Khí thải xăng, dầu từ giao thông đóng góp 46% bụi siêu nhẹ
Theo nghiên cứu được Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Trường đại học Bách khoa Hà Nội công bố, khí thải xăng và dầu diesel từ giao thông đã đóng góp tới 46% lượng bụi siêu mịn. Trong số này, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi từ xe máy chiếm hơn 90% vào tổng mức phát thải từ giao thông. Xếp sau đó là xe tải hạng nặng, xe buýt và xe tải hạng nhẹ.
Đây cũng được coi là nguồn phát thải lớn nhất Thủ đô. Theo số liệu năm 2019 của Hà Nội, tổng phát thải bụi PM 2.5 từ các nguồn là hơn 30.000 tấn. Hơn 50% số này tới từ nguồn thải tại chỗ; trong đó, hoạt động giao thông, bụi đường chiếm tỷ trọng cao nhất với khoảng 56%. Vào thời điểm kể trên, toàn thành phố có 1,1 triệu xe ô-tô, hơn 6,9 triệu xe máy. Đáng chú ý, 70% trong số này đã sử dụng trên 10 năm, tạo ra nguồn phát thải lớn.
Theo nghiên cứu được Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Trường đại học Bách khoa Hà Nội công bố, khí thải xăng và dầu diesel từ giao thông đã đóng góp tới 46% lượng bụi siêu mịn. |
Một số liệu khác được Sở Giao thông vận tải Hà Nội công bố cho thấy, đầu năm 2024, số lượng ô-tô và xe máy trên toàn thành phố đã tăng lên tới hơn 8 triệu chiếc. Như vậy, trung bình mỗi năm, số lượng phương tiện giao thông ở Hà Nội tăng thêm 390.000 chiếc.
Áp lực từ quá trình gia tăng không ngừng của phương tiện cá nhân đã khiến cho ô nhiễm không khí ở Hà Nội thường xuất hiện và trở nên trầm trọng hơn theo 2 khung giờ cố định. Cụ thể, kết quả quan trắc từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, tình trạng trên thường nặng nhất vào khoảng từ 6-8 giờ sáng và 17-19 giờ chiều, trùng với khoảng đi làm và tan tầm. Đây là thời điểm mật độ giao thông cao nhất trong ngày.
Tình trạng ô nhiễm không khí thường trầm trọng nhất vào khung giờ đi làm hoặc tan tầm. |
Xếp thứ hai trong tỷ lệ phát thải là các hoạt động sản xuất công nghiệp. Hà Nội có 10 khu công nghiệp, khoảng 1.300 làng nghề. Đó là chưa kể đến hàng trăm cơ sở sản xuất công nghiệp ở các tỉnh thành lân cận như Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nam…
Bên cạnh đó, một lượng lớn khí thải cũng được sinh ra từ các hoạt động đốt phụ phẩm nông nghiệp (chiếm 13%). Thực tế, khoảng thời gian ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất cũng trùng vào dịp thu hoạch hai vụ lúa Hè Thu và Đông Xuân. Vào thời điểm này, khói đốt rơm rạ từ các khu vực ngoại thành như Đông Anh, Quốc Oai, Chương Mỹ… lại “đóng góp” không nhỏ khiến cho Hà Nội… mù mịt hơn.
Ô nhiễm không khí do đốt rác, đốt rơm rạ tại Hà Nội. |
Báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam 2023 nêu rõ: Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tỷ lệ đốt rơm, rạ ở các huyện khá cao, trung bình chiếm khoảng 20% tổng lượng rơm, rạ phát sinh sau vụ Đông Xuân 2021 (khoảng hơn 710.676 tấn rơm rạ tươi). Kết quả, hành động trên sẽ phát sinh ra 179 tấn bụi PM 10, và 163 tấn bụi PM 2.5.
Ngoài ra, các nguồn như xây dựng, đốt rác, y tế và hoạt động dân sinh khác đóng góp khoảng 10% vào tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Cùng với đó là vấn đề thời tiết. Từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, khí hậu ở TP Hà Nội có sự chênh lệch ngày đêm về nhiệt độ, độ ẩm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt rất lớn làm hạn chế khả năng khuếch tán chất ô nhiễm, đặc biệt là bụi PM 10 và bụi mịn PM 2.5.
29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM 2.5 vượt quy chuẩn quốc gia
Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, mỗi ngày, Hà Nội tiêu thụ khoảng 80 triệu kWh điện và hàng triệu lít xăng dầu, cùng tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp, rác thải tự phát.
Biến đổi khí hậu hay việc quy hoạch phát triển đô thị chưa đồng bộ, thiếu lồng ghép giải pháp bảo vệ môi trường, nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân... đang là thách thức lớn với sự phát triển đô thị văn minh. Dù Hà Nội bước đầu kiểm kê được nguồn phát thải, nhưng việc chậm triển khai các giải pháp xử lý dẫn đến mức độ ô nhiễm không thuyên giảm mà luôn ở mức tăng cao.
Biến đổi khí hậu hay việc quy hoạch phát triển đô thị chưa đồng bộ, thiếu lồng ghép giải pháp bảo vệ môi trường, nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân... đang là thách thức lớn với sự phát triển đô thị văn minh. |
Tại Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam” tổ chức tháng 11/2024, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, ô nhiễm không khí hiện nay là vấn đề ô nhiễm môi trường chính không chỉ ở Việt Nam, mà cũng là vấn đề môi trường chính của các quốc gia trên thế giới. Tại nhiều quốc gia, từ các nước phát triển đến các nước đang phát triển, đều đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, khu vực đô thị.
Bộ trưởng nêu thực trạng, tại Việt Nam, vấn đề ô nhiễm không khí đã xuất hiện như hệ quả của quá trình phát triển kinh tế-xã hội và đô thị hóa. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm đã tăng lên mức đáng lo ngại trong khoảng 10 năm gần đây, tập trung tại các thành phố lớn, như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đáng chú ý, theo báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia, nồng độ bụi mịn PM 2.5 trong không khí trung bình năm tại Hà Nội giai đoạn 2018-2020 vượt gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Số ngày trong năm 2019 có chỉ số chất lượng không khí kém và xấu chiếm 30,5%. Một số ngày, chất lượng không khí còn được ghi nhận ở ngưỡng rất xấu.
Ảnh minh họa. |
Cũng theo báo cáo kể trên, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã tại Hà Nội có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia. Giữa các quận, huyện, thị xã cũng có sự chênh lệch nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm, trong đó nồng độ bụi cao hơn ở các quận nội thành và thấp hơn ở các huyện ngoại thành (trừ các huyện Gia Lâm, Đông Anh và Thanh Trì).
Kết quả quan trắc giai đoạn 2022-2023 cũng cho thấy bụi mịn PM 2.5 trung bình năm tại Hà Nội, Bắc Ninh và Thái Nguyên đều vượt quy chuẩn. Riêng Hà Nội bụi PM 2.5 dao động 26- 52μg/Nm3, vượt giới hạn 1,1-2,1 lần.
Mới đây nhất, theo Báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam năm 2023 được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố ngày 8/1/2025 cho thấy, ngay cả tại các vùng nông thôn miền bắc vẫn có những đợt chất lượng không khí bị suy giảm xuống mức nghiêm trọng, bụi mịn PM 2,5 tăng cao, có trạm vượt 3,5 lần giới hạn quy chuẩn. Ô nhiễm không khí phân hóa theo vùng miền, phía bắc thường cao hơn so với miền trung, Tây Nguyên và miền nam. Tại mỗi vùng miền, chất lượng không khí cũng có sự phân hóa về nồng độ, phụ thuộc vào sự phân bố của các nguồn thải.
Ngay tại các vùng nông thôn, tình trạng ô nhiễm không khí cũng đáng báo động. |
Giải thích thêm về cơ chế “gia tăng” ô nhiễm của yếu tố thời tiết, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho biết: Điều kiện gió lặng, nhiệt độ thấp, ít mưa, độ ẩm cao… làm giảm khuếch tán của không khí khiến các chất ô nhiễm lưu cữu ở tầm thấp, không thoát lên cao hoặc ra các vùng khác được khiến nồng độ PM2.5 (bụi mịn) ngày càng tăng. Khi không giảm được các nguồn gây ô nhiễm không khí, lại vào đúng thời điểm mùa đông Hà Nội gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi sẽ làm tăng chỉ số AQI.
“Những điều kiện thời tiết này là không thể điều khiển được. Cách kiểm soát được đó là hạn chế các nguồn ô nhiễm. Mấy năm qua chúng ta cũng đã biết được các nguồn ô nhiễm cụ thể”, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhấn mạnh.
Theo Báo cáo Gánh nặng bệnh tật toàn cầu (IMHE 2019), ô nhiễm không khí đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng nguy cơ gây tử vong và bệnh tật tại Việt Nam. Đây là tác nhân gây ra một loạt nguy cơ như nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư phổi...