Việt Nam và Canada cần hợp tác chặt chẽ, bảo đảm tính bền vững chuỗi cung ứng toàn cầu

NDO - Chiều 23/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Perry Steil đến chào xã giao.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Perry Steil. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Perry Steil. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng thúc đẩy quan hệ với Canada; mong muốn trong nhiệm kỳ của mình, Đại sứ sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào việc phát triển quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Canada, nhất là trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 5 năm quan hệ Đối tác toàn diện (2017-2022) và hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023).

Trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều thách thức và trước tình hình đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, lạm phát tăng cao ở nhiều nước, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi quan hệ hai nước tiếp tục phát triển hiệu quả và thực chất; cảm ơn Chính phủ Canada đã dành cho Việt Nam khoản viện trợ ODA lên tới 1,3 tỷ USD từ năm 1990 đến nay.

Việt Nam và Canada cần hợp tác chặt chẽ, bảo đảm tính bền vững chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh 1
(Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng đề nghị Đại sứ Canada phối hợp thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, đồng thời tăng cường tiếp xúc ở các cấp, các kênh để đẩy mạnh hợp tác song phương, nhất là trong lĩnh vực kinh tế-thương mại-đầu tư, hỗ trợ phát triển, ứng phó và phục hồi sau đại dịch, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, thúc đẩy tăng trưởng sạch và xanh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thủ tướng nhấn mạnh, là hai nền kinh tế mang tính bổ trợ lẫn nhau, đồng thời đều là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam và Canada cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để đưa kim ngạch song phương không ngừng phát triển, góp phần phục hồi nền kinh tế của hai nước cũng như bảo đảm tính bền vững cho chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thủ tướng đề nghị Canada tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là nông, thủy sản, hoa quả mùa vụ, hạt điều, cà-phê, mật ong, đồ gỗ… vào thị trường Canada.

Việt Nam và Canada cần hợp tác chặt chẽ, bảo đảm tính bền vững chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh 2
(Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng cũng cảm ơn và đề nghị Chính phủ Canada tiếp tục hợp tác chặt chẽ để hỗ trợ khoảng 240.000 người Việt Nam đang sinh sống tại Canada có nhiều đóng góp hơn nữa vào sự phát triển của nước này, góp phần thắt chặt giao lưu và là cầu nối quan trọng giữa hai nước; đề nghị Canada hỗ trợ phát triển giáo dục đào tạo thông qua việc tăng cường cấp học bổng cho học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam, thúc đẩy hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác phát triển khoa học công nghệ.

Đại sứ S.P.Steil khẳng định, Canada coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng ở khu vực; bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển vượt bậc của Việt Nam, vượt lên từ đại dịch Covid-19 để tăng trưởng kinh tế, xã hội; đặc biệt đánh giá cao chiến lược ứng phó của Việt Nam trước đại dịch Covid-19, cho rằng với tỷ lệ tiêm chủng rất cao và độ bao phủ rộng, Việt Nam có thể là thí dụ tích cực để nhiều quốc gia trên thế giới học tập kinh nghiệm và hiện có rất nhiều quốc gia muốn tới Việt Nam làm ăn.

Đại sứ khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, cơ quan của Việt Nam để thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện hai nước trong thời gian tới, nhất là dịp hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao vào năm 2023; coi trọng việc thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư song phương thông qua việc thiết lập và tăng cường các hoạt động vận chuyển hàng hóa trực tiếp giữa hai nước, bên cạnh đó sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu và hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP-26, cũng như tăng cường trao đổi về những vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Đại sứ cũng đánh giá cao thành công, đóng góp của cộng đồng người Việt và du học sinh Việt Nam tại Canada, cho rằng đây chính là những “đại sứ thầm lặng” góp phần không nhỏ vào sự tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa hai đất nước.

Việt Nam và Canada cần hợp tác chặt chẽ, bảo đảm tính bền vững chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh 3
(Ảnh: TRẦN HẢI)

Hai bên cũng trao đổi về vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, hiệu lực; bảo đảm tự do, an toàn an ninh hàng hải, hàng không ở Biển Đông.