Anh Võ Văn Kiệt - con người của ý chí và hành động

NDO - Trong cuộc đời làm cách mạng, bạn bè, đồng chí thì nhiều nhưng với anh Võ Văn Kiệt, điều tôi tâm đắc nhất là ý chí và hành động cách mạng của anh luôn gắn với nhau. Đó là đặc điểm lớn nhất của anh.
0:00 / 0:00
0:00
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh và nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thời điểm chụp là sau Đại hội Đảng VII. (Nguồn: CAND/VOV)
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh và nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thời điểm chụp là sau Đại hội Đảng VII. (Nguồn: CAND/VOV)

Với anh, lời nói và việc làm luôn đi đôi với nhau và biến thành hành động quyết liệt. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào anh cũng vượt qua mọi khó khăn, vượt qua mọi gian nan trở ngại để hoàn thành bằng được nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Chính ý chí và hành động cách mạng của anh có sức lôi cuốn, chinh phục lòng người, đoàn kết, động viên được một lực lượng chiến đấu, lao động quên mình trong sự nghiệp giải phóng đất nước và xây dựng Tổ quốc.

Cuối năm 1963, tôi trở về chiến trường Nam Bộ - nơi đã gắn bó tử sinh cả tuổi thanh xuân của tôi cùng với đồng bào, đồng chí chiến đấu trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp. Tôi được Trung ương cử vào Bộ Chỉ huy miền (lúc đó gọi mật danh là B2) đảm trách Tham mưu trưởng.

Đầu năm 1964, khi làm kế hoạch quân sự, tôi có làm việc với anh Kiệt lúc đó làm Bí thư Khu ủy Sài Gòn-Gia Định. Tôi thấy anh Kiệt có đầu óc độc lập suy nghĩ. Cái quý nhất trong lãnh đạo cách mạng lúc bấy giờ được anh chủ động đề ra là phải xây dựng được lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang trong nội thành Sài Gòn-Gia Định. Vũ trang là xây dựng đội biệt động giữa Sài Gòn, nhất thiết phải lấy người tại chỗ, tức là người ở ngay trong lòng đô thị. Đây là việc khó, nhưng anh Kiệt đã chỉ đạo làm và quyết tâm làm đến cùng. Những đội biệt động Sài Gòn được thành lập và trở thành một lực lượng vũ trang đặc biệt nằm ngay trong sào huyệt của địch. Việc xây dựng lực lượng chính trị, anh đề nghị với Trung ương Cục điều các đồng chí trưởng ngành về Sài Gòn hoạt động. Anh theo sát các đồng chí này và trực tiếp chỉ đạo để xây dựng lực lượng chính trị. Chị Hai phụ trách phụ nữ Miền lúc bấy giờ cũng vào nội thành để chỉ đạo hoạt động cách mạng ngay trong lòng địch.

Khi đã có chủ trương của Đảng, anh thường có nhiều sáng kiến về tổ chức thực hiện và làm cho bằng được. Có người còn do dự, còn cho là khó khăn, nhưng anh luôn sẵn sàng và dứt khoát. Chủ trương đúng là làm, dù có cái được cái mất. Nhưng do ý chí và quyết tâm của anh rất cao, nên bao giờ cái được cũng nhiều hơn, lớn hơn. Lúc chị Hai phụ trách phụ nữ Miền bị hy sinh và nhiều tổn thất khác trong nội thành, nhưng anh vẫn kiên trì động viên anh em xây dựng lực lượng chính trị trong thanh niên, phụ nữ, công đoàn, người Hoa ở Sài Gòn. Anh luôn sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn trở ngại và cả đau thương mất mát của bản thân mình. Trong lúc hàng nghìn đồng bào ta bị giết hại trong đó có vợ và những người con yêu quý của mình, song anh vẫn hăng hái và sẵn sàng vượt qua nỗi đau để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

Anh luôn sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn trở ngại và cả đau thương mất mát của bản thân mình. Trong lúc hàng nghìn đồng bào ta bị giết hại trong đó có vợ và những người con yêu quý của mình, song anh vẫn hăng hái và sẵn sàng vượt qua nỗi đau để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

Do làm tốt được việc xây dựng lực lượng nên khi Mỹ chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ, thì ta đã có sẵn lực lượng trên cả ba vùng, góp phần đánh bại mọi ý đồ của địch. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, chủ yếu là lực lượng tại chỗ đương đầu. Lực lượng biệt động Sài Gòn đã tham gia đánh nhiều trận vang dội đến cả nước Mỹ làm thế giới, làm cho phong trào chống chiến tranh ở Mỹ nổi lên mạnh mẽ. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ buộc Mỹ phải chuyển sang chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Người nhận thức sớm được sự chuyển hóa này là anh Kiệt. Anh đã kịp thời chỉ đạo cách mạng phải bám vào vùng đông dân mà hoạt động. Khi Mỹ-ngụy gom dân lập ấp chiến lược, anh đã chỉ đạo phải bám dân, nắm cho được dân mà đánh địch và xây dựng lực lượng cách mạng.

Đến cuối năm 1968, đầu năm 1969, cách mạng miền Nam đứng trước những thử thách vô cùng nghiêm trọng. Tình hình Quân khu 9 lúc này rất khó khăn, phức tạp, ý chí và hành động của anh Kiệt lại một lần nữa thể hiện ở chiến trường ác liệt này. Đầu năm 1969, tôi được cấp trên giao nhiệm vụ làm Tư lệnh Quân khu 9 thay anh Đồng Văn Cống. Cuối năm 1970, trên điều anh Kiệt xuống Quân khu 9 thay anh Ba Bường làm Bí thư Khu ủy. Tôi có tên bí danh là "Chín Hòa", anh Kiệt có tên là "Tám Thuận", khi ráp tên tôi là Hòa với tên mới của anh Kiệt là Thuận thành cặp "Hòa-Thuận" - một sự trùng hợp ngẫu nhiên như có lương duyên suốt quá trình công tác với nhau. Trước tình hình khó khăn của Quân khu 9, anh Kiệt và tôi sát cánh cùng Thường vụ Khu ủy lãnh đạo Quân khu vượt qua khó khăn, khôi phục lại thế và lực, tạo nên sự chuyển biến mới. Từ chỗ bị địch lấn chiếm gần hết đất, hết dân (còn khoảng 2.000 dân), hoàn toàn nằm trong thế bị động chống đỡ địch đánh phá, Quân khu 9 đã gượng dậy và chuyển dần sang chủ động tiến công địch, đánh bại bước đầu chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ-ngụy.

Ngày 28/1/1973, Hiệp định Paris có hiệu lực, theo quy định hai bên ngừng bắn tại chỗ. Anh Kiệt thống nhất với Bộ Tư lệnh Quân khu đánh giá tình hình: "Địch ngoan cố tiếp tục chiến tranh" và chỉ thị cho các đơn vị kiên quyết đánh địch vi phạm Hiệp định. Đúng như dự kiến của Bộ Tư lệnh Quân khu, Nguyễn Văn Thiệu ngoan cố không thi hành Hiệp định Paris và ra lệnh cho Quân đoàn 4 ngụy tiếp tục bình định lấn chiếm. Chúng tập trung nhiều tiểu đoàn quyết giữ Chương Thiện làm bàn đạp để mở rộng, tái bình định các vùng đã mất. Lúc này, Thường vụ Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền lệnh cho Quân khu 9 giảm bởi căng thẳng với địch, rút một trung đoàn ngăn chặn tuyến trước về phía sau và các lệnh (từ điện 03, 04, 07) không chỉ cho Quân khu mà trực tiếp xuống các tỉnh đội và tỉnh ủy.

Trước tình hình khó khăn nổi cộm phải xử lý, anh Kiệt đã nhất trí với tôi một mặt quyết đánh ghìm giữ địch ở Chương Thiện, không rút trung đoàn ở tuyến trước về. Đồng thời, chúng tôi cho triệu tập ngay cán bộ lãnh đạo và chỉ huy các tỉnh đội từ phía nam sông Hậu, thông báo và lệnh cho các tỉnh tiếp tục thực hiện chủ trương của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 9, chờ lệnh mới. Tôi và anh Kiệt chủ trì phần họp hỏa tốc với các tỉnh, thông báo tình hình, nêu rõ chủ trương của Thường vụ Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu. Hội nghị đã kết thúc, tất cả đều nhất trí cao với hai yêu cầu về trách nhiệm:

Một là, mệnh lệnh trên hết lúc này trong toàn Quân khu là kiên quyết phá bằng được âm mưu phá hoại Hiệp định Paris của Mỹ-Thiệu, không được để mất đất, mất dân, không có bất cứ mệnh lệnh nào cao hơn.

Hai là, Khu ủy và Quân khu chịu trách nhiệm trước cấp trên, các tỉnh phải chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Quân khu, của tư lệnh chiến trường.

Sau hội nghị, anh Kiệt xúc động nói với tôi: trong tình hình nước sôi lửa bỏng mà ý kiến trên dưới lại thống nhất cao và nhanh như vậy, điều đó chứng tỏ là những cán bộ phụ trách của các địa phương sâu sát với hơi thở cuộc sống của quân và dân ở chiến trường, đặc biệt ý chí và lòng tin của họ đối với chỉ huy quân khu.

Anh Kiệt đã cùng Khu ủy và chỉ huy Quân khu lãnh đạo quân và dân Quân khu 9 lần lượt đánh bại 75 tiểu đoàn địch; đánh bại kế hoạch "Tràn ngập lãnh thổ", lấn chiếm miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là địa bàn Chương Thiện. Nhờ vậy Quân khu đã vượt qua được thử thách lớn và được đánh giá công bằng từ Trung ương Cục, Quân ủy Miền và Trung ương Đảng.

Cuối năm 1973, tôi lại trở về Bộ Chỉ huy Miền và anh Kiệt được rút về Trung ương Cục. Tháng 10/1974, Trung ương Cục nhận được điện của Bộ Chính trị gọi hai anh Phạm Hùng (Bí thư Trung ương Cục) và anh Trần Văn Trà (Tư lệnh Bộ Chỉ huy Miền) ra Hà Nội họp. Trước khi đi, Trung ương Cục giao cho anh Kiệt thường trực bên Trung ương Cục và giao cho tôi thay vị trí chỉ huy của anh Trà. Anh Kiệt cùng chúng tôi lãnh đạo, chỉ huy các lực lượng Bộ bước vào cuộc chiến đấu mùa khô theo kế hoạch. Lực lượng B2 đã đánh thắng địch ở Đồng Xoài-đường 14-Phước Long.

Chiến thắng Đồng Xoài-đường 14-Phước Long có ý nghĩa là "trận trinh sát chiến lược" thăm dò khả năng quân ngụy và sự can thiệp của Mỹ, làm sáng tỏ hơn những cơ sở để Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam.

Sau khi đánh được Phước Long, chúng tôi lại bắt tay vào xây dựng kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn. Để thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị về kết hợp đòn tiến công quân sự với phong trào nổi dậy của quần chúng, Trung ương Cục cử anh Võ Văn Kiệt chuyên lo vấn đề tổ chức và chỉ đạo kế hoạch nổi dậy của quần chúng phối hợp với cuộc tiến công của các binh đoàn chủ lực ta vào thành phố. Rồi chúng tôi cùng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với chiến thắng 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Kết thúc giai đoạn quân quản, anh Kiệt được phân công làm Chủ tịch ủy ban nhân dân cách mạng Thành phố Sài Gòn. Tháng 5/1978, tôi làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7. Giai đoạn này, chúng tôi lại hợp tác với nhau giải quyết các vấn đề an ninh và bảo vệ Thành phố Hồ Chí Minh, bảo vệ biên giới Tây Nam...

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, chúng tôi cùng được phân công giữ những trọng trách của đất nước: Anh Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng Chính phủ, tôi giữ cương vị Chủ tịch nước. Chúng tôi lại cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu, vận dụng vào công cuộc đổi mới xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Ý chí và nhiệt huyết sống của anh Kiệt chuyển hóa thành hành động: "Mọi chủ trương và việc làm đều vì nước phồn vinh, mọi tầng lớp nhân dân được sung sướng".

Quan niệm ở anh, phồn vinh là hạnh phúc của nhân dân không chỉ là lý thuyết, mà phải là hiện thực trong cuộc sống. Độc lập, tự do, thống nhất là tư tưởng xuyên suốt trong lãnh đạo, điều hành đất nước của anh. Điều này thể hiện rõ nhất là khi làm Thủ tướng, anh đã chỉ đạo hình thành các tổng công ty mạnh, thể hiện quan điểm kinh tế nhà nước phải luôn giữ vai trò chủ đạo, hoặc cho các đơn vị quân đội làm kinh tế kết hợp với quốc phòng.

Ý chí và nhiệt huyết sống của anh Kiệt chuyển hóa thành hành động: "Mọi chủ trương và việc làm đều vì nước phồn vinh, mọi tầng lớp nhân dân được sung sướng".

Các công trình lớn mang dấu ấn của anh: Công trình đường dây tải điện 500kV Bắc-Nam là một trong những công trình trọng điểm và lớn nhất quốc gia ở những năm đầu của thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Nó biểu hiện tầm nhìn chiến lược, quyết định đúng đắn của Đảng và Nhà nước... Về ý nghĩa, tôi cho rằng xây dựng đường dây tải điện 500kV xuyên Việt "là một cuộc đột phá chiến lược về kinh tế và công cuộc điện khí hóa toàn quốc". Khu đại công nghiệp Dung Quất và Nhà máy lọc dầu Dung Quất ở Quảng Ngãi đã tạo điều kiện cho miền Trung phát triển kinh tế, từng bước tiến lên con đường công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.

Công trình ngọt hóa đồng bằng sông Cửu Long để đồng bằng sông Cửu Long là một vựa lúa lớn của nước ta ngày nay, chúng ta không quên chủ trương quyết liệt và cách làm sáng tạo của anh. Rồi công trình Đường Hồ Chí Minh, v.v… Với vai trò Thủ tướng Chính phủ, trong bối cảnh kinh tế-xã hội khá phức tạp, khó khăn chồng chất, anh Kiệt đã cùng với tập thể lãnh đạo của Đảng và Nhà nước có những đóng góp quan trọng trong thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới đất nước.

Anh Kiệt luôn sống chan hòa và có tấm lòng nhân hậu, bao dung với tất cả mọi người. Với tôi, nhiệt huyết sống và sự mẫu mực trong tình cảm của anh luôn đi suốt cuộc đời tôi. Tôi còn học ở anh đức tính của con người chỉ biết làm việc phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Sau này, khi đã thôi nhiệm anh vẫn lo toan cho sự nghiệp đất nước góp ý cho Đảng, Chính phủ về những việc ích nước lợi dân. Với ý chí và trách nhiệm chính trị của người cộng sản, việc gì có lợi cho dân, cho nước là anh sẵn sàng xông vào, xông vào ngay cả trong những ngày cuối đời. Anh ra đi trong lúc nhiều việc làm đang còn dang dở, ngay cả việc đối phó với mực nước biển dâng, lo cho đời sống người nghèo trong thời hội nhập.

Anh Võ Văn Kiệt mất đi là một tổn thất đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Nhận xét đó của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là hoàn toàn đúng đắn. 8 giờ sáng ngày 11/6/2008, tôi nghe tin anh Kiệt đã mất. Tin buồn đến đột ngột quá. Tôi thật sự bàng hoàng, vì trước đó hơn một tháng, anh còn lặn lội về những vùng sâu bên bờ sông Hậu tìm giải pháp mới. Bàng hoàng vì từ nay, tôi mãi mãi mất đi một người bạn, người đồng chí luôn sát cánh bên nhau trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Tôi mãi mãi không quên anh, người bạn chiến đấu thân thiết, kính trọng của tôi.