, nếu ta để mất đất, mất dân là có tội với nhân dân, với Đảng.

Vào tháng 4/1973, có cuộc Hội nghị binh vận miền Nam được phổ biến: Binh vận làm êm dịu, “lòng đỏ vỏ xanh” và đề ra năm cấm chỉ: cấm tấn công địch; cấm đánh địch càn quét, lấn chiếm; cấm bắn pháo vào đồn địch; cấm bao vây đồn bốt; cấm xây dựng ấp, xã chiến đấu.

Anh Võ Văn Kiệt và Thường vụ Khu ủy đã chỉ thị binh vận là khu không phố biến chủ trương năm cấm chỉ và binh vận khu tiếp tục thực hiện chủ trương của Khu ủy. Đây là chủ trương sáng suốt là của anh Kiệt, cũng là bản lĩnh người lãnh đạo có tầm chiến lược.

Vào tháng 5/1973, đối phương thực hiện kế hoạch bình định vùng Chương Thiện. Chúng đưa hàng chục tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn chủ lực bình định Vị Thanh, Long Mỹ (Cần Thơ); Giồng Riềng, Gò Quao, Vĩnh Thuận (Kiên Giang), Hồng Dân (Sóc Trăng); trọng điểm ở các xã Xà Phiên, Vĩnh Viễn, Lương Tâm hòng chiếm đất, giành dân, xóa vùng giải phóng.

Trong bối cảnh cực kỳ khó khăn, phức tạp đó, Khu ủy và Quân khu ủy chủ trương phải kiên quyết đánh trả, phải tiếp tục tấn công địch để giữ đất, bảo vệ dân, giành quyền làm chủ, mở rộng vùng giải phóng. Quân khu ủy đưa một trung đoàn bộ binh chủ lực của quân khu, kết hợp với các lực lượng vũ trang các tỉnh và dân quân du kích tại chỗ tấn công địch bằng ba mũi giáp công. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tư lệnh Quân khu, ta đã chiến đấu rất ác liệt với địch. Địch đóng đồn, ta tiêu diệt, chúng càn quét, ta đánh càn quét… giằng co kéo dài khoảng một tháng. Ta đánh bại 75 tiểu đoàn của địch với ý đồ lấn chiếm, “tràn ngập lãnh thổ”. Kế hoạch bình định lấn chiếm vùng Chương Thiện của Nguyễn Văn Thiệu đã hoàn toàn thất bại.

Đánh thắng 75 tiểu đoàn địch ở Chương Thiện năm1973 là thắng lợi của sự lãnh đạo, chỉ huy tài năng và quyết đoán của Khu ủy và Quân khu ủy Khu 9, mà trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy là Phó Bí thư Khu ủy - Tư lệnh Quân khu Lê Đức Anh, vị Tư lệnh tài năng, thao lược ở chiến trường.

Sau ngày giải phóng 30/4/1975, đất nước hòa bình, độc lập, thống nhất, tôi và anh Võ Văn Kiệt lần lượt ra Hà Nội công tác. Anh ra trước, còn tôi đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) mới ra. Dịp may hiếm có, tôi và anh Kiệt ở cạnh nhau trên một đường phố mang tên người anh hùng dân tộc - phố Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội. Ra Hà Nội anh Kiệt giữ nhiều cương vị công tác khác nhau. Là Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, anh cùng Bộ Chính trị lãnh đạo khắc phục khó khăn đưa đất nước từng bước tiến lên theo con đường Bác Hồ đã chọn và tích cực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ chủ quyền, độc lập dân tộc…

Tên tuổi anh Võ Văn Kiệt gắn liền với các công trình có ý nghĩa then chốt và lịch sử mà anh đề xuất và chỉ đạo thực hiện, đó là: công trình đường điện 500 kV Bắc-Nam, công trình dầu khí, cầu Mỹ Thuận, khí-điện-đạm Cà Mau, công trình thoát lũ và xây dựng cụm tuyến dân cư vùng Tứ giác Long Xuyên, công trình khai thác Đồng Tháp Mười, công trình thủy lợi bán đảo Cà Mau - tuy công trình này không đạt yêu cầu như mong muốn nhưng để lại dấu ấn Võ Văn Kiệt.

Tôi còn nhớ khi bắt đầu xây dựng đường điện 500kV không phải dễ dàng. Có nhiều ý kiến khác nhau (đồng tình và không đồng tình), có những đồng chí lãnh đạo cấp cao phát biểu trong cuộc họp Quốc hội đề nghị kiểm điểm thi hành kỷ luật anh Kiệt, với nhiều lý do khác nhau, trong đó có nói anh Kiệt làm sai luật vì chưa được Quốc hội thông qua. Nhưng thái độ của anh Kiệt bình tĩnh, vô tư, không định kiến...

Khi làm Thủ tướng, anh Kiệt rất trăn trở làm thế nào để giải quyết tốt nhất vấn đề lương thực, đảm bảo cho dân đủ ăn và xuất khẩu. Nhiều lần trao đổi với tôi (lúc đó tôi trong Ban Bí thư, làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương), anh Kiệt nói: "Tôi tiếp tục chỉ đạo khẩn trương để khai thác Đồng Tháp Mười vì đây là vựa lúa lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long, còn ông nghiên cứu đổi mới cơ chế chính sách đối với nông nghiệp" (sau đó có Nghị quyết 10). Xuất phát từ đó, anh Kiệt chỉ đạo khai thác Đồng Tháp Mười để góp phần giải quyết lương thực cho cả nước. Khai thác Đồng Tháp Mười là ý chí táo bạo của anh Kiệt, vì vùng này “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lên như bánh canh", trên đồng cỏ năn, đất và kênh nước phèn độ cao. Vậy mà ta đã khai thác trở thành vùng trọng điểm có sản lượng lúa cao nhất ở đồng bằng sông Cửu Long.

Vào tháng 4/2008, tôi và anh gặp nhau tại tỉnh Hậu Giang. Sau khi dự cuộc míttinh kỷ niệm ngày 30/4, về phòng nghỉ, anh trò chuyện với tôi. Anh nói: "Tôi đã ghi trong sổ tay: khi tôi mất, thiêu ở Sài Gòn, tro của tôi đem rải xuống sông Sài Gòn, đoạn sông mà hai con tôi và vợ tôi bị thảm sát năm 1966". Và anh nói tiếp: “Thằng Dũng con đầu lòng cũng hy sinh". Anh nói đến đây, thấy anh buồn, tôi vội vã nói: “Khi anh còn sống thì ở trong tổ chức, khi anh mất do tổ chức định đoạt, chớ anh định đâu có được".

Khai thác Đồng Tháp Mười là ý chí táo bạo của anh Kiệt, vì vùng này “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lên như bánh canh", trên đồng cỏ năn, đất và kênh nước phèn độ cao. Vậy mà ta đã khai thác trở thành vùng trọng điểm có sản lượng lúa cao nhất ở đồng bằng sông Cửu Long.

Sau đó, anh Kiệt thân mật vỗ vai tôi nói: "Lần này tôi cùng ông đi vào vùng căn cứ để thăm đồng bào, đồng chí xem đời sống thay đổi như thế nào". Tôi tán thành và hứa sẽ chuẩn bị đi bằng tàu nhỏ, chở khoảng 5-10 người, ăn uống tự lực, hành trình đi từ Hậu Giang đến Vĩnh Thuận đến thăm căn cứ Xứ ủy ở Kinh 7, sau đó đến chợ Hội đi ngược về huyện Hồng Dân, thăm xã Ninh Thạnh Lợi, Vĩnh Lộc và Huyện ủy Hồng Dân, rồi về huyện Long Mỹ thì kết thúc. Anh tán thành và nói: "Tôi về, sẽ ra Hà Nội rồi về Sài Gòn đi Hà Lan nghiên cứu về đê bao và thủy lợi, xem và vận dụng cho đồng bằng ứng phó biến đổi khí hậu”. Nhưng chưa đi Hà Lan thì anh mất. Tôi rất thương anh. Anh có tấm lòng về vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng để thăm bà con, xem đời sống vật chất, tinh thần của bà con thay đổi như thế nào. Anh ra đi đột ngột, ai biết cái chết bất ngờ!

Kế hoạch đi vùng căn cứ, tuy chưa kịp thực hiện như ý nguyện anh đã bàn với tôi nhưng dự kiến của chuyến đi lịch sử đó còn ghi dấu ấn mãi mãi.

Từ khi rời khỏi mọi chức vụ trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, anh vẫn duy trì phong cách bình dị, lúc nào cũng quan tâm đến đất nước và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Do vậy, anh thường xuyên đi các tỉnh Bắc-Trung -Nam, vừa thăm đồng chí, đồng bào, vừa nắm tình hình kinh tế-xã hội, có những vấn đề quan trọng kiến nghị đề xuất với Bộ Chính trị. Anh đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng Đảng và công tác cán bộ. Anh băn khoăn về những khuyết điểm nghiêm trọng trong Đảng chưa được khắc phục, nhất là đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, làm giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, với chế độ ta.

Đối với anh Kiệt, tôi yêu quý và kính trọng, vì anh là một trong những đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước có phong cách độc đáo, là con người hành động, có tư duy đổi mới, thực tiễn, tài năng, sáng tạo, đức độ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; con người nhân hậu, bình dị, gần gũi với mọi người, nhưng rất thẳng thắn, kỷ luật, kỷ cương; con người có tấm lòng rộng lượng đối với những người có sai lầm, khuyết điểm quyết tâm khắc phục, sửa chữa.

Anh Võ Văn Kiệt có tấm lòng nhân ái, độ lượng, có ý thức sâu sắc về tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Bác Hồ.

Anh Kiệt không những chỉ quan tâm về chính trị, kinh tế-xã hội mà còn quan tâm tới báo chí, văn hóa, văn nghệ. Khi anh về Khu 9, các đoàn văn công của khu gần như tan rã do chiến tranh quá ác liệt, chỉ sau một năm đã được khôi phục lại. Còn với lĩnh vực báo chí, văn nghệ, có lần anh gọi Út Triều, Nguyễn Bá, Thanh Trần, Tư Mới... là những người làm báo chí, văn nghệ lên, nói với anh em rằng, báo chí, văn nghệ cần theo sát chiến trường để sáng tác nhiều tác phẩm tốt phục vụ đồng bào, chiến sĩ ta; đồng thời theo sát âm mưu của địch mà dùng ngòi bút vạch trần các thủ đoạn xảo quyệt của chúng.

Anh Võ Văn Kiệt sống rất đơn giản, thích những món thức ăn dân dã như rắn, rùa, cá lóc nướng trui, mắm kho ăn với đọt choại.

Năm nay kỷ niệm 90 năm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người lãnh đạo tài năng, xuất sắc, kiên cường của thời kỳ chống Mỹ và thời kỳ đổi mới, càng thương nhớ anh vô cùng!