Anh Sáu Dân với những đột phá ấn tượng

NDO - Một buổi sáng tháng 4/1973, theo lời nhắn của anh Chín Hiệp (đồng chí Dương Kỳ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Trung ương), tôi đến nhà anh ở số 40 Phan Đình Phùng, Hà Nội để gặp anh Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) ở miền Nam mới ra.

Anh Sáu Dân chưa biết tôi, còn tôi được biết anh trong một lần anh xuống dự hội nghị cán bộ của đảng bộ huyện Trần Văn Thời, tỉnh Bạc Liêu1. Tôi được theo Bảy Ngượt (đồng chí Nguyễn Văn Ngượt, Ủy viên Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam) đi dự hội nghị này vào năm 1953.

Lúc ấy, anh Sáu Dân còn rất trẻ, nước da ngăm đen, mặc bộ đồ bà ba đen lên phát biểu ý kiến. Với quyển sổ nhỏ, có lẽ ghi đầu dòng mấy ý, anh nói miệng, nhưng rõ ràng và mạch lạc, thỉnh thoảng xen những lời nhấn với giọng nói to, khoẻ, làm nổi bật tư tưởng và vấn đề anh đặt ra. Tôi có ấn tượng tốt với anh từ cuộc họp đó.

Bữa gặp anh, sau những lời thăm hỏi sức khỏe và gia đình tôi, anh nói ngay muốn xin tôi về miền Nam giúp việc (thư ký) cho anh. Dĩ nhiên là tôi trả lời "sẵn sàng".

Sáng hôm sau, thứ hai, tôi vào Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc học như thường lệ2 và chờ quyết định đi "B" (chiến trường miền Nam). Bỗng nhiên, 2 giờ chiều hôm đó, chị Chín Chương (cán bộ tổ chức Ban Thống nhất Trung ương) mang quyết định và đưa xe vào trường đón tôi về cơ quan công tác và chuẩn bị đi "B". Tôi không ngờ việc điều động tôi không phải qua thủ tục gì rườm rà và được giải quyết nhanh chóng như thế.

Sáng hôm sau, từ nhà (ở số 98 Yết Kiêu) tôi lững thững đạp xe lên nhà số 3 đường Nguyễn Cảnh Chân (ngang Văn phòng Trung ương Đảng) làm việc với anh Sáu Dân.

Anh Sáu Dân ra Hà Nội lần này theo yêu cầu và triệu tập của Bộ Chính trị. Bộ Chính trị mời đại diện Trung ương Cục và tất cả các bí thư khu ủy ở miền Nam ra báo cáo tình hình và bàn đường lối chủ trương của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới (sau Hiệp định Pari 1973).

Anh Sáu Dân lần lượt tham dự và báo cáo với Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương về tình hình Khu 9. Sau đó anh được tham dự hội nghị Bộ Chính trị mở rộng về cách mạng miền Nam vào ngày 24-5-1973. Sau đó, ở lại dự Hội nghị toàn thể lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương (lần 1) trong một tuần lễ (từ cuối tháng 6 đến ngày 6/7/1973).

Sau Hội nghị Trung ương, anh Sáu Dân chuẩn bị về miền Nam. Anh xin Bộ Chính trị cho anh được đi bằng đường biển (tàu không số) để về kịp thời phổ biến Nghị quyết Trung ương 21 cho Khu ủy và Quân khu ủy T3 (Khu 9). Anh xin cho cả anh Sa (Nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Bạc Liêu trong kháng chiến chống Pháp - lúc đó là Vụ trưởng Bộ Ngoại thương) và tôi cùng đi với anh. Lúc đầu, đồng chí Lê Đức Thọ còn chần chừ cân nhắc, nhưng sau đó đồng ý để anh đi về bằng đường biển. Nhưng chỉ đi một mình, còn anh Sáu và tôi ở lại đi đường bộ. Như vậy là một lần trong đời tôi được đi tàu không số hụt! Hiện nay tôi còn giữ giấy căn cước giả của ngụy quyền Sài Gòn để làm kỷ niệm.

*
* *

Cuối năm 1970, anh Sáu Dân được Trung ương Cục miền Nam điều động xuống T3 (Tây Nam Bộ) làm Bí thư Khu ủy. Từ căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định ở Bến Tre, anh đi đường công khai về R (Trung ương Cục). Sau đó anh đi về T3 cũng bằng đường công khai, nên đi và đến rất nhanh.

Tình hình T3 vào thời điểm anh về nhận nhiệm vụ còn nhiều khó khăn. Sau đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, địch khẩn trương tiến hành “bình định đặc biệt”, "bình định cấp tốc”, gom dân vào ấp Tân Sinh; lấn chiếm gần hết các vùng đông dân. Sau đó, ba lần tiến hành bình định, lấn chiếm U Minh. Đến giữa năm 1971, địch đã cơ bản bình định lấn chiếm căn cứ U Minh Thượng và một phần U Minh Hạ, uy hiếp vùng giải phóng nam Cà Mau. Khu ủy T3 phải đóng sâu trong vùng rừng đước huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau).

Khi về đến T3 (ở U Minh Thượng), anh Sáu Dân không đi thẳng về căn cứ Khu ủy mà đi một vòng từ Rạch Giá, qua Sóc Trăng, lên Cần Thơ để nắm tình hình và chỉ đạo trực tiếp các nơi đó. Mỗi tỉnh anh ở và làm việc 7 đến 10 ngày, có nơi hai tuần lễ. Anh làm việc với bí thư và thường vụ tỉnh ủy, đi một vài huyện. Thời gian này, anh có làm việc với Tư lệnh Quân khu 9 Lê Đức Anh3 ở Long Mỹ và thăm một trung đoàn chủ lực ở Giồng Riềng, tỉnh Rạch Giá. Sau đó, anh mới về căn cứ Khu ủy và cùng với các đồng chí Thường vụ chuẩn bị mở hội nghị Khu ủy và Quân khu ủy.

Hội nghị Khu ủy lần này (1/1973) có kiểm điểm về sự lãnh đạo, chỉ đạo; đánh giá phân tích tình hình và đề ra nhiệm vụ trọng tâm của đảng bộ và quân khu là tập trung lực lượng đánh phá kế hoạch bình định, lấn chiếm của địch với khẩu hiệu: “Tất cả cho cơ sở, tất cả để giành đất, giành dân và giành quyền làm chủ ở ấp, xã”.

Sau hội nghị, các đồng chí thường vụ khu ủy được phân công xuống từng tỉnh hướng dẫn học tập nghị quyết khu ủy và chỉ đạo xây dựng kế hoạch đánh phá bình định lấn chiếm cho từng tỉnh. Đồng thời khu ủy tăng cường nhiều cán bộ khu, tỉnh xuống giúp cơ sở, xã, ấp.

Do lực lượng vũ trang của ta rất thiếu quân, nhất là quân chủ lực, anh Sáu Dân và khu ủy chỉ đạo các cơ quan khu giảm biên chế, lựa chọn một số cán bộ, nhân viên trẻ bổ sung cho bộ đội chủ lực. Riêng đơn vị bảo vệ anh Sáu Dân, anh cũng động viên đưa một trung đội ra quân, bổ sung cho Trung đoàn Quân khu 9.

Bằng hai lực lượng chính trị và vũ trang, ba mũi giáp công, ba thứ quân, từ cuối năm 1971 và năm 1972, toàn quân khu mở nhiều đợt chiến dịch tổng hợp, chủ động tiến công đánh phá kế hoạch bình định lấn chiếm của địch, bao vây, bức hàng, bức rút nhiều đồn bốt, chi khu; tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều xã ấp, giải phóng cơ bản U Minh với hàng trăm ngàn dân. Ta đã chuyển thế, từ bị địch lấn chiếm gần hết đất, hết dân, bị động chống đỡ địch đánh phá, chuyển dần sang thế chủ động tiến công đánh bại bước đầu kế hoạch bình định lấn chiếm và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ -ngụy.

*
* *

Trước khi ký kết Hiệp định Pari, chính quyền ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu tiến hành kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”, cắm cờ lấn đất, giành dân đẩy mạnh lấn chiếm vùng ta làm chủ và triển khai kế hoạch bình định năm 1973, tập trung bình định, lấn chiếm Đồng bằng sông Cửu Long, lấy Mỹ Tho (Khu 8) và Chương Thiện (Khu 9) làm trọng điểm.

Ngay sau khi Hiệp định Pari có hiệu lực, địch đã vi phạm Hiệp định, cho máy bay ném bom và càn quét lấn chiếm Long Mỹ, Chương Thiện và một số nơi khác.

Bốn ngày sau khi Hiệp định Pari có hiệu lực, ngày 2/2/1973, anh Sáu Dân triệu tập hội nghị thường vụ khu ủy mở rộng, có quân khu và bí thư ba tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Rạch Giá tại sở chỉ huy tiền phương quân khu ở xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ. Hội nghị nhận định: Đồng bằng sông Cửu Long chưa có ngừng bắn và vẫn trong tình trạng chiến tranh... Việc chuyển phương châm "lấy đấu tranh chính trị làm cơ sở, đấu tranh vũ trang làm hậu thuẫn"3 là quá sớm. Hội nghị đề ra chủ trương: "Phát huy thắng lợi của Hiệp định Pari, không mơ hồ ảo tưởng, nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công bằng sức mạnh quân sự, chính trị, binh vận, pháp lý; trừng trị địch vi phạm Hiệp định để giành đất, giành dân, giành quyền làm chủ, đánh bại kế hoạch bình định lấn chiếm của địch…".

Còn nhớ, tháng 10/1972, khi được biết sắp ký kết Hiệp định Pari, anh Sáu Dân đến thăm lớp huấn luyện cán bộ của khu ủy và đã ra lệnh ngừng lớp học để các cán bộ, học viên về các địa phương và ban ngành ngay, thực hiện nhiệm vụ mới với lời căn dặn: "Dù Mỹ ngụy có ký Hiệp định Pari hay không, chúng ta phải quán triệt tư tưởng tiến công, luôn luôn lúc nào cũng phải chủ động tiến công giặc để giành từng tấc đất, cọng rau, từng người dân; không để cho kẻ thù lấn chiếm của ta một tấc đất".

"Dù Mỹ ngụy có ký Hiệp định Pari hay không, chúng ta phải quán triệt tư tưởng tiến công, luôn luôn lúc nào cũng phải chủ động tiến công giặc để giành từng tấc đất, cọng rau, từng người dân; không để cho kẻ thù lấn chiếm của ta một tấc đất".

Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Đầu tháng 3-1973, địch triển khai lực lượng đánh vào Chương Thiện, sau đó bình định lấn chiếm U Minh và Cà Mau ở Chương Thiện, địch tập trung ban đầu 30 tiểu đoàn, tháng sau tăng lên 46 tiểu đoàn, rồi 75 tiểu đoàn, nhưng vẫn không lấn chiếm được Chương Thiện và cuối cùng phải rút khỏi Chương Thiện (11/1973). Từ đó, kế hoạch bình định lấn chiếm U Minh và vùng giải phóng nam Cà Mau cũng bị phá sản.

Phối hợp với quân chủ lực quân khu đánh và kìm chân địch ở Chương Thiện, các tỉnh trong toàn quân khu chủ động phát động phong trào bao vây, tiêu diệt, bức rút nhiều đồn bốt, giải phóng thêm nhiều xã, ấp với hàng vạn dân.

Trong lúc quân và dân Quân khu 9 kiên quyết đánh trả kế hoạch bình định lấn chiếm của địch ở Chương Thiện và nhiều nơi khác, thì ở Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đang họp để bàn về đường lối hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam". Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá cao quyết tâm và kinh nghiệm chống phá bình định lấn chiếm của đồng bằng sông Cửu Long, nhất là kinh nghiệm của Khu 9. Đại tướng gợi ý nên phổ biến rộng rãi kinh nghiệm của Khu 9, đồng thời yêu cầu Bộ Tổng tham mưu tích cực nghiên cứu vấn đề này.

Tôi nghĩ rằng, bằng thực tiễn kết quả và kinh nghiệm đám phá âm mưu và kế hoạch bình định lấn chiếm của T3 (Khu 9) những năm 1971-1972, nhất là sau Hiệp định Pari năm 1973, giành dân, giành đất, giành quyền làm chủ, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng, anh Sáu Dân và Khu ủy, Quân khu ủy T3 đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng về Cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới, sau Hiệp định Pari năm 1973.

Sau giải phóng (30/4/1975), ngoài việc tiếp quản, truy quét lực lượng phản cách mạng, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế và ổn định đời sống nhân dân.

Thành phố còn phát triển thêm một số ngành nghề thu hút nhiều lao động (như đan len, dệt thảm len) hoặc dùng nguyên liệu trong nước (như cói, mây tre, cao su). Khuyến khích tận dụng phế liệu (nhựa, kim khí… ) rải rác trong thành phố. Các huyện nông thôn ngoại thành phát động phong trào khai hoang, làm thủy lợi, trồng trọt, chăn nuôi, khôi phục màu xanh ở các vùng "đất trắng" bị bom đạn cày xới. Mặt khác, thành phố vận động nhân dân hồi hương lập nghiệp, đi xây dựng kinh tế mới và giãn dân ra vùng ven.

Hai năm 1975-1976, Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành giai đoạn cách mạng dân chủ nhân dân, khôi phục kinh tế và ổn định một bước đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, bước vào năm 1977, ngành công nghiệp thành phố thiếu nguyên liệu, phụ tùng thay thế trầm trọng; một số cơ sở sản xuất đóng cửa. Nhiều xí nghiệp không đủ nguyên liệu sản xuất, phải để công nhân nghỉ việc, hưởng 70% lương.

Cuối năm 1977, Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu thí điểm cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, mà đỉnh cao là đợt tập trung cải tạo tư sản thương nghiệp vào tháng 3/1978. Tháng 6/1978, nảy sinh vụ “nạn kiều”4. Cũng năm 1978, đồng bằng sông Cửu Long bị lũ lụt nặng, có ảnh hưởng trực tiếp đến Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác. Hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc cũng diễn ra trong thời gian này (từ năm 1977 đến đầu năm 1979).

Thành phố Hồ Chí Minh, một thành phố lớn, đông dân, một trung tâm công nghiệp, đứng trước muôn vàn khó khăn. Khó khăn lớn nhất vẫn là sản xuất và đời sống.

Vấn đề bức xúc nhất trong những vấn đề bức xúc mà anh Sáu Dân và Thành ủy quan tâm tháo gỡ là làm sao các xí nghiệp, nhà máy có đủ nguyên liệu, vật tư để sản xuất; làm sao hạn chế tối đa tình trạng công nhân, do thiếu nguyên liệu sản xuất, phải nghỉ việc hưởng 70% lương; làm sao thành phố có đủ lương thực để cung cấp cho nhân dân hằng tháng?

Lúc đó anh Sáu Dân được Thường vụ Thành ủy phân công trực tiếp chỉ đạo hai ngành công nghiệp đang gặp nhiều khó khăn nhất là dệt và cơ khí.

Thế là, anh Sáu Dân và một số đồng chí Thường vụ Thành ủy cùng các ban, ngành thành phố đã trực tiếp xuống 15 xí nghiệp (trung ương và thành phố để nghiên cứu tại chỗ).

Tôi còn nhớ, lúc đó (khoảng cuối năm 1978 đầu năm 1979), anh Sáu Dân đi xuống nghiên cứu Xí nghiệp dệt Việt Thắng (ở Thủ Đức), một nhà máy lớn, có nhiều công nhân máy móc khá hiện đại.

Vấn đề mà anh Sáu quan tâm nghiên cứu là vai trò của cơ sở (xí nghiệp) trong giải quyết các khó khăn như thiếu nguyên liệu, vật tư, công nhân nghỉ việc, hưởng 70% lương, vấn đề kế hoạch và quản lý sản xuất kinh doanh; đời sống của công nhân. Ngoài ra, anh còn tìm hiểu, đánh giá quần chúng công nhân và phát triển đảng trong công nhân.

Anh Sáu làm việc với ban giám đốc nhà máy, đảng ủy, công đoàn và gặp gỡ, trao đổi với công nhân. Buổi trưa anh ở lại nhà máy nhưng không ăn cơm ở đây do vấn đề ăn uống ởnhà máy lúc đó khó khăn lắm. Đơn vị chúng tôi phân công người hằng ngày mang cơm cho anh, nhưng anh dặn anh em chúng tôi không được đi xe lớn, phải đi chiếc xe honda nhỏ, do xe này ăn ít xăng. Có một số tối anh ngủ lại ở nhà máy để có thì giờ và thuận tiện cho việc anh gặp gỡ và làm việc với một số anh chị em công nhân.

Anh đi nghiên cứu Xí nghiệp dệt Việt Thắng lần đó gần một tuần lễ.

Qua nghiên cứu thực tế tình hình ở một số xí nghiệp, thấy được nguyên nhân của những khó khăn làm cho sản xuất không bung ra được; những tháo gỡ, những việc làm sáng tạo của cơ sở sản xuất, Ban Thường vụ Thành ủy đề ra một số chủ trương, chính sách, biện pháp như: giành quyền chủ động (mở rộng quyền chủ động) cho các cơ sở sản xuất, trong việc giải quyết các khó khăn trong sản xuất, đời sống. Không ỷ lại trông chờ cấp trên. Bổ sung kế hoạch (ngoài kế hoạch chính do Nhà nước cân đối, bổ sung phần kế hoạch do xí nghiệp tự khai thác nguyên liệu, phế liệu và phần kế hoạch liên kết hợp tác với các tỉnh, đơn vị khác). Hạn chế tình trạng công nhân xí nghiệp quốc doanh nghỉ việc, hưởng 70% lương thực hiện chính sách ba lợi ích, trong đó quan tâm đúng mức lợi ích của người lao động. Thực hiện lương khoán, trả lương theo sản phẩm, thưởng phát huy sáng kiến, tăng năng suất...

Tiếp theo, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành thông tư hướng dẫn các bước bổ sung ba phần kế hoạch như trên; quy định tỷ lệ trích lợi nhuận, mức độ khen thưởng sáng kiến, đồng thời, Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định khui kho (đối với các kho do thành phố quản lý) để lấy nguyên liệu, vật tư cung ứng cho các xí nghiệp sản xuất. Mặt khác, thành phố kiến nghị với Chính phủ cho thành phố được sử dụng phế liệu phế thải trong các kho do các bộ, ngành trung ương và quân đội quản lý.

Ngoài các giải pháp trên, thành phố còn chủ trương đẩy mạnh xuất nhập khẩu và thu đổi kiều hối để có ngoại tệ nhập nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất. Thành phố kiến nghị với Trung ương được xuất, nhập khẩu trực tiếp sau khi đã hoàn thành chỉ tiêu xuất đại ngạch cho Trung ương.

Về kiều hối, thành phố thành lập một công ty kiều hối để thu đổi kiều hối của hàng ngàn, hàng vạn gia đình có người thân ở nước ngoài gửi về với tỷ giá thỏa đáng.

Về lương thực, mỗi tháng (thời điểm năm 1978-1979), thành phố tiêu thụ, khoảng 40.000-45.000 tấn, nhưng Trung ương chỉ cung cấp khoảng 30.000 tấn. Trong khi đó, lương thực hàng hóa (sau khi làm nghĩa vụ với nhà nước) ở đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều; nông dân cũng cần bán số lương thực này để mua hàng tiêu dùng, phân bón, thuốc trừ sâu phục vụ sản xuất và đời sống.

Thời gian đó, đích thân Bí thư Thành ủy Sáu Dân đã cùng Công ty Lương thực thành phố do chị Ba Thi làm giám đốc, xuống tỉnh Bạc Liêu gặp Tỉnh ủy, rồi Huyện ủy Giá Rai (nơi còn nhiều lúa) bàn việc mua số lương thực thừa này, sau đó giao cho Công ty Lương thực thành phố tổ chức vận chuyển về thành phố và bán trực tiếp cho nhân dân thông qua hàng ngàn điểm bán ở khu phố, tổ dân phố. Nhờ đó mà bảo đảm và ổn định việc phân phối lương thực cho nhân dân thành phố.

*
* *

Tháng 8/1979, anh Sáu Dân ra Hà Nội họp. Đầu tiên, anh dự họp Bộ Chính trị, sau đó họp Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 (khóa IV) về Tình hình và nhiệm vụ cấp bách với yêu cầu: “Tình hình kinh tế và đời sống nhân dân đang có nhiều khó khăn, Đảng và Nhà nước phải có những chủ trương và biện pháp cấp bách, mạnh mẽ, kiên quyết, đem lại hiệu quả thiết thực nhằm đẩy mạnh sản xuất và bảo đảm đời sống nhân dân, khắc phục những mặt tiêu cực trong hoạt động kinh tế và xã hội…”5.

Trong mấy ngày dự hội nghị cũng như sau khi dự hội nghị về, anh rất vui, phấn khởi. Tôi nghĩ, có thể anh thấy những chủ trương, biện pháp tháo gỡ cho sản xuất bung ra của thành phố phù hợp với Nghị quyết Trung ương 6. Anh đánh giá cao nghị quyết, tin tưởng những chủ trương, chính sách và biện pháp cấp bách của Nghị quyết Trung ương 6 sẽ mở lối ra cho sản xuất phát triển, ổn định đời sống nhân dân.

Tháng 10/1980, Thành phố Hồ Chí Minh họp Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ hai. Trong báo cáo đọc trước đại hội, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt nhấn mạnh:

"Nghị quyết Trung ương 6 (khóa IV) là một nguồn sức mạnh mới, mở ra những hướng suy nghĩ mới, những hướng làm ăn mới nhằm đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

“Đại hội đại biểu lần thứ hai này của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh là đại hội chấp hành sự chuyển hướng chính sách kinh tế của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, giải phóng sức sản xuất. Cải tiến phân phối lưu thông, xoay chuyển tình thế đẩy mạnh sản xuất, trên cơ sở đó mà ổn định đời sống".

Sau Đại hội Đảng bộ thành phố, anh Sáu Dân cùng các đồng chí trong Thường vụ Thành ủy bàn và thống nhất cần tập trung chỉ đạo và tháo gỡ một số khâu quan trọng và phân công phụ trách các khối: sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; sản xuất nông nghiệp và vùng nông thôn ngoại thành; phân phối lưu thông và xuất nhập khẩu, nhà đất.

Về phía Trung ương, tháng 8/1979, Chính phủ đã ban hành quyết định bãi bỏ các trạm kiểm soát có tính chất "ngăn sông cấm chợ", cho phép lưu thông hàng hóa và thị trường tự do. Tiếp theo, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 25/CP, 26/CP về đổi mới quản lý xí nghiệp quốc doanh, cho phép các xí nghiệp xây dựng kế hoạch ba phần và cân đối nguyên liệu vật tư theo ba nguồn: nguồn kế hoạch sản xuất chính; nguồn xí nghiệp tự khai thác; nguồn qua liên doanh liên kết với các bộ, ngành, địa phương bạn.

Nhằm đề cao vai trò chủ động, mở rộng quyền tự chủ của cơ sở sản xuất công nghiệp, anh Sáu Dân trực tiếp chỉ đạo nghiên cứu xây dựng cơ chế tổ chức xí nghiệp. Và tháng 11/1981, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định về cơ chế tổ chức xí nghiệp công nghiệp (quốc doanh).

Trong xây dựng cơ bản, xây dựng các công trình phúc lợi (như mở rộng, xi măng hóa bê tông hóa đường, hẻm...), thành phố vận động nhân dân góp công, góp sức thực hiện phương châm "Trung ương, địa phương và cơ sở cùng làm", “Nhà nước và nhân dân cùng làm".

Với một số chủ trương, chính sách và biện pháp tháo gỡ, tình hình sản xuất công nghiệp đến cuối năm 1980 đã có bước chuyển biến rõ. Hai năm 1981-1982, giá trị sản xuất công nghiệp liên tục tăng, cả công nghiệp quốc doanh trung ương, quốc doanh và công tư hợp doanh địa phương, tiểu thủ công nghiệp. Nhờ sản xuất ổn định, mở rộng mặt hàng, đời sống công nhân được cải thiện, các xí nghiệp, nhà máy thu hút thêm lao động thiếu việc làm, kể cả số công nhân bỏ xí nghiệp trong những năm 1979-1980 nay đều trở lại làm việc. Thành phố đã có bước chuyển biến về cung cách làm ăn mới, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đã xuất hiện một số điển hình tiên tiến về tự chủ trong sản xuất kinh doanh, tháo gỡ, sáng tạo thúc đẩy sản xuất “bung ra” và ổn định đời sống. Thành ủy chỉ đạo tổ chức hội nghị tổng kết học tập và nhân điển hình tiên tiến ở các xí nghiệp, phường xã, quận huyện nhằm phát huy các kết quả trên.

*
* *

Những tìm tòi, tháo gỡ để cho sản xuất "bung ra" (mà sau này ta gọi là giải phóng sức sản xuất) để công nhân, lao động có việc làm, hạn chế tình trạng công nhân (xí nghiệp quốc doanh) nghỉ việc, hưởng 70% lương; tháo gỡ để có đủ lương thực phân phối cho nhân dân..., thực chất là một cuộc đổi mới, đổi mới khá toàn diện, không chỉ trong sản xuất, mà cả trong phân phối lưu thông, xuất, nhập khẩu giá cả, thị trường... Những tháo gỡ này là sự khai mở đột phá, tiến công vào cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp không còn phù hợp với quy luật và thực tế cuộc sống6, xây dựng nền móng, một số mô hình, điển hình tiên tiến về cung cách làm ăn mới, sáng tạo, có hiệu quả. Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và anh Sáu Dân có vai trò và đóng góp quan trọng cho bước đột phá lịch sử này.

*
* *

Năm 2008, anh Sáu ra đi sau một cơn bệnh nặng, để lại bao tiếc thương cho mọi người.

Một năm đã trôi qua! Bây giờ bồi hồi nhớ lại những ngày đầu tiên gặp anh ở Hà Nội, rồi về miền Nam, ở R. Hai thầy trò, hai anh em, mỗi người một nhà lợp lá trung quân, hoặc khi đi công tác thì mỗi người một chiếc xe honda 90, tối mỗi người mỗi chiếc võng,nằm bên nhau, nghe rõ từng hơi thở của nhau. Hết sức thương anh, cô đơn một mình giữa núi rừng (dù vẫn có tập thể và đồng đội, vì chị Sáu và hai cháu Hồng và Tâm đã mất trên chuyến tàu đò Thuận Phong từ Sài Gòn đi lên Củ Chi thăm anh đầu năm 1966, bị trực thăng Mỹ bắn chìm, không lấy được xác và cháu Võ Dũng, con trai đầu lòng của anh đi bộ đội chiến đấu hy sinh ở chiến trường T3. Còn cô con gái Hiếu Dân thì học ở Hà Nội.

Công tác với anh, gần anh trong 6 năm, tôi học được ở anh rất nhiều. Trước hết học ở anh về phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, toàn tâm toàn ý, hết lòng phục vụ nhân dân; học ở anh tư duy nhạy bén, năng động, sáng tạo, luôn đổi mới; học ở phong cách, tác phong giản dị, gần gũi, lắng nghe, sâu sát cơ sở, sâu sát quần chúng; không quan cách, khoa trương hình thức hoặc đại khái chung chung. Nghe cán bộ báo cáo, anh hỏi rất cụ thể, hỏi tới cùng chớ không chịu dừng lại ở hiện tượng hoặc tình hình chung chung. Anh rất quan tâm khâu tổ chức thực hiện: chủ trương một, giải pháp, biện pháp phải mười. Kế hoạch phải sát và cụ thể. Anh là con người "thực tiễn", nói đi đôi với làm dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Khi đã suy nghĩ kỹ và có nghị quyết rồi thì làm quyết liệt, làm tới cùng, làm với tinh thần tiến công cách mạng. Anh cũng rất chú ý khâu tổng kết rút kinh nghiệm, phát hiện, bồi dưỡng và phát huy nhân tố mới như học tập và nhân điển hình tiên tiến.

________

1. Năm 1953, anh Sáu Dân - Võ Văn Kiệt là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bạc Liêu (bao gồm hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu hiện nay).

2. Năm 1973, tôi công tác ở Ban Thống nhất Trung ương, được cơ quan cho đi học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Mới học được 2/3 chương trình.

3. Chỉ thị số 02/CT73 ngày 19/1/1973 của Trung ương cục miền Nam nêu phương châm đấu tranh sau Hiệp định Pari: “Kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị, vũ trang, pháp lý; lấy đấu tranh chính trị làm cơ sở, đấu tranh vũ trang làm hậu thuẫn, phát huy tác dụng pháp lý của Hiệp định".

4. Năm 1978, lợi dụng tình hình thành phố có nhiều khó khăn về đời sống, và việc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh (chủ yếu là người Hoa), bọn phản động dựng nên vụ “nạn kiều”, kích động người Hoa về Trung Quốc.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.40, tr.359.

6. Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (từ ngày 14 đến ngày 25/10/1980) có đoạn: “Cơ chế quản lý chung có nhiều mặt không còn phù hợp, đang dẫn đến nguy cơ triệt tiêu động lực của chế độ làm chủ tập thể”.