Việt Nam tiếp nhận kỹ thuật đỉnh cao trong phẫu thuật nội soi lồng ngực, tạo hình phế quản

NDO - Mắc u thùy dưới phổi trái, chị H.T.D (49 tuổi) đối diện với một ca phẫu thuật có thể phải cắt toàn bộ lá phổi trái. Thế nhưng bằng kỹ thuật lần đầu tiên được chuyển giao tại Việt Nam, chị T. chỉ cắt thùy dưới phổi trái và được tạo hình phế quản, mạch máu ngay trong phẫu thuật.
0:00 / 0:00
0:00
Hai chuyên gia Nhật Bản chia sẻ nhiều kỹ thuật mới tại hội thảo. (Ảnh: T.H)
Hai chuyên gia Nhật Bản chia sẻ nhiều kỹ thuật mới tại hội thảo. (Ảnh: T.H)

Chuyển giao kỹ thuật hiện đại nhất, khó nhất trong phẫu thuật lồng ngực

Với việc chuyển giao kỹ thuật của các chuyên gia đến từ Nhật Bản, ngày 8/9, Bệnh viện Phổi Trung ương đã thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi tạo hình khí, phế quản cho bệnh nhân N.T.T.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, bệnh nhân nữ mắc khối u ung thư phổi ở thể ác tính thấp. Khối u đã xâm lấn vào phế quản thùy trên và thùy dưới phổi trái. Với kỹ thuật trước đây, bệnh nhân có thể phải cắt cả lá phổi trái mới loại bỏ hết tế bào ung thư.

Tại cuộc phẫu thuật sáng nay, với sự chuyển giao kỹ thuật của các chuyên gia Nhật Bản kỹ thuật phẫu thuật nội soi tạo hình khí, phế quản trong các bệnh lý phức tạp về phổi, các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương đã giải phóng tất cả động mạch, tĩnh mạch phổi, có dụng cụ đặc biệt khống chế động mạch, tĩnh mạch phổi.

Tiếp đó, các bác sĩ cắt thùy phổi có khối u xâm lấn, bảo đảm cắt triệt để tế bào ung thư. Sau đó, các bác sĩ tạo hình phế quản vào phế quản gốc bên trái, tạo hình mạch máu cho bệnh nhân.

“Với kỹ thuật đỉnh cao của thế giới được chuyển giao cho chúng tôi hôm nay, các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương đã thực hiện can thiệp loại bỏ triệt để phần ung thư ở thùy dưới phổi trái. Ca phẫu thuật diễn ra trong sáng 8/9 rất thành công, bảo tồn phổi lành. Kết quả điều trị cho bệnh nhân rất khả quan”, bác sĩ Lượng cho hay.

Việt Nam tiếp nhận kỹ thuật đỉnh cao trong phẫu thuật nội soi lồng ngực, tạo hình phế quản ảnh 1
Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ về ca phẫu thuật. (Ảnh: T.H)

Đây là kỹ thuật phẫu thuật nội soi tạo hình khí, phế quản trong các bệnh lý phức tạp về phổi lần đầu tiên được các chuyên gia đến từ Nhật Bản hướng dẫn cho Bệnh viện Phổi Trung ương nhân dịp các chuyên gia người Nhật Bản đến từ Bệnh viện Đại học Fukuoka, Nhật Bản nhận lời thăm và trao đổi về lĩnh vực phẫu thuật lồng ngực, các bệnh lý về phổi.

Ngay sau ca phẫu thuật, các chuyên gia đã chia sẻ về kỹ thuật mới tại hội thảo "Cập nhật những tiến bộ trong phẫu thuật lồng ngực” nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn về phẫu thuật lồng ngực.

Hội thảo giúp cho các bác sĩ trong nước hoàn thiện kỹ thuật phẫu thuật khí, phế quản trong bệnh lý ác tính của phổi – một trong những kỹ thuật khó nhất và yêu cầu cao về kỹ thuật phẫu thuật và gây mê, cũng như đội ngũ chuyên gia có trình độ cao. Việc làm chủ được kỹ thuật phức tạp này sẽ mang lại cơ hội sống thêm và có thể là lựa chọn cuối cùng cho người bệnh ung thư phổi giai đoạn nặng.

Hội thảo có sự tham gia của Giáo sư Takeshi Shiraishi, Bệnh viện Đại học Fukuoka, Giáo Sư Toshihiko Sato, Bệnh viện Đại học Fukuoka, Nhật Bản với những chia sẻ về phẫu thuật Carina/phẫu thuật tạo hình phế quản trong điều trị bệnh lý ác tính và phẫu thuật ít xâm lấn và phẫu thuật robot tại Nhật Bản; chương trình ghép phổi tại Bệnh viện Fukuoka.

Giữ chân người bệnh ở trong nước

Theo Tiến sĩ Đinh Văn Lượng, Bệnh viện Phổi Trung ương hiện đã làm chủ nhiều kỹ thuật cao như ghép tế bào gốc, ghép phổi, điều trị bệnh lý nấm phổi, xơ phổi… có chất lượng ngang tầm các nước phát triển.

Bệnh viện cũng đang khởi động chương trình điều trị y học tái tạo, giúp những bệnh nhân mắc bệnh phổi giai đoạn muộn tưởng chừng như vô vọng, được nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài sự sống.

Việt Nam tiếp nhận kỹ thuật đỉnh cao trong phẫu thuật nội soi lồng ngực, tạo hình phế quản ảnh 2
Giáo sư Takeshi Shiraishi, Bệnh viện Đại học Fukuoka, Giáo Sư Toshihiko Sato, Bệnh viện Đại học Fukuoka, Nhật Bản với những chia sẻ về phẫu thuật Carina/phẫu thuật tạo hình phế quản trong điều trị bệnh lý ác tính và phẫu thuật ít xâm lấn và phẫu thuật robot tại Nhật Bản. (Ảnh: T.H)

Kỹ thuật phẫu thuật nội soi tạo hình khí, phế quản trong các bệnh lý phức tạp về phổi được triển khai thành công tại nhiều nước châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Tại Đông Nam Á, Singapore cũng đã làm chủ kỹ thuật này, mang lại hiệu quả điều trị cho người bệnh.

Nhiều người bệnh ung thư phổi phải chi trả khoảng 5-7 tỷ đồng để ra nước ngoài phẫu thuật. Nhưng khi kỹ thuật này được các bác sĩ Việt Nam làm chủ, chi phí chỉ tốn kém khoảng 1-2% so với con số đó, tức là khoảng 30-40 triệu đồng giống như một ca phẫu thuật nội soi thông thường.

“Điều này giúp cho bệnh nhân Việt Nam được hưởng y tế chất lượng cao với chi phí thấp. Nhiều bệnh nhân nghèo, ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội được tiếp cận kỹ thuật này tại Việt Nam”, bác sĩ Lượng cho hay.

Việt Nam tiếp nhận kỹ thuật đỉnh cao trong phẫu thuật nội soi lồng ngực, tạo hình phế quản ảnh 3

Các chuyên gia nghe giới thiệu kỹ thuật mới. (Ảnh: T.H)

Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, bình thường với phẫu thuật cho các bệnh nhân mắc ung thư phổi, tỷ lệ không tái phát khoảng 5-6%, thì với kỹ thuật tạo hình khí phế quản và mạch máu qua phẫu thuật nội soi lồng ngực, sau 5 năm bệnh nhân không có khả năng tái phát lên tới 8-9%.

Để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật này, Bệnh viện Phổi Trung ương đã chuẩn bị hơn nửa năm. Với việc tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật nội soi tạo hình khí, phế quản trong các bệnh lý phức tạp về phổi, Bệnh viện Phổi Trung ương sẽ làm chủ kỹ thuật phẫu thuật nội soi khá hoàn chỉnh.

Hội thảo là hoạt động rất ý nghĩa hưởng ứng mốc son 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản. Sáng 6/9 vừa qua, Bệnh viện Phổi Trung ương cũng đã vui mừng chào đón Đoàn nghị sĩ Nhật Bản đã tới thăm và làm việc, gồm có ngài Ichiro Aisawa, Nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản-Trưởng Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đạo đức chính trị, Hạ viện đồng Chủ tịch Nhóm chuyên trách của Những người bạn của Quỹ Toàn cầu, Nhật Bản tại Quốc hội (FGFJ) cùng các Nghị sĩ đại diện các Đảng: Đảng Dân chủ Tự do, Đảng Komeito, Đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản, Đảng Phục hồi Nhật Bản, Đảng Dân chủ vì Nhân dân; Đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.