Trải qua gần 70 năm hoạt động vô cùng phong phú và sôi nổi, từ khi còn lăn lộn với phong trào cách mạng ở quê hương cho đến khi giữ cương vị lãnh đạo của cả nước, cuộc đời của đồng chí Võ Văn Kiệt gắn liền với những chặng đường đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ nhưng rất đỗi oanh liệt, vẻ vang của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta1. Từng là trợ thủ đắc lực cho đồng chí về đối ngoại, tôi muốn ghi lại một số cảm nghĩ từ bấy đến nay về những đóng góp xuất sắc của anh Sáu Dân và những di sản sáng giá anh để lại trong quá trình góp phần hoạch định và chủ động triển khai đường lối quốc tế của Đảng, Nhà nước ta thời kỳ đầu đổi mới và cả hiện nay. Đó là đường lối đối ngoại "độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế", một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp đổi mới của Đảng và Nhà nước ta. Đường lối này bắt nguồn từ Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về giữ vững hòa bình, phát triển kinh tế (5/1988), sau đó được hoàn chỉnh và chính thức thông qua tại Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng (6/1991). Từ đó đến nay, đường lối này trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ hoạt động đối ngoại theo phương châm "Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển"2.
LUÔN LÀ NGƯỜI ĐI TIÊN PHONG DŨNG CẢM
Với cương vị là một trong những người chèo lái con thuyền Việt Nam qua khỏi vùng nước xoáy của thời kỳ chủ nghĩa xã hội đi vào thoái trào, khi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, đồng chí Võ Văn Kiệt thực sự là một trong những người đi đầu, có vai trò tiên phong trong quá trình hoạch định đường lối đổi mới nói chung và đường lối đối ngoại nói riêng của nước ta.
Dấu ấn mở đường của Võ Văn Kiệt trong việc chỉ đạo, tổ chức và thực hiện đường lối này phát lộ rõ nhất khi hệ thống đồng minh của chúng ta tan rã, khi sức ép kinh tế -xã hội đè nặng lên đất nước vừa mới ra khỏi khủng hoảng. Có thể khẳng định rằng, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn là một trong những nhà lãnh đạo sớm có tư duy đổi mới lên nhiều lĩnh vực của đời sống, là kiến trúc sư của nhiều chủ trương kinh tế-xã hội táo bạo và dũng cảm trong thời kỳ chuyển đổi. Và một điểm sáng chói trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí chính là thái độ mạnh dạn trong việc góp phần đề ra, sau đó là tích cực thực hiện đường lối quốc tế của Đảng. Vai trò tiên phong của đồng chí, trước hết thể hiện ở tư tưởng phải vươn ra thế giới bên ngoài để tồn tại và phát triển, tranh thủ thời cơ đưa đất nước đuổi kịp các nước đi trước. Đồng chí đã có lần phát biểu một cách thẳng thắn, đầy bức xúc rằng nếu “rụt rè bỏ lỡ cơ hội này sẽ là thảm họa cho đất nước"3.
Còn nhớ, đầu những năm 80 của thế kỷ trước chính là thời gian chúng ta phải đối mặt với hàng loạt các thách thức bên trong và bên ngoài, khu vực và quốc tế, xử lý rất nhiều vấn đề đối nội và đối ngoại phức tạp; trong đó khó khăn nhất là vấn đề Campuchia, một vấn đề nóng liên quan đến nhiều nước lớn và các nước trong khu vực. Đồng chí Võ Văn Kiệt đã cùng tập thể Bộ Chính trị Trung ương Đảng vạch ra các bước đi nhằm hiện thực hóa chủ trương "đa phương hóa, đa dạng hóa" trong bối cảnh đó. Đa dạng hóa và đa phương hóa là nói đến các cấp độ, các lĩnh vực hoạt động khác nhau và các quan hệ đối tác khác nhau giữa Việt Nam với các thành viên khác của cộng đồng quốc tế.
Và một điểm sáng chói trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí chính là thái độ mạnh dạn trong việc góp phần đề ra, sau đó là tích cực thực hiện đường lối quốc tế của Đảng.
Đồng chí Võ Văn Kiệt đã từng nêu câu hỏi: Cục diện quốc tế ngày nay có những đặc điểm gì khác trước đây? Có thể vận dụng đường lối nào và khai thác những yếu tố bên ngoài nào để Đảng và Nhà nước xoay chuyển được tình hình? Làm sao để tạo khả năng giành thời cơ đi lên càng nhanh càng tốt? Vấn đề ở đây không phải là “dàn hàng ngang” để tiến, mà mấu chốt là phải chọn được hướng đột phá. Và hướng đột phá đầu tiên của đồng chí Võ Văn Kiệt chính là thay đổi cách nhìn đối với các nước ASEAN để thực hiện chính sách khu vực một cách năng động, hợp thời và hiệu quả.
Triển khai Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị (5/1988), cảm nhận được luồng gió mới thổi qua Đông Nam Á thời kỳ sau chiến tranh lạnh, đồng chí Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo chúng tôi thúc đẩy chính sách đối ngoại cân bằng, vừa hội nhập với khu vực, vừa mở rộng ra thế giới, trong đó ưu tiên việc khai thông quan hệ với các nước lớn. Chính sách khu vực sở dĩ cần đặc biệt coi trọng vì những thay đổi địa-chính trị ở Đông Nam Á, đồng thời vì đó là "sự bắc cầu” vào thế giới. Khai thông quan hệ với các nước lớn là để hướng tới hội nhập với thế giới, vì đấy là trình độ hội nhập cao nhất mà mỗi quốc gia phải đạt tới để đồng hành với quá trình toàn cầu hóa trong nền văn minh mới của nhân loại. Trên bối cảnh Mỹ, Xô đi vào hòa hoãn, các nước ASEAN dần dần tách khỏi lập trường của những nước hậu thuẫn cho Campuchia dân chủ, chúng ta đã quyết định rút quân tình nguyện khỏi Campuchia, tích cực tham gia cùng các bên hữu quan, thông qua đối thoại, phấn đấu đạt được giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia. Đây là tiền đề quan trọng để chúng ta thúc đẩy đối thoại với Trung Quốc nhằm tháo gỡ các trở ngại đối với quá trình bình thường hóa Việt -Trung; đồng thời chúng ta cũng chủ trương cải thiện từng bước để đi đến bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Hoa Kỳ.
Ngay lúc Hội nghị quốc tế về Campuchia vừa kết thúc4, đồng chí Võ Văn Kiệt đã chủ động dẫn đầu đoàn đại biểu chính phủ ta đi thăm chính thức Indonesia, Thái Lan, Singapore (từ 24/10/1991) đồng thời giao cho tôi khẩn trương chuẩn bị để sớm đi thăm ba nước ASEAN còn lại. Sau chuyến thăm Bắc Kinh của đồng chí Lê Đức Anh (8/1991) và của tôi (9/1991), Tổng Bí thư Đỗ Mười cùng Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta sang thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc (11/1991). Hai bên đã ra Thông cáo chung khẳng định cuộc gặp cấp cao Việt-Trung lần này đánh dấu việc bình thường hóa chính thức quan hệ giữa hai đảng, hai nước và ký kết một số hiệp định quan trọng5. Từ đấy, nhiều lĩnh vực trong quan hệ láng giềng được khôi phục và phát triển, đặc biệt năm nào hai bên cũng trao đổi các đoàn cấp cao. Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề do lịch sử để lại và một số vấn đề mới nảy sinh cần được tiếp tục giải quyết, trong đó có vấn đề biên giới trên bộ và đặc biệt là những vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ của ta ở Vịnh Bắc Bộ và Biển Đông. Đồng chí Võ Văn Kiệt chỉ đạo chúng tôi phải kiên trì phương châm vừa ra sức thúc đẩy quan hệ, vừa chủ động đàm phán để đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của ta, cố gắng tìm ra những giải pháp thỏa đáng, đặt cơ sở cho quan hệ Việt-Trung hợp tác hữu nghị bền vững.
Cuối tháng Giêng đầu tháng 2/1992, đồng chí Võ Văn Kiệt đi thăm chính thức Malaixia, Philíppin và Brunây. Cũng như khi thăm ba nước ASEAN trước đấy, lần này cũng có đoàn liên bộ và đoàn doanh nhân tháp tùng, và tại các nước này, đồng chí nhấn mạnh vấn đề phát triển quan hệ kinh tế và thương mại. Ngoại giao kinh tế lần đầu tiên được thể hiện qua các chuyến thăm chính thức của người đứng đầu chính phủ, và thực tiễn này được duy trì cho đến tận ngày hôm nay. Mặc dù trong vấn đề Campuchia, các nước ASEAN từng có thái độ đối kháng với Việt Nam, nhưng khi đồng chí Võ Văn Kiệt sang thăm, nhất là sau khi nghe thông báo về đường lối đối ngoại rộng mở, "đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế” và chủ trương ưu tiên phát triển quan hệ với các nước trong khu vực thì thái độ của lãnh đạo các nước này thay đổi hẳn. Trong tiếp xúc riêng, Thủ tướng Malaixia Mahathia còn gợi ý Việt Nam nên gia nhập ASEAN. Nắm bắt những thay đổi đang diễn ra trên thế giới và trong khu vực, đồng chí trao đổi ý kiến với chúng tôi để cùng xây dựng lập luận báo cáo Bộ Chính trị về chủ trương gia nhập ASEAN như một bước đi cần thiết để hiện thực hóa chính sách khu vực của Đảng, Nhà nước ta. Và mặc dù còn có ý kiến trái chiều trong dư luận, đồng chí Võ Văn Kiệt vẫn kiên quyết chỉ đạo chúng tôi bám sát đường lối đối ngoại đa dạng hóa của Đảng.
Chiến lược lớn là một ưu tư thường nhật của Võ Văn Kiệt khi ông tập trung suy nghĩ để tìm ra chất keo kết dính ngoại giao với trong nước. Ở ông, chính sách đối ngoại không chỉ là sự kéo dài của chính sách đối nội, mà từ nay, cả hai cần được nhìn nhận trong một chiến lược tổng thể và nhất quán.
Những thỏa thuận đạt được qua các cuộc đi thăm của đồng chí Võ Văn Kiệt đến tất cả các nước ASEAN và những cuộc đi thăm của lãnh đạo ASEAN đến Việt Nam đã mở ra sự chuyển hướng quan hệ từ trạng thái đối đầu trong hơn 10 năm sang giai đoạn mở rộng hợp tác để mỗi nước phát triển và cả khu vực cùng phát triển. Tháng 7/1992, tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lúc bấy giờ mới có 6 thành viên họp ở Manila (Philippines), Việt Nam tham gia Hiệp ước Hợp tác và Thân thiện Bali và trở thành quan sát viên của ASEAN. Với 30 hiệp định được ký kết trong thời gian tương đối ngắn, các mối quan hệ kinh tế, thương mại, khoa học-kỹ thuật, văn hóa, giáo dục giữa Việt Nam với các nước ASEAN đã nhanh chóng được thiết lập và mở rộng.
Việc đồng chí Võ Văn Kiệt quyết tâm giải quyết những vấn đề tồn tại với các nước trong khu vực và chủ trương đẩy mạnh quan hệ với Lào và Campuchia cho thấy tính năng động của chính sách khu vực mà đồng chí vừa là đồng tác giả, vừa là người nghiệm thu nghiêm khắc, đã phát huy tác dụng. Chính sách khu vực năng động này đơm hoa kết trái và ngày 28/7/1995 Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của ASEAN. Sự kiện này góp phần tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc phát triển đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, đồng thời nó cũng đánh dấu một mốc lịch sử trong quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á, góp phần tăng cường vị trí của ASEAN với tư cách là một tổ chức khu vực quan trọng6.
Đồng chí Võ Văn Kiệt đã từng nói: Trong thế giới ngày nay, không phải mâu thuẫn đối kháng giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc, mà trước hết là tính đa dạng, đa cực đang trở thành nhân tố nổi trội nhất chi phối những mâu thuẫn và sự vận động của các mối quan hệ giữa mọi quốc gia. Và cũng khác với trước, ngày nay lợi ích quốc gia, lợi ích khu vực và những lợi ích toàn cầu khác đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc xử lý các mâu thuẫn cũng như trong việc tạo ra những tập hợp lực lượng mới trên thế giới.
Phải là một chính khách dũng cảm, biết đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, đồng chí Võ Văn Kiệt mới có những chỉ đạo táo bạo trong các động thái góp phần làm tan băng quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và các nước công nghiệp phát triển khác vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ trước. Đồng chí từng lập luận, ngày nay các thế lực phản động không thể giương mãi ngọn cờ chống cộng để tập hợp lực lượng phá ta như trước đây. Ngọn cờ này giờ đây đã mất thiêng, họ sẽ chuyển sang những ngọn cờ khác. Trong nội bộ chính quyền Mỹ có nhiều nhóm lợi ích khác nhau, ta cần biết cách phân hóa, tranh thủ. Phải đánh giá chính sách của Mỹ và các nước khác đối với ta dưới ánh sáng của những thay đổi trên thế giới, trong khu vực và công cuộc đổi mới ở Việt Nam, đặc biệt là trong tương quan mới giữa các nước lớn, giữa các trung tâm quyền lực đang hình thành.
Trên tinh thần đó, từ 1990 đến 1994, nhân các dịp tham dự Đại hội đồng Liên hợp quốc, hằng năm ta và Mỹ đều có các cuộc tiếp xúc không chính thức cấp ngoại trưởng để bàn và thúc đẩy vấn đề cải thiện quan hệ. Cũng trong những năm này, nhiều phái đoàn nghị sĩ Mỹ sang thăm ta, hội kiến với Thủ tướng Võ Văn Kiệt và lãnh đạo ta, thấu hiểu được thiện chí và quyết tâm của Việt Nam sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ.
Quan hệ Việt-Mỹ có những tiến triển trên thực tế sau khi cuộc xung đột Campuchia đạt tới giải pháp chính trị. Thái độ thiện chí và chính sách nhân đạo của ta trong việc tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh, hồi hương hài cốt các binh sĩ Mỹ về nước và một số vấn đề khác đã thúc đẩy chính quyền Clinton từng bước đi từ nới lỏng đến tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn cấm vận và đề nghị thiết lập cơ quan liên lạc ở thủ đô mỗi nước (2/1994). Ngày 11/7/1995, Tổng thống Mỹ Clinton chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
Phải là một chính khách dũng cảm, biết đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, đồng chí Võ Văn Kiệt mới có những chỉ đạo táo bạo trong các động thái góp phần làm tan băng quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và các nước công nghiệp phát triển khác vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ trước.
Đáp lại, Thủ tướng Võ Văn Kiệt khẳng định: "Từ lâu, Chính phủ và nhân dân Việt Nam vẫn chủ trương Hoa Kỳ và Việt Nam cần hướng về tương lai, xây dựng mối quan hệ bình thường giữa hai nước". Hai bên thỏa thuận lấy 12/7 làm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam-Hoa Kỳ. Những nỗ lực của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã góp phần mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước7. Với việc bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có quan hệ với tất cả các nước lớn trên thế giới, các thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Điều này góp phần củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và tạo thêm điều kiện thuận lợi để chúng ta mở rộng hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế.
Ngay khi vấn đề Campuchia đang đi vào giải pháp, các nước Tây Bắc Âu đã bỏ qua chính sách bao vây, cấm vận trước đó để tăng cường quan hệ với Việt Nam. Từ năm 1992 đến đầu năm 1997, đồng chí Võ Văn Kiệt đã đi thăm 34 nước trên thế giới và thăm Liên minh châu Âu (EU). Đến nước nào đồng chí cũng tạo được không khí thân thiện, hữu nghị và nước nào cũng sẵn sàng mở rộng quan hệ kinh tế và thương mại theo như đề xuất của ta. Sau các cuộc thăm chính thức các nước Tây Bắc Âu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và những chuyến thăm của các vị đứng đầu các chính phủ này sang ta, đặc biệt nhiều người trong số đó tự nhận họ thuộc "thế hệ Việt Nam", chúng ta đã kết thúc hơn 2 năm đàm phán với EU.
Ngày 17/7/1995, Hiệp định khung về hợp tác Việt Nam - EU quy định những nguyên tắc và lĩnh vực hợp tác giữa hai bên đã được ký kết. Hiệp định còn quy định hai bên dành cho nhau tối huệ quốc, phù hợp với các điều khoản có GATT8. Việc ký Hiệp định khung hợp tác này có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu nói chung và với từng nước thành viên EU nói riêng.Sau khi ký Hiệp định, quan hệ song phương giữa Việt Nam với từng nước thành viên, đặc biệt là với các đối tác đầu tư lớn ở Việt Nam và các quốc gia viện trợ phát triển cho Việt Nam như Pháp, Anh, Hà Lan, Đức, Thụy Điển... là những nước đồng chí Võ Văn Kiệt từng đến thăm, càng được mở rộng và phát triển sang nhiều lĩnh vực khác.
Như vậy là, sau những năm tháng bền bỉ và quyết tâm triển khai đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế” mà đồng chí Võ Văn Kiệt là người đi tiên phong, tháng 7-1995 là tháng có ba sự kiện lớn đã diễn ra cùng một lúc: Việt Nam gia nhập ASEAN, bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và ký Hiệp định khung hợp tác với Liên minh châu Âu. Đây là những sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử ngoại giao của ta. Cùng với những cột mốc có ý nghĩa lịch sử khác như triển khai các mặt quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với Nhật Bản, một trong ba trung tâm kinh tế lớn của thế giới và thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với một số nước công nghiệp phát triển như Hàn Quốc, Australia... tất cả đều mang đậm dấu ấn năng động và quyết liệt của đồng chí Võ Văn Kiệt.
NHỮNG DI SẢN ANH SÁU DÂN ĐỂ LẠI CHO NGÀNH NGOẠI GIAO
Với tầm tư duy chiến lược, với quyết tâm đổi mới9, Võ Văn Kiệt là một trong những nhà lãnh đạo tài ba của Đảng đã lưu lại những bài học quý báu, những kinh nghiệm để đời cho thế hệ ngoại giao hiện tại và các thế hệ ngoại giao mai sau học tập và suy ngẫm.Bứt phá tư duy là một trong những di sản nổi bật như thế!Hơn một lần, Võ Văn Kiệt nhấn mạnh, những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc đã sản sinh ra nền ngoại giao cách mạng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, góp phần to lớn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng chính sách ngoại giao thời nào cũng được quy định bởi những hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Khi nền chính trị thế giới đã chuyển sang giai đoạn hình thành những đối trọng mới, những tập hợp lực lượng mới về địa-chính trị thì đường lối ngoại giao của ta cũng phải uyển chuyển, nhanh chóng chuyển trọng tâm theo hướng tạo những điều kiện quốc tế thuận lợi nhất để phục vụ cho an ninh và phát triển trong hoàn cảnh mới. Trong quá trình chuyển đổi này, việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế phức tạp và nhạy cảm đòi hỏi ngoại giao phải biết vận dụng nhuần nhuyễn giữa nguyên tắc với sách lược sao cho ích nước, lợi nhà, hợp xu thế chung.
Từ những bứt phá về tư duy để tiến tới những đột phá trong chỉ đạo chính sách và hoạt động thực tiễn là cả một quá trình. Trong quá trình này, đổi mới tư duy đối ngoại là tiền đề cho một đường lối đối ngoại tương thích với xu thế thời đại, phục vụ đắc lực cho lợi ích quốc gia. Phải bắt đầu từ đổi mới cách nhìn, cách nghĩ và cách hiểu về thế giới bên ngoài. Tư duy cũ tạo ra khung mẫu cũ, cách nghĩ mới tạo ra mô hình mới. Ngày nay, khi chúng ta đã bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ mới, bài học đổi mới tư duy đối ngoại càng có ý nghĩa thời sự. "Chủ nghĩa khủng bố, khủng hoảng kinh tế, chiến tranh/hòa bình, dân tộc/quốc gia và quốc tế trong kỷ nguyên tới, vận hành toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, các vết nứt trượt mới về địa-chính trị trong một thế giới phẳng, nóng và chật”10 đòi hỏi chúng ta không ngừng đổi mới phương pháp tiếp cận các vấn đề quan hệ quốc tế hiện đại. Thì đây, từ 15 năm trước, chính anh Sáu Dần đã dốc bầu tâm sự: "Trong thế giới ngày nay, không phải mâu thuẫn đối kháng giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc, mà trước hết là tính đa dạng, đa cực đang trở thành nhân tố nổi trội nhất chi phối những mâu thuẫn và sự vận động của các mối quan hệ giữa mọi quốc gia. Và cũng khác với trước, ngày nay lợi ích quốc gia, lợi ích khu vực và những lợi ích toàn cầu khác đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc xử lý các mâu thuẫn cũng như trong việc tạo ra những tập hợp lực lượng mới trên toàn thế giới”11.
Chiến lược lớn là một ưu tư thường nhật của Võ Văn Kiệt khi ông tập trung suy nghĩ để tìm ra chất keo kết dính đối ngoại với đối nội. Ở ông, chính sách đối ngoại không chỉ là sự kéo dài của chính sách đối nội, mà từ nay, cả hai cần được nhìn nhận trong một chiến lược tổng thể và nhất quán.Không có một chiến lược tổng thể, nhất quán và dài hơi, theo ý kiến ông, các hoạt động đối ngoại chỉ là sản phẩm của những thỏa hiệp. Ông thường xuyên nhắc nhở chúng tôi, chất keo kết dính đó chính là phải biết vận dụng nhuần nhuyễn tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh vào bối cảnh mới, phải thể hiện cho được chiến lược lớn của Đảng ta "ngoại giao là một mặt trận", phải kết hợp cho được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong khi những nội hàm liên quan đã hoàn toàn thay đổi. Sau nhiều năm trăn trở, kể cả lúc đã rời nhiệm sở, tôi thấy ông vẫn còn góp ý với Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhiều vấn đề, trong đó đặc biệt là việc nâng chủ trương hòa giải và hòa hợp dân tộc thành quốc sách để kết nối giữa đối ngoại với đối nội. Ông đã từng nêu thành vấn đề để thảo luận: Không hòa giải bên trong tốt thì làm thế nào thuyết phục được bên ngoài tin mình sẵn sàng là bạn với tất cả các nước trên thế giới? Không điều chỉnh, đổi mới trong nước thì làm sao có thể "hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn với các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương"12.
Vị thế địa-chính trị đất nước cần được khai thác kịp thời như một tài nguyên, như một nguồn lực để bảo vệ và xây dựng Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.Đây lại là một bài học mới nữa về tư duy Võ Văn Kiệt liên quan đến tầm nhìn của ngoại giao Việt Nam trong kỷ nguyên chuyển đổi. Theo ông, "ngày nay, khi thế giới hai cực không còn nữa thì Việt Nam cũng như hầu hết các nước khác khó có thể tìm được một chỗ dựa cụ thể ở một nước nào, một phe nào. Bây giờ không cần đi tìm một cường quốc nào đó, mà là phải cài đặt những lực lượng khác nhau vào một thế thuận lợi cho Việt Nam. Cách đó nhiều nước đã làm"13. Điều mà ông gọi là "phải cài đặt những lực lượng khác nhau vào một thế thuận lợi cho Việt Nam" chính là vấn đề khai thác vị thế địa - chính trị của đất nước như một tài nguyên. Tài nguyên địa -chính trị của Việt Nam là một tổng thể hết sức đa dạng và phức tạp, giá trị và ý nghĩa của từng yếu tố tạo nên tổng thể đó cũng không phải là bất biến. Vấn đề là phải biết cài đặt lợi ích các nước lớn, các tập đoàn đa quốc gia vào lợi ích của ta. Để tạo ra cái thế quốc tế tối ưu, ông đề xuất tìm cách lôi kéo một số công ty lớn ởphương Tây có tầm ảnh hưởng lớn đến chính sách của những nước mà các công ty lớn đó mang quốc tịch. Nhưng muốn làm được những chuyện như vậy, cần phải có một đội ngũ chuyên gia giỏi, có tri thức rất tốt về tình hình quốc tế, biết tính toán rất kỹ các phương án. Võ Văn Kiệt còn đưa ra một số ý kiến mà ông gọi là "gợi mở" như: thay đổi phương thức tình báo kinh tế, hình thành một mạng lưới lobby để góp phần vào xây dựng chiến lược phát triển.
Vai trò tiên phong của ông trước hết thể hiện ở tư tưởng phải vươn ra thế giới bên ngoài để tồn tại và phát triển, tranh thủ thời cơ đưa đất nước đuổi kịp các nước đi trước. Ông đã có lần phát biểu một cách thẳng thắn, đầy bức xúc rằng nếu “rụt rè bỏ lỡ cơ hội này sẽ là thảm họa cho đất nước”.
Cuối cùng, ngoại giao văn hóa-ngoại giao nhân dân phải là một trong những chân kiềng của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại luôn là thông điệp luôn mang tính thời sự của Võ Văn Kiệt gửi cho tương lai.Bên cạnh ngoại giao chính trị -an ninh, ngoại giao kinh tế thương mại, ngoại giao văn hóa -ngoại giao nhân dân ngày càng có vai trò nổi bật. Ở đây không chỉ phải biết xúc tiến các hoạt động mang tính chất văn hóa để quảng bá ra thế giới hình ảnh một Việt Nam đổi mới, một Việt Nam khẳng định là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế. Theo Võ Văn Kiệt, phải đặt vấn đề ởmột quy mô lớn hơn, phải mở rộng mạng lưới ngoại giao nhân dân, phải coi trọng vai trò của các tổ chức phi chính phủ (NGO) trong một thế giới nối mạng, phải mở rộng biên cương của ngoại giao văn hóa sang cả địa hạt văn hóa chính trị, đặc biệt là chính trị đối ngoại. Chỉ khi nào có một chiến lược quốc gia lâu dài với những định vị rõ ràng "Việt Nam nên là cái gì của thế giới" thì lúc đó, mới xây dựng được nền chính trị đối ngoại cụ thể mà Việt Nam muốn hướng tới. Võ Văn Kiệt cũng thường xuyên khẳng định, hãy đi đến tận cùng các giá trị dân tộc thì sẽ gặp các giá trị của nhân loại. Tuy nhiên, các giá trị văn hóa dân tộc có thể bị bào mòn, thậm chí trở thành các ma sát xấu, nếu chúng ta không quan tâm giáo dục, bồi dưỡng ý thức cho mọi người dân, đặc biệt cho doanh nhân cho thế hệ trẻ, là những đại sứ lưu động của nền ngoại giao văn hóa -ngoại giao nhân dân dù ở bất cứ góc trời nào trên quả địa cầu này.
Lúc sinh thời, anh Sáu Dân vốn được đồng bào, đồng chí trong cả nước ngưỡng mộ và bạn bè quốc tế quý mến, nay tuy đã đi xa mà bạn bè quốc tế vẫn đánh giá cao ông, nhân dân trong nước vẫn tri ân ông, các đồng nhiệm vẫn dành cho ông những dòng lưu bút như thế, chắc hẳn là ông đang rạng rỡ cười nơi bồng lai tiên cảnh.
***
Võ Văn Kiệt luôn là người đi tiên phong, di sản ông để lại thật là to lớn. Với bài viết này, tôi muốn suy nghĩ và nhớ lại vai trò một người đi đầu trong tiến trình hoạch định và thực hiện chính sách đối ngoại mới, những thông điệp chính trị ông muốn soi sáng trên nhiều vấn đề: từ bứt phá tư duy đến đổi mới tư duy đối ngoại, từ khớp nối mềm gắn kết đối ngoại với đối nội trong nước đến vị thế địa - chính trị mới của Việt Nam và cuối cùng là vấn đề ngoại giao văn hóa -ngoại giao nhân dân. Đánh giá về những đóng góp của ông, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã viết: "Anh Kiệt là con người năng động, luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi và làm việc hết sức mình. Có thể nói anh Kiệt là người dám nghĩ, dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám tự phê bình"14. Khi nghe tin ông qua đời, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh phát biểu: "Việc ra đi của ông là một sự mất mát lớn. Ông Kiệt còn sống thì còn giúp nhiều cho đất nước bởi ông là người có kinh nghiệm, lại nhiều suy nghĩ trăn trở với tình hình đất nước, luôn thẳng thắn và không sợ ai"15.
Lúc sinh thời, anh Sáu Dân vốn được đồng bào, đồng chí trong cả nước ngưỡng mộ và bạn bè quốc tế quý mến, nay tuy đã đi xa mà bạn bè quốc tế vẫn đánh giá cao ông, nhân dân trong nước vẫn tri ân ông, các đồng nhiệm vẫn dành cho ông những dòng lưu bút như thế, chắc hẳn là ông đang rạng rỡ cười nơi bồng lai tiên cảnh. Và cùng với tất cả những điều tôi vừa chia sẻ, phải chăng chúng thuộc về những giá trị gốc, những giá trị căn bản của Võ Văn Kiệt, giá trị của người đi tiên phong với những di sản bền vững ông để lại cho hậu thế.
Mùa Xuân Hà Nội, Canh Dần (2010)
_____________
* Võ Văn Kiệt, người thắp lửa,Nxb. Trẻ, 2010, tr.96-110.
1. Lời điếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 15/6/2008 còn nhấn mạnh: "Đồng chí Võ Văn Kiệt đã cùng tập thể các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân tiến hành công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện đời sống nhân dân, tăng cường xây dựng hệ thống chính trị, giữ vững quốc phòng -an ninh, không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế”.
2. Phương châm này được tiếp tục tại Đại hội IX (4/2001): "Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển". Đại hội X (4/2006) tái khẳng định chính sách đối ngoại "đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế”, đồng thời nhắc lại phương châm: "Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế và khu vực phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”.
3. Đóng góp ý kiến của đồng chí Võ Văn Kiệt vào Báo cáo tổng kết lý luận và thực tiễn 20 năm đổi mới chuẩn bị Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam,năm 2006.
4. Các cuộc thương lượng tại Pari về Campuchia từ 30/7 đến 30/8/1989 được xem là vòng một của Hội nghị quốc tế về Campuchia; Hội nghị quốc tế về Campuchia vòng hai (từ 21 đến 23/10/1991) tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber, Pari để kết thúc đàm phán và ký các văn kiện chính thức. Tham gia hội nghị gồm 17 nước, phía Campuchia do 4 bên Campuchia đại diện tại vòng một và do Hội đồng Dân tộc tối cao Campuchia dưới sự lãnh đạo của Norodom Sihanouk đại diện tại vòng hai; Chủ tịch đương nhiệm Phong trào Không liên kết là Zimbabwe và Nam Tư cũng được mời dự. Tổng Thư ký Liên hợp quốc và đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng tham dự.
5. Từ 1980-1986, Việt Nam đã 17 lần gửi công hàm đề nghị nối lại đàm phán Việt-Trung nhưng không được đáp ứng. Sau Đại hội Đảng VI, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi thông điệp miệng cho Đặng Tiểu Bình (6/1987) đề nghị có cuộc gặp riêng giữa lãnh đạo hai nước Việt Nam tuyên bố rút một bộ phận quân tình nguyện khỏi Campuchia (5/1988), sửa Lời nói đầu của Hiến pháp phần liên quan đến Trung Quốc (6/1988). Từ 1/1987 đến 5/1990 đã diễn ra ba vòng đàm phán cấp Thứ trưởng Ngoại giao về vấn đề Campuchia và bình thường hóa quan hệ Việt-Trung. Cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo hai nước Trung-Việt đã diễn ra tại Thành Đô từ 3-4/9/1990 bàn về vấn đề bình thường hóa Việt-Trung và mặt quốc tế của vấn đề Campuchia. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Trung Quốc (18-28/9/1990). Nửa năm sau, Thủ tướng Trung Quốc tuyên bố quan hệ Trung-Việt đã tan băng (3-1991).
6. Ngoại giao Việt Nam - 1945-2000,Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.350-351.
7. Đầu năm 1977, Thượng nghị sĩ Woodcock sang Việt Nam tìm hiểu tình hình và cho rằng Mỹ nên bình thường hóa quan hệ với Việt Nam không điều kiện. Nhưng về sau, Mỹ lấy việc giải quyết vấn đề Campuchia và vấn đề MIA làm điều kiện tiên quyết cho bình thường hóa. Tình hình Campuchia diễn biến phức tạp và mãi đến đầu tháng 8/1990 Mỹ mới đàm phán với ta về vấn đề bình thường hóa quan hệ. Mỹ công khai đưa ra "lộ trình bốn bước" (4/1991), Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam (6/1991) nêu rõ việc thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ là một trong những chủ trương quan trọng về đối ngoại của Việt Nam. Từ 1990, hằng năm Ngoại trưởng hai nước đều gặp nhau. Tổng thống Clinton và Chủ tịch Lê Đức Anh trao đổi thư từ (1993). Cuối cùng phía Mỹ quyết định nới lỏng cấm vận (9/1993).
8. GATT - viết tắt của Hiệp định Khung về thương mại và thuế quan - là tổ chức tiền thân của WTO. Hoạt động của GATT chủ yếu thông qua 8 vòng đàm phán từ năm 1947 đến vòng thứ 8 (1986-1994), còn gọi là vòng Urugoay đặt cơ sở cho sự ra đời WTO (123 nước tham gia). Trong quá trình đàm phán Hiệp định khung với EU, vấn đề nhân quyền là một trở ngại giữa hai bên. Đồng chí Võ Văn Kiệt đã đề xuất trong tập thể lãnh đạo, nếu EU đưa vấn đề này như một điều kiện tiên quyết thì ta không chấp nhận, nhưng nếu nhân quyền là một thông lệ của EU trong đàm phán với các nước thì ta cũng không nên coi mình là trường hợp ngoại lệ.
9. Lời điếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 15-6-2008 đánh giá: "Với tầm tư duy chiến lược, với quyết tâm đổi mới, tác phong sâu sát quyết đoán, luôn tìm tòi, trăn trở, đồng chí Võ Văn Kiệt đã đóng góp xứng đáng vào quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Tên tuổi của đồng chí gắn liền với những công trình lớn ở khắp mọi miền đất nước".
10. Xem George Friedman: The Next 100 Years: A Forecast for the 21stCentury(đang dịch ra tiếng Việt); xem Thomas Friedman:Nóng, phẳng, chật; Thế giới phẳng; Chiếc Lexus và cây Olive (cả 3 cuốn đã được dịch ra tiếng Việt).
11. Thư của Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị ngày 9/8/1995.
12. Đây là một nội dung mới của Đại hội X bổ sung thêm vào đường lối đối ngoại. Ngoài ra, Nghị quyết Đại hội X cũng khẳng định phải "đưa các quan hệ quốc tế đã được thiết lập vào chiều sâu, ổn định, bền vững" và đề ra nhiệm vụ của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hòa bình, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới.
13. Đóng góp ý kiến của đồng chí Võ Văn Kiệt vào Báo cáo tổng kết lý luận và thực tiễn hai mươi năm đổi mới chuẩn bị Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2006.
14.Báo Nhân Dân,14/6/2008.
15. VietnamNet, 13/6/2008.