Ngày 7/1, tại Ninh Bình, Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo tuyến, Đề án 1816 năm 2021 và phương hướng hoạt động năm 2022.
Hội nghị được tiến hành nhằm mục đích đánh giá các kết quả các hoạt động chỉ đạo tuyến-1816 năm 2021, rút ra các bài học và chia sẻ kinh nghiệm cho các bệnh viện chuyên ngành lao và bệnh phổi, với mục tiêu cuối cùng là cải thiện chất lượng và nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo tuyến-Đề án 1816, chuyển giao kỹ thuật năm 2022 và những năm tiếp theo.
Nhiều năm qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế và cơ quan quản lý trực tiếp là Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bệnh viện Phổi Trung ương đã triển khai hoạt động đào tạo chỉ đạo tuyến, Đề án 1816 rất hiệu quả.
Năm 2021, Trung tâm Đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phổi Trung ương đã tổ chức 7 lớp đào tạo về các chuyên đề khác nhau cho 16 bệnh viện tuyến dưới, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch;
Tiếp nhận và đào tạo 130 học viên các cơ sở y tế trong và ngoài chuyên ngành về học các kỹ thuật tại bệnh viện, trong đó có 73 bác sĩ, 42 điều dưỡng, 15 kỹ thuật viên; Tổ chức 15 lớp đào tạo trực tuyến và cấp chứng chỉ CME cho hơn 3.000 bác sĩ, y sĩ trên phạm vi toàn quốc về chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao.
Bệnh viện đã tổ chức 3 lớp đào tạo lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, thăm dò phục hồi chức năng, quản lý chất lượng bệnh viện cho 600 học viên bệnh viện lao và bệnh phổi tuyến tỉnh; Tiếp nhận hơn 500 sinh viên Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Y Hà Nội, Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Đại học Phenikaa đến thực tập, kiến tập; Tổ chức chuyển giao 5 kỹ thuật cho 6 bệnh viện viện tuyến tỉnh;
Chuyển giao 3 kỹ thuật cho Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Đồng Nai gồm kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO); Kỹ thuật thăm dò huyết động theo phương pháp PICCO; Kỹ thuật nội soi phế quản tại khoa Hồi sức tích cực;
Bệnh viện đã hỗ trợ Bệnh viện đa khoa Ninh Bình về chuyên môn y tế lĩnh vực ngoại khoa lồng ngực, gây mê hồi sức, hồi sức ngoại khoa, phục hồi chức năng hô hấp; Đào tạo cho 41 bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội về hồi sức cấp cứu người bệnh; Đào tạo kỹ thuật chọc hút dịch, khí màng phổi, màng bụng, mở màng phổi tối thiểu cho 55 bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Phổi Sơn La.
Về ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ thống kê thông tin chuyển tuyến, bệnh viện tổ chức hội chẩn 24 ca bệnh trực tuyến; 8 hội thảo khoa học, 6 buổi sinh hoạt chuyên môn và 11 buổi hội chẩn trực tuyến, trung bình hơn 100 các đầu cầu kết nối từ các bệnh viện toàn quốc tham gia.
Hiện nay, Bệnh viện Phổi Trung ương đã xây dựng kế hoạch dựa trên nhu cầu từ các bệnh viện tuyến dưới, phù hợp với thực tế tại cơ sở và phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện để tránh trùng lặp các hoạt động khi thực hiện.
Tại hội nghị, các đại biểu đã báo cáo, thảo luận và đưa ra một số kết luận định hướng cho năm 2022: Khẳng định vị thế chuyên ngành lao và bệnh phổi khi xuất hiện đại dịch có tính tương đồng xảy ra; Chú trọng thực hiện các nhiệm vụ chính của bệnh viện chuyên khoa; Thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng, chống Covid-19, vừa điều trị lao và bệnh phổi - “Chiến thắng Covid, chấm dứt bệnh lao”.
Hội nghị đặt ra mục tiêu trong năm 2022, thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật sẽ tiếp tục nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành lao và bệnh phổi cho các bệnh viện tuyến tỉnh. Qua đó, góp phần giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương, đồng thời bảo đảm sự công bằng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.
Tại hội nghị tổng kết, ông Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, trao Bằng khen của UBND tỉnh Ninh Bình cho Bệnh viện Phổi Trung ương và PGS, TS Nguyễn Viết Nhung vì đã có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Ninh Bình trong thời gian vừa qua.