Cùng suy ngẫm

Việc làm cho người bị thu hồi đất

Những năm gần đây, việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Sau thu hồi đất, việc học nghề là rất cần thiết nhằm giúp người nông dân ổn định cuộc sống. (Ảnh: Báo Hà Nội mới)
Sau thu hồi đất, việc học nghề là rất cần thiết nhằm giúp người nông dân ổn định cuộc sống. (Ảnh: Báo Hà Nội mới)

Hệ quả là nhiều diện tích đất ở, đất nông nghiệp và phi nông nghiệp bị thu hồi. Điều đáng nói là khi bị thu hồi đất, người dân đang quản lý, sử dụng đất được bồi thường, hỗ trợ theo quy định nhưng khi không còn tư liệu sản xuất, rất nhiều nông dân lâm vào cảnh thiếu việc làm. Trong khi đó, nhiều dự án, nhất là các dự án đô thị, khu dân cư, lại thiếu phương án bố trí, tạo việc làm cụ thể cho người dân. Chưa kể, nhiều dự án sai mục đích, chậm tiến độ… cũng là nguyên nhân khiến người nông dân có đất bị thu hồi không có việc làm.

Bên cạnh một bộ phận thanh niên nông thôn tới các khu công nghiệp làm việc, sự xuất hiện ngày càng nhiều đàn ông, phụ nữ trung niên, người già từ nông thôn ra tìm việc ở các thành phố lớn cho thấy số lượng người lao động ở khu vực nông thôn không có việc làm tại chỗ ngày càng nhiều. Họ phải bươn chải ra thành phố, làm đủ nghề để mưu sinh bởi không còn cơ hội làm việc ở các khu công nghiệp, nhà máy...

Sự hào nhoáng, choáng ngợp của các khu công nghiệp với hàng nghìn nhà máy; các khu đô thị với đầy đủ tiện nghi, được quảng cáo là nơi “đáng sống”; hàng trăm tòa nhà chọc trời chen chúc cư dân; những khu “phố trong làng” thơ mộng… không che lấp được thực tế rất nhiều nông dân mất tư liệu sản xuất, thắc thỏm được bữa nay, lo bữa mai ở những chợ người nơi thành thị.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các chuyên gia về đất đai, việc thu hồi đất lập dự án thời gian qua diễn ra ở tất cả các địa phương. Bên cạnh những dự án có giá trị thật sự nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương, có không ít dự án không cần thiết, không hợp lý, gây xáo trộn đời sống nhân dân. Chưa kể, do chính sách, pháp luật về đất đai còn kẽ hở, chưa hoàn thiện dẫn đến người dân có đất bị thu hồi chưa được bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng.

Mặt khác, những quy định bắt buộc phải tạo việc làm cho người có đất bị thu hồi chưa thật sự hiệu quả và sát thực tế. Bất cứ dự án nào, số tiền hỗ trợ việc làm được trả theo quy định của Nhà nước chỉ đủ cho một hộ dân sinh hoạt trong khoảng thời gian nhất định. Sau khi sử dụng hết số tiền đó, tất yếu họ phải đi tìm việc ở các thành phố lớn. Gánh nặng và áp lực về dân cư cũng như các điều kiện an sinh xã hội khác lại dồn vào chính quyền địa phương nơi người lao động đến tìm việc.

Việc làm tại chỗ cho người dân bị thu hồi đất sản xuất, đặc biệt là đối tượng tuổi trung niên có lẽ là vấn đề cần được tính đến khi lập quy hoạch, triển khai thực hiện các dự án thu hồi đất. Cho nên, cần quản lý chặt chẽ, hạn chế các dự án chưa thật sự cần thiết; đưa nội dung tạo việc làm cho người bị thu hồi đất ở các dự án mới thành nội dung bắt buộc; thu hồi các dự án chậm tiến độ, sai mục đích; tăng cường giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật…