Việt Nam có nhiều lựa chọn để tăng trưởng nhanh và bền vững

NDO - Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là xu thế tất yếu mà bất kỳ các quốc gia nào đều phải thực hiện để giải quyết các vấn đề về khí hậu, môi trường và bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội, trong đó Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Diễn đàn.
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Diễn đàn.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tại hội thảo Phát triển bền vững 2023 với chủ đề Trách nhiệm-Hành động của chúng ta do Báo Đầu tư tổ chức ngày 16/11.

“Các áp lực về chuyển đổi phương thức phát triển, đặc biệt là cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 trong bối cảnh thiếu hụt về tài nguyên, năng lượng, trình độ phát triển khoa học công nghệ còn thấp… sẽ đặt nền kinh tế Việt Nam trước nhiều thách thức.

Tuy nhiên, những phương thức và mô hình phát triển mới như tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ,… cùng với tiến bộ khoa học và kỹ thuật đang mang lại cho nền kinh tế Việt Nam nhiều sự lựa chọn để tăng trưởng nhanh và bền vững”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Thông tin tại Diễn đàn cho thấy, trong bối cảnh thế giới đang trải qua những khó khăn chưa có tiền lệ, việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) cũng như mục tiêu Net Zero càng trở thành thách thức lớn.

Đối với Việt Nam, con đường này càng gập ghềnh, khó đi hơn, nhưng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là xu thế tất yếu mà bất kỳ các quốc gia nào đều phải thực hiện để giải quyết các vấn đề về khí hậu, môi trường và bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội. Chỉ còn 27 năm để thực hiện tham vọng Net Zero của mình, nếu không hành động ngay từ bây giờ, Việt Nam sẽ bị đuối sức trong cuộc chơi toàn cầu.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, dự báo kinh tế thế giới trong giai đoạn tới sẽ có sự thay đổi nhanh chóng với nhiều diễn biến phức tạp. Trên phương diện toàn cầu, việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tạo điều kiện cho dịch chuyển ngày càng tự do và trên quy mô lớn, các nguồn lực phát triển (vốn, công nghệ, nhân lực…). Quá trình đó tạo ra áp lực đòi hỏi các quốc gia phải liên tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, phát triển nhân lực chất lượng cao, đầu tư hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông, viễn thông cũng như hệ thống hạ tầng kết nối các vùng miền trong mỗi quốc gia, bảo đảm khai thác tốt hơn tiềm năng của các vùng lãnh thổ.

Ở trong nước, tăng trưởng kinh tế đang phải đối mặt với các thách thức như năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn chưa cao; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu; phát triển khoa học công nghệ còn hạn chế chưa tạo thành động lực tăng trưởng;

Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào sự gia tăng đầu tư, trong khi nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế-xã hội rất lớn, nguồn vốn nhà nước, vốn ưu đãi và viện trợ đều có xu hướng giảm.

Việc huy động nguồn lực để đáp ứng nhu cầu trong những năm tới sẽ gặp nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi sau dịch Covid-19.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, biến động khó lường như vậy, việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư.

Với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy, chuyển đổi việc thực hiện các mục tiêu phát triển vững trong thời gian tới.

Theo đó, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách thông qua cải cách hành chính công và tiếp tục thúc đẩy sự tham gia của các đối tượng yếu thế trong quá trình ra quyết định.

Tiếp tục ưu tiên đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại để nâng cao năng suất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi sau Covid-19; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hệ thống an sinh xã hội nhằm tăng khả năng chống chịu với các cú sốc, hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế; phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tăng cường hợp tác quốc tế để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững,…