Việc công nhận quy chế thị trường cho Việt Nam lẽ ra cần thực hiện sớm hơn

NDO - Theo kế hoạch, quyết định chính thức về nền kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ được Hoa Kỳ công bố tháng 7/2024. Căn cứ vào những tiêu chí mà Hoa Kỳ đưa ra, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam là một nền kinh tế thị trường. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng, Trường đại học Kinh tế quốc dân trao đổi với báo chí về vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng.

Những tiến bộ vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam

Phóng viên: Hiện có nhiều ý kiến khác nhau trước việc Hoa Kỳ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam, quan điểm của ông thế nào?.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng: Tôi cho rằng việc Hoa Kỳ quyết định chính thức công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam là phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam và nỗ lực của gần 40 năm đổi mới, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Xét theo tất cả các tiêu chí mà phía Hoa Kỳ đưa ra để xác định một nền kinh tế thị trường thì có thể khẳng định nền kinh tế Việt Nam đã vận hành theo kinh tế thị trường và việc công nhận quy chế này đáng lẽ cần được Hoa Kỳ tiến hành sớm hơn theo đề xuất của Việt Nam trước đây.

Phóng viên: Ông có thể nói cụ thể hơn về các tiêu chí của nền kinh tế thị trường mà Việt Nam đã đạt được?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng: Theo Đạo luật thuế quan Hoa kỳ năm 1930 và các lần sửa đổi, trạng thái kinh tế phi thị trường chủ yếu áp dụng đối với các nước xã hội chủ nghĩa với 6 tiêu chí: Mức độ chuyển đổi của đồng tiền; mức độ thương lượng tiền lương giữa người chủ và lao động; mức độ tự do đối với đầu tư của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; mức độ sở hữu hoặc phương pháp sản xuất của doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước; mức độ kiểm soát của Chính phủ đối với mạng lưới phân phối, giá cả và sản lượng; các yếu tố thích hợp khác do cơ quan quyền lực Hoa Kỳ cân nhắc xem xét.

Nếu xem xét theo các tiêu chí này, tính từ thời điểm Hiệp định thương mại song phương Việt Nam-Hoa kỳ có hiệu lực từ năm 2001, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc.

Đồng tiền Việt Nam (VND) có thể chuyển đổi sang đồng tiền của các nước, nhất là các đồng tiền tự do chuyển đổi toàn cầu như đô la Mỹ (USD) và euro châu Âu. Đồng tiền Việt Nam (VND) được duy trì tỷ giá phù hợp với tỷ giá thị trường.

Theo khảo sát của nhà chức trách tiền tệ Hoa Kỳ, Việt Nam không có hành vi thao túng tiền tệ. Việt Nam đã được đưa ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ. Điều này là sự minh chứng khách quan về bản chất đồng tiền Việt Nam phù hợp với giao dịch thị trường.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã quyết liệt xử lý các tiêu cực trên thị trường trái phiếu, làm tăng tính minh bạch của thị trường trái phiếu, loai bỏ tình trạng thao túng thị trường và đã có các quy định phòng, chống rửa tiền.

Về tiền lương lao động, Nhà nước chỉ quy định mức lương tối thiểu vùng để bảo vệ người lao động cũng như các nước có nền kinh tế thị trường phát triển. Hơn nữa, việc cải cách tiền lương và mức lương mới được nâng lên từ ngày 1/7/2024 góp phần điều chỉnh thị trường lao động phù hợp với trình độ phát triển kinh tế từ nước thu nhập trung bình thấp (năm 2010) đến nước có thu nhập trung bình cao (năm 2030).

Vai trò tổ chức công đoàn trong thương lượng được phát huy theo các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), làm tăng tính minh bạch và hoàn thiện thị trường lao động.

Về đất đai, Việt Nam đã sửa Luật Đất đai theo cơ chế thị trường, bảo đảm giá đất sát thị trường và bản chất thị trường của sở hữu toàn dân về đất đai được minh bạch hóa.

Ngay cả các doanh nghiệp nhà nước cũng đang vận hành theo nguyên tắc thị trường, tiếp cận bình đẳng nguồn lực với doanh nghiệp tư nhân và tư nhân được hợp tác chiến lược với Nhà nước trong mô hình hợp tác công tư.

Kinh tế tư nhân Việt Nam được khuyến khích phát triển. Sự vận hành của doanh nghiệp nhà nước được minh bạch hóa, tham nhũng được đấu tranh quyết liệt làm tăng tính minh bạch và công bằng của thị trường.

Về mạng lưới phân phối, giá cả và sản lượng hàng hóa đều hầu như do thị trường điều tiết cả về xăng dầu và thuốc chữa bệnh.

Tiềm năng tươi đẹp của tương lai hợp tác giữa hai nước

Phóng viên: Còn tiêu chí về mức độ tự do đối với đầu tư của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam đã thực hiện ra sao, thưa ông?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng: Việt Nam bảo đảm sự tự do cao nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong gần 40 năm thu hút vốn FDI, Việt Nam thu hút khoảng 450 tỷ USD vốn đăng ký và 230 tỷ USD vốn thực hiện.

Năm 2020, Việt Nam trở thành một trong 20 quốc gia thu hút FDI lớn nhất thế giới và dòng vốn FDI vào Việt Nam đang có xu hướng tăng lên. Sau khi có Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 10/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, quy mô FDI vào Việt Nam còn tiếp tục tăng lên, khẳng định sự tự do đối với đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam ngày càng cải thiện.

Việt Nam còn cam kết thực hiện Thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, càng khẳng định sự minh bạch và tự do ngày càng cao của môi trường đầu tư với sự hỗ trợ cao nhất có thể.

Phóng viên: Đến nay, hơn 70 quốc gia đã công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Việc Hoa Kỳ công nhận quy chế thị trường cho Việt Nam sẽ có lợi ích như thế nào, thưa ông?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng: Với nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp Việt Nam không bị cáo buộc bán phá giá và bán hàng trợ cấp nên sẽ tăng xuất khẩu, và doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu vào thị trường Hoa Kỳ. Việt Nam cũng sẽ thu hút mạnh FDI từ Hoa Kỳ.

Quy mô xuất nhập khẩu và đầu tư sẽ đạt kỷ lục mới. Những lĩnh vực hợp tác mới có điều kiện mở rộng phạm vi và hầu như không còn rào cản truyền thống.

Các lĩnh vực mới như chuyển đổi năng lượng công bằng, chuyển đổi xanh, phát triển công nghiệp bán dẫn, chuyển dịch cơ cấu năng lượng, phát triển các lĩnh vực khoa học công nghệ cao, đào tạo nhân lực chất lượng cao và nhiều lĩnh vực có triển vọng khác sẽ được phát triển trên nền tảng đối tác thương mại bình đẳng hoàn toàn và thực chất.

Đó là tiềm năng tươi đẹp của tương lai hợp tác giữa hai nước.

Đến nay đã có 72 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó có các nền kinh tế lớn như: Anh, Canada, Australia, Nhật Bản... Việt Nam cũng đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với hơn 60 đối tác, trải rộng khắp các châu lục.

Việc Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ góp phần cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước, tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, qua đó thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng