Cải thiện chất lượng không khí đô thị

Thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, nhất là ô nhiễm bụi mịn trên địa bàn thành phố Hà Nội ngày càng có chiều hướng gia tăng.
0:00 / 0:00
0:00
Tình trạng ô nhiễm không khí diễn ra thường xuyên tại Hà Nội trong những ngày qua. (Ảnh TỐ LINH)
Tình trạng ô nhiễm không khí diễn ra thường xuyên tại Hà Nội trong những ngày qua. (Ảnh TỐ LINH)

Từ tháng 9/2024 đến nay, Hà Nội có rất nhiều ngày ô nhiễm ở mức cao của thế giới. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) liên tục ở mức đỏ và tím, tương đương với mức xấu, rất xấu.

Tình trạng ô nhiễm ngày càng lan rộng ra khu vực ngoại thành. Điển hình vào 11 giờ ngày 6/1, Hà Nội có chín khu vực có chỉ số AQI ở ngưỡng xấu, ba khu vực ở mức kém, như khu vực xã Vân Hà (huyện Đông Anh) có chỉ số AQI là 194; khu vực phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) có chỉ số AQI là 184; thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) là 164…

Từ tháng 9/2024 đến nay, Hà Nội có rất nhiều ngày ô nhiễm ở mức cao của thế giới. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) liên tục ở mức đỏ và tím, tương đương với mức xấu, rất xấu.

Đặc biệt, vào thời điểm 9 giờ 30 phút ngày 7/1, Hà Nội là thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất thế giới, khi chỉ số AQI trung bình đạt 278. Ngay cả quận Tây Hồ, địa bàn được xem là có môi trường tốt Hà Nội, có chỉ số AQI cao nhất, từ 352-386, đạt ngưỡng nguy hiểm theo thang xếp loại.

AQI là chỉ số theo dõi chất lượng không khí, dao động từ 0-500. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi chỉ số AQI ở mức xấu (từ 151-300), người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời, nếu ra ngoài cần đeo khẩu trang để ngăn bụi mịn PM2.5 xâm nhập vào cơ thể… Nguyên nhân ô nhiễm không khí, bụi mịn phần lớn xuất phát từ khí thải các phương tiện giao thông, công trình xây dựng, đường sá và nhà máy công nghiệp, làng nghề.

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thời gian qua thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp như loại bỏ hơn 99% số bếp than tổ ong, giảm 80% việc đốt rơm rạ ở ngoại thành, loại bỏ hàng trăm lò gạch thủ công, thí điểm đo kiểm tra khí thải xe máy cũ, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, các công trình xây dựng và thực hiện vệ sinh đường phố thường xuyên.

Để giảm ô nhiễm môi trường và xây dựng vùng an toàn về không khí theo Luật Thủ đô, tháng 12/2024, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp (vùng LEZ) trên địa bàn.

Căn cứ vào nghị quyết, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sẽ xác định vùng LEZ. Đến khi xây dựng được các vùng LEZ, thành phố sẽ đưa ra điều kiện tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về phát (xả) thải của phương tiện giao thông, trong đó có giải pháp cấm phương tiện ô-tô, xe máy có niên hạn sử dụng lâu năm trong vùng phát thải thấp. Giám sát và xử lý vi phạm về xả thải của phương tiện, có giải pháp chuyển đổi phương tiện, tổ chức giao thông phù hợp, bảo đảm vùng LEZ là vùng an toàn về môi trường, không xảy ra ùn tắc giao thông…

Thành phố cũng đề ra lộ trình thực hiện vùng LEZ. Từ năm 2025 đến năm 2030, thực hiện thí điểm lập vùng LEZ ở một số khu vực trên địa bàn hai quận Hoàn Kiếm, Ba Đình; đồng thời khuyến khích các quận trong khu vực nội đô lịch sử lập vùng phát thải thấp.

Việc Hà Nội xây dựng vùng LEZ là “chìa khóa” cải thiện chất lượng môi trường không khí. Tuy nhiên, trong bối cảnh ô nhiễm đang ở mức báo động như hiện nay, thành phố cần đẩy nhanh các biện pháp giảm phát thải khác như:

Hạn chế tình trạng tập trung đào đường, vỉa hè trong dịp cuối năm, thời điểm lặng gió, ít mưa, có sương mù, khiến các chất ô nhiễm lưu cữu ở tầng khí quyển thấp; kiểm soát chặt chẽ các công trình xây dựng, phương tiện vận chuyển nguyên, vật liệu, phế thải xây dựng; tăng cường công tác vệ sinh môi trường, thường xuyên tưới rửa bụi bẩn; di dời các cơ sở sản xuất tại làng nghề thủ công trong khu dân cư…; xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm. Chỉ khi có biện pháp tích cực, đồng bộ, cư dân Hà Nội mới có thể được “giải cứu” khỏi ô nhiễm không khí.