Việt Nam đã là một nền kinh tế thị trường

Ngày 8/5 vừa qua, tại Washington, Bộ Thương mại Mỹ tổ chức phiên điều trần về nâng cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Đây là một bước quan trọng trong quá trình xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, được dư luận rất quan tâm. Phóng viên Báo Nhân Dân phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên (trong ảnh), nguyên Tổ trưởng Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam đã là một nền kinh tế thị trường

Phóng viên: Từ góc độ của một người làm công tác nghiên cứu kinh tế, ông nhận định như thế nào về việc Bộ Thương mại Mỹ tổ chức phiên điều trần về nâng cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam ngày 8/5 vừa qua?

TS Nguyễn Đức Kiên: Bộ Thương mại Hoa Kỳ tổ chức phiên điều trần về việc Việt Nam có đáp ứng được tiêu chí của một nền kinh tế thị trường hay không là tín hiện tích cực trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Điều này cho thấy những cải cách của Việt Nam trong thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đang đi đúng hướng.

Trong phiên điều trần, một trong những nội dung chúng ta quan tâm nhất là Hoa Kỳ thực hiện cam kết về việc hai bên tôn trọng sự khác biệt về thể chế chính trị của nhau. Những vấn đề đó đang được các bên thực hiện và xứng tầm với quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ ở cấp đối tác chiến lược toàn diện. Điểm tích cực có thể nhận thấy qua phiên điều trần là những cải cách thể chế của Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ-quốc gia định ra luật chơi kinh tế thị trường phải để ý đến và có trao đổi bàn thảo. Như vậy đã là một sự thắng lợi. Vì trước đây, những gì ta làm đều được mặc định là sai, nhưng nay, họ đặt vấn đề nhìn nhận việc Việt Nam đang làm. Theo tôi, đó là một bước tiến trong nhận thức và trong quan hệ giữa hai nước.

Phóng viên: Ông nhìn nhận thế nào khi có những quan điểm trái chiều giữa các tổ chức nghiên cứu cũng như các hiệp hội ngành hàng của Hoa Kỳ trước việc Bộ Thương mại nước này cân nhắc công nhận quy chế thị trường cho Việt Nam?

TS Nguyễn Đức Kiên: Trong quá trình phát triển kinh tế thị trường, ngay bản thân các nước tư bản đi trước cũng có rất nhiều mô hình khác nhau. Nếu như nền kinh tế thị trường của Pháp là mô hình tăng trưởng theo kiểu cũ thì Hoa Kỳ lại chọn mô hình tăng trưởng theo chủ nghĩa kinh tế thị trường kiểu mới; Đức và Áo lại là mô hình kinh tế thị trường xã hội; còn các nước Bắc Âu phát triển kinh tế thị trường phúc lợi. Cũng là kinh tế thị trường nhưng các nước tùy thuộc vào văn hóa, dân tộc, địa lý, tài nguyên khoáng sản để phát triển kinh tế, mục tiêu là làm sao đạt được tốc độ phát triển kinh tế nhanh, nâng cao đời sống người dân. Mục tiêu của Việt Nam xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn tương thích với cách mà các nước khác đã lựa chọn và đi trước.

Trong quá trình đó, một số chuyên gia trong và ngoài nước nhận định Việt Nam có điểm chưa làm tốt, thể hiện ở hai việc: Những hạn chế trong khu vực doanh nghiệp nhà nước còn quá lớn và nhà nước vẫn còn can thiệp vào thị trường, cụ thể là thị trường xăng dầu, thị trường điện. Ý kiến này là nhận xét phiến diện, không đặt trong một bức tranh tổng thể với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam. Đơn cử trong thị trường xăng dầu, Việt Nam không hạn chế doanh nghiệp đầu mối tham gia vào thị trường nhưng quy định đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu về kho bãi, vốn và quan trọng nhất là phải xử lý được ngoại tệ để nhập khẩu.

Cho nên, nếu chỉ nhìn qua hiện tượng các cây xăng bán ở bên ngoài thì dễ nhìn nhận nhà nước vẫn độc quyền trong thị trường xăng dầu. Nhưng nếu nhìn vào số liệu cụ thể về thị trường, thị phần, khả năng bảo đảm cung ứng xăng dầu ngay cả ở khu vực miền núi thì sẽ nhận thấy chỉ có doanh nghiệp nhà nước là Petrolimex mới gánh trách nhiệm đảm đương nhiệm vụ cung ứng xăng dầu trong cả nước, ngay cả ở những địa bàn không có lợi nhuận. Như vậy có nghĩa là Nhà nước đang thực hiện chức năng bảo đảm an sinh xã hội và cũng là một phần chức năng của Nhà nước phúc lợi. Đó là cách giải thích đơn giản và dễ hiểu về mô hình kinh tế thị trường của Việt Nam.

Còn đối với sự can thiệp của Nhà nước vào doanh nghiệp, chúng ta thấy trong câu chuyện xử lý khủng hoảng ngân hàng ở Hoa Kỳ năm 2023, Chính phủ nước này phải cam kết tiền gửi của người dân ở ngân hàng không bị mất. Việt Nam cũng có giải pháp tương tự khi xử lý các ngân hàng yếu kém, nếu không thì điều gì sẽ xảy ra đối với doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế? Tôi cho rằng cần nhìn rộng ra để thấy trong xử lý tình huống của nền kinh tế phải rất uyển chuyển, nhìn theo mục tiêu dài hạn để từ đó thấy rằng quá trình vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam thông suốt.

Sự ổn định thể hiện ở những ảnh hưởng xấu do tác động của kinh tế thị trường đến xã hội, đến cuộc sống người dân ở mức có thể chấp nhận được và trong phạm vi có thể phòng tránh được, không xảy ra tình trạng thất nghiệp hàng loạt, đẩy người dân đến tình trạng vô gia cư. Đó là mặt thành công của Việt Nam khi vận hành theo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phóng viên: Trong bộ tiêu chí để xác định một nền kinh tế thị trường, theo ông, Việt Nam đã thực hiện tốt ở những tiêu chí nào?

TS Nguyễn Đức Kiên: Một trong những thành công của chúng ta là đã hoàn thiện, đồng bộ được các thể chế để nền kinh tế vận hành thông suốt. Tất nhiên cũng có những lúc thể chế còn gò bó ở điểm này, điểm kia nhưng cũng thấy rằng ngay cả Hoa Kỳ cũng thành lập Liên minh Công nghiệp bán dẫn Chip 4 và tuyên bố không bán công nghệ này cho các nước không thân thiện. Đó chính là nhà nước can thiệp vào kinh tế và quốc gia nào cũng có. Một nền kinh tế được xác định là kinh tế thị trường khi nó tự vận hành theo nền kinh tế thị trường và trong quá trình đó, Nhà nước chính là người cầm lái điều khiển đi theo hướng nào.

Chúng ta cần thuyết minh cho các bạn quốc tế thấy hệ thống pháp luật của Việt Nam đến thời điểm hiện nay, đặc biệt là sau khi Hiến pháp 2013 ra đời thì hầu hết các luật được ban hành đều tương thích với hệ thống luật quốc tế và tương thích với các điều ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết. Đến nay chưa có tổ chức nào trên thế giới trong hợp tác đa phương và song phương phản ánh Việt Nam chưa thực hiện cam kết.

Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia về đích sớm trong thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Quan niệm của chúng ta về an sinh xã hội, về định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường đã được thế giới ghi nhận thông qua việc xóa đói, giảm nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau. Đó là hai điểm chúng ta thấy tự hào nhất, là thành công của chúng ta.

Phóng viên: Với dòng chảy thương mại đang tăng nhanh trong quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia hiện nay, việc Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ đem lại lợi ích thế nào cho cả hai bên, thưa ông?

TS Nguyễn Đức Kiên: Đứng về phương diện của nền kinh tế, lợi ích của việc được công nhận là nền kinh tế thị trường sẽ giúp Việt Nam mở rộng thương mại và đầu tư với Hoa Kỳ, gián tiếp tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Về phía các công ty Hoa Kỳ sẽ có thêm cơ hội tiếp cận thị trường và xuất khẩu sang Việt Nam, góp phần thúc đẩy chuỗi cung ứng phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ, nhất là trong thời điểm hiện nay, khi Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất lớn về hàng điện tử tiêu dùng, may mặc và đặc biệt là cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Quan trọng nhất, việc Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ góp phần cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo cấp cao hai quốc gia, tăng cường mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, qua đó thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.