Ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh phổi giai đoạn muộn

NDO - Ứng dụng tế bào gốc và tế bào miễn dịch trong điều trị bệnh phổi giai đoạn muộn là phương pháp điều trị mới đang được thử nghiệm lâm sàng chứng minh có khả năng chống viêm và giảm xơ phổi.
0:00 / 0:00
0:00
Tiến sĩ Nguyễn Huy Bình, Trung tâm Ghép phổi, Bệnh viện Phổi Trung ương.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Bình, Trung tâm Ghép phổi, Bệnh viện Phổi Trung ương.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Bình, Trung tâm Ghép phổi, Bệnh viện Phổi Trung ương, khảo sát tại Khoa, bên cạnh ung thư và tim mạch thì bệnh phổi là nguyên nhân gây tàn tật và tử vong hàng đầu trên thế giới (13,5%).

Trong số các bệnh nhân được quản lý điều trị tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương, có khoảng 6,7% dân số mắc bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính và có khoảng 6-7% người mắc bệnh phổi mô kẽ 6-7%. Bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi, phải điều trị suốt đời.

“Hiện các phương pháp điều trị hiện nay chỉ cải thiện triệu chứng, nhưng không thay đổi diễn biến tự nhiên của bệnh và sửa chữa tái tạo cấu trúc phổi. Việc kết hợp nhiều thuốc, kéo dài dẫn đến người bệnh phải chịu đựng nhiều tác dụng phụ. Người bệnh được chỉ định ghép phổi khi các phương pháp khác không có hiệu quả. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể chờ đợi có được phổi hiến phù hợp để ghép, hoặc chịu được áp lực về mặt tài chính để được kéo dài sự sống nhờ ghép phổi”, bác sĩ Bình cho hay.

Khi các phương pháp điều trị cho người bệnh phổi giai đoạn muộn ít hoặc không còn hiệu quả, việc sử dụng y học tái tạo ở cả cấp độ tế bào với hy vọng cải thiện tối đa cho người bệnh phổi.

Thời gian qua, ngoài việc triển khai thành công đề án ghép phổi, Bệnh viện Phổi Trung ương cũng đã có sự chuẩn bị đồng bộ, sẵn sàng cho lĩnh vực y học tái tạo ở cả cấp độ tế bào.

Bệnh viện đã xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, cùng hệ thống trang thiết bị y tế tiên tiến nhất, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đạt các chứng chỉ quốc tế về lĩnh vực y học tái tạo.

Bệnh viện đã phối hợp với nhiều đơn vị khác để tiến hành nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng và thu được những kết quả ban đầu rất tích cực, đặc biệt là đề tài “Ứng dụng tế bào gốc trung mô đồng loài trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính” và hiện đang triển khai đề tài “Đánh giá tính an toàn, hiệu quả ghép tế bào gốc trung mô đồng loài từ dây rốn trong điều trị xơ phổi”.

Bệnh nhân Phạm Xuân Đ. (Hải Dương, 78 tuổi) được quản lý trong nhóm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính từ năm 2013. Bệnh nhân được điều trị thường xuyên, tái khám định kỳ theo hẹn nhưng vẫn xuất hiện những cơn ho, khó thở khi đi lại, lên cầu thang, ngủ không sâu giấc vì nặng ngực, khó thở. Mỗi năm, bệnh nhân có 1-2 đợt suy hô hấp cấp phải nhập viện.

Sau khi được thực hiện phương pháp ứng dụng tế bào gốc trung mô đồng loài trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính điều trị bệnh phổi, bệnh nhân ăn tốt, ngủ sâu giấc hơn, giảm hẳn các cơn ho.

Theo Tiến sĩ Bình, liệu pháp tế bào thu hút nhiều quan tâm do có khả năng chống viêm và giảm xơ phổi. Trong đó, tế bào gốc trung mô đang được nghiên cứu nhiều nhất.

Nhiều thử nghiệm lâm sàng cho thấy sau khi sử dụng tế bào gốc trung mô có hiệu quả trên một số bệnh như: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD); Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS); Bệnh phổi mô kẽ (ILD).

Kết quả của nghiên cứu sẽ là cơ sở để bệnh viện tự tin hơn trong triển khai và tiếp nhận chuyển giao các kỹ thuật sử dụng tế bào gốc, tế bào miễn dịch trong điều trị các bệnh phổi giai đoạn muộn.

Trên thế giới, cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, y học tái tạo đã và đang có những bước phát triển vượt bậc.

Cùng với xu hướng của tương lai, Bệnh viện Phổi Trung ương mong muốn sẽ tạo nên những đột phá mới ở lĩnh vực này, giúp những bệnh nhân mắc bệnh phổi giai đoạn muộn tưởng chừng như vô vọng, được nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài sự sống. Người dân Việt Nam có nhiều cơ hội được tiếp cận với kỹ thuật y khoa tiên tiến nhất ngay tại đất nước của mình.

“Liệu pháp tế bào gốc và tế bào miễn dịch một trong các lựa chọn giúp nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân bệnh phổi giai đoạn muộn. Bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ về nhân lực và cơ sở vật chất để triển khai và tiếp nhận chuyển giao các kỹ thuật sử dụng tế bào gốc, tế bào miễn dịch, mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh”, Tiến sĩ Bình nhấn mạnh.