Thu hồi đất: Giá nhà nước và giá tư nhân là nguyên nhân gây ra 75% khiếu kiện

NDO - Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất bỏ việc phân biệt thu hồi đất cho dự án tư và công. Bởi tình trạng này khiến cho người dân luôn cảm thấy thiệt thòi và là nguyên nhân gây ra 75% khiếu kiện.
0:00 / 0:00
0:00

Nguyên nhân gây mâu thuẫn

Sáng 3/11, Quốc hội tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó Điều 79, Luật Đất đai là một trong những điều luật nhận được nhiều tranh luận.

Tại Điều 79, Luật đất đai nêu các trường hợp mà Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề xuất không nên phân biệt dự án công và dự án tư trong thu hồi đất. Đại biểu Vân giải thích rằng, tất cả các quy hoạch, dự án sử dụng đất cho đất ở, đất đô thị, đất thương mại đều được thực hiện bằng quyền lực của nhà nước với uỷ thác của nhân dân. Do vậy, không nên có sự phân biệt dự án công và dự án tư. Bởi hiện trạng này dẫn đến “hai giá”: Giá nhà nước và giá tư nhân. Đây là nguyên nhân sinh ra bất bình đẳng và mâu thuẫn giữa nhà đầu tư và người bị thu hồi đất.

Thu hồi đất: Giá nhà nước và giá tư nhân là nguyên nhân gây ra 75% khiếu kiện ảnh 1

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau). (Ảnh: Đăng Khoa)

“Đây là nguyên nhân chính dẫn đến 75% số vụ khiếu kiện đơn thư về đất đai ở các địa phương hiện nay” - đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) bày tỏ đồng tình với đại biểu Lê Thanh Vân.

Đại biểu Tuấn thể hiện nhiều băn khoăn trước 31 trường hợp cụ thể đã được liệt kê tại Điều 79: “Tôi băn khoăn vì liệt kê các trường hợp cụ thể như vậy có thể vẫn chưa hết, băn khoăn vì quy định như vậy vẫn chưa thể giải quyết triệt một trong những bất cập lớn nhất khi Nhà nước thu hồi đất”.

Cụ thể, khi Nhà nước thu hồi đất, người có đất được bồi thường theo bảng giá đất do Nhà nước ban hành. Trong khi đó, các doanh nghiệp và người có đất thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án thì giá đất thường cao hơn.

Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân luôn cảm thấy thiệt thòi và thiếu sự đồng thuận khi Nhà nước thu hồi đất.

Doanh nghiệp cũng dở khóc, dở cười

Mặt khác, khi doanh nghiệp triển khai dự án phải thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất cũng gặp không ít khó khăn. Có trường hợp doanh nghiệp phải mất nhiều năm để thỏa thuận, có trường hợp phải “đi đêm” để thỏa thuận với giá cao. Điều này tạo ra thiếu công bằng với số còn lại.

Ngay cả khi đã thỏa thuận chuyển nhượng được trên 90% diện tích, doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng dở khóc dở cười nếu số còn lại không đồng thuận. Trong hoàn cảnh đó, doanh nghiệp buộc phải tăng chi. Điều này gây lãng phí nguồn lực, mất cơ hội đầu tư cho chính doanh nghiệp.

Thu hồi đất: Giá nhà nước và giá tư nhân là nguyên nhân gây ra 75% khiếu kiện ảnh 2

Đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang). (Ảnh: Đăng Khoa)

Bằng những lập luận trên, đại biểu Tuấn đề xuất Quốc hội xem xét, chỉnh sửa, bổ sung Điều 79 và các điều khoản liên quan trong dự thảo luật theo hướng Nhà nước thu hồi đất đối với các trường hợp thực hiện dự án phát triển kinh tế xã hội, nhất là thu hồi để chuyển đổi mục đích sử dụng.

Đại biểu Tuấn cho rằng, điều này xuất phát từ 4 thực tiễn:

Một là, 31 trường hợp do Nhà nước thu hồi đất được quy định tại Điều 79 có phạm vi bao quát khá rộng. Các trường hợp dự án phát triển kinh tế xã hội còn lại thuộc diện thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất là không nhiều.

Hai là, không có căn cứ cụ thể, thuyết phục đối với việc phân biệt trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng với trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất khác.

“Xét cho cùng thì mọi trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất đều phải tuân thủ pháp luật, phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích cộng đồng” - đại biểu Tuấn nhận định.

Ba là, khi doanh nghiệp nhận quyền chuyển nhượng sử dụng đất thường là đất nông nghiệp sau đó chuyển đổi mục đích để thực hiện dự án. Người có đất nông nghiệp (sẽ được chuyển nhượng mục đích) thường đòi hỏi giá cao hơn, tương đương với loại đất khác. “Như vậy, về bản chất có thể nói một cách hình ảnh rằng người bán đang bán thứ mà mình không có. Đây là điều vô lý” - đại biểu Tuấn nói.

Bốn là, nếu quy định Nhà nước thu hồi đất đối với các trường hợp phát triển kinh tế-xã hội sẽ góp phần khắc phục triệt để những khó khăn, vướng mắc bởi những bất cập trong quá trình thực hiện Luật đất đai hiện hành. Đặc biệt tình trạng đơn thư khiếu kiện sẽ giảm, bảo đảm quá trình diễn ra công bằng công khai, minh bạch hơn.

Thu hồi đất: Giá nhà nước và giá tư nhân là nguyên nhân gây ra 75% khiếu kiện ảnh 3

Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Đăng Khoa)

Xác định nguyên tắc bồi thường giá đất

Bên cạnh đó, đại biểu Tuấn cũng đề nghị cần cụ thể hóa nguyên tắc giá đất do Nhà nước bồi thường cho giá thu hồi đất phải sát với giá thị trường và cơ chế điều tiết địa tô chênh lệch để tạo sự công bằng. “Người có đất thu hồi không bị thiệt thòi” - đại biểu Tuấn nói.

Về vấn đề này, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nhấn mạnh, phải quán triệt nguyên tắc nhất quán trong việc xác định bồi thường giá đất theo hai nguyên tắc. Một là, chỉ bồi thường giá trị đất theo mục đích ghi trong chứng nhận quyền sử dụng đất để không lẫn lộn giữa các loại đất khi xác định việc bồi thường. Hai là, tất cả các thành viên trong xã hội đều được hưởng lợi từ giá trị gia tăng trên mảnh đất nhà nước đầu tư và thực hiện quy hoạch.

“Không một ai được hưởng quyền lợi riêng ở đấy cả” - đại biểu Vân bày tỏ.

Ông cho rằng, một khi xác định được hai nguyên tắc này trong giá thu hồi đất sẽ khắc phục được sự nhầm lẫn hay đội giá trong việc bồi thường đất.