Tiếp tục các nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ hành tinh và cải thiện chất lượng sống của mọi người dân, tháng 9/2015, các thành viên Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua 17 SDG, một phần của Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững. Nửa chặng đường thực hiện SDG trôi qua, tuy nhiên, báo cáo mới đây của Liên hợp quốc đưa ra nhiều thông tin lo ngại. Theo đó, tiến độ thực hiện 50% các SDG hiện ở mức yếu và không đầy đủ, trong khi hơn 30% số mục tiêu bị đình trệ hoặc đảo ngược.
Một số vấn đề hiện nay tiếp tục gây nhức nhối toàn cầu, như tình trạng ô nhiễm khí thải gia tăng, bất bình đẳng tồn tại trong nhiều lĩnh vực, nạn đói quay trở lại mức của năm 2005… Ðại dịch Covid-19, xung đột tại Ukraine, khủng hoảng khí hậu và xung đột chính trị toàn cầu được cho là đã bào mòn những tiến bộ mong manh trong lộ trình thực hiện các SDG. Các chuyên gia Liên hợp quốc cảnh báo, nếu xu hướng hiện nay tiếp diễn, đến năm 2030, ước tính thế giới có khoảng 575 triệu người vẫn mắc kẹt trong tình trạng nghèo cùng cực; khoảng 84 triệu trẻ em và thanh niên không thể đến trường.
Các chuyên gia Liên hợp quốc cảnh báo, nếu xu hướng hiện nay tiếp diễn, đến năm 2030, ước tính thế giới có khoảng 575 triệu người vẫn mắc kẹt trong tình trạng nghèo cùng cực; khoảng 84 triệu trẻ em và thanh niên không thể đến trường
Hướng tới hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về thực hiện các SDG, dự kiến diễn ra vào tháng 9/2023, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tham dự đề xuất các cam kết và lộ trình rõ ràng về đổi mới thực hiện SDG. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, vừa qua, Văn phòng Ðiều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Tổ chức Hợp tác phát triển Ðức phối hợp tổ chức Hội thảo công bố báo cáo Rà soát quốc gia tự nguyện (VNR) năm 2023 của Việt Nam và Ðối thoại chính sách hướng tới Hội nghị cấp cao SDG năm 2023: Cam kết và hành động quốc gia.
Tại hội thảo, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư khẳng định, Việt Nam cam kết tiếp tục đẩy mạnh thực hiện toàn diện SDG thông qua các chiến lược, kế hoạch và chính sách cấp quốc gia, cũng như cấp ngành và địa phương. Cùng với đó, Việt Nam xác định các lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên trong thực hiện SDG để định hướng tập trung nguồn lực và huy động các bên liên quan tham gia.
Ông Lê Việt Anh cũng kỳ vọng, Ðối thoại chính sách nằm trong khuôn khổ Hội thảo là nội dung quan trọng để các bên cùng thúc đẩy đổi mới vì mục tiêu hoàn thành SDG vào năm 2030.
Thế giới đang đứng trước những thách thức chưa từng có. Song, theo các đại biểu, bài học từ thực tế cho thấy, kiên định theo đuổi và thực hiện SDG là vô cùng cần thiết nhằm ứng phó và giải quyết thách thức phi truyền thống, cũng như thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng và hướng tới xã hội bền vững, thịnh vượng. SDG vốn có tính bao trùm và là mục tiêu chung mà Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới hướng tới.
Nhấn mạnh Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể ở nhiều mục tiêu khác nhau, song Ðiều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Pauline Tamesis vẫn cho rằng Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để đưa lộ trình thực hiện SDG trở lại đúng tiến độ. Liên hợp quốc tin rằng, Việt Nam có thể biến thách thức thành cơ hội, nhằm chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế-xã hội bền vững và toàn diện hơn, vì mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh, những cam kết của Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhằm đạt được SDG vào năm 2030 tiếp tục khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương và Chương trình nghị sự năm 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, cũng như cam kết hiện thực hóa các SDG.