Đây cũng là dịp để nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định sự ủng hộ duy trì hòa bình và thúc đẩy những lợi ích của thỏa thuận thương mại hậu Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu-EU), trong đó có quyền tiếp cận của Bắc Ireland đối với cả thị trường Anh và EU sau Brexit.
Được Chính phủ Cộng hòa Ireland, Chính phủ Vương quốc Anh và các đảng phái ở Bắc Ireland ký vào ngày 10/4/1998, thỏa thuận “Ngày thứ Sáu tốt lành”, trong đó Mỹ giữ vai trò trung gian, đã giúp chấm dứt ba thập niên xung đột tại Bắc Ireland.
Thỏa thuận nhằm mang lại bình yên cho đảo Ireland, kết thúc một trong những cuộc xung đột nghiêm trọng nhất tại châu Âu trong thế kỷ 20 khiến hơn 3.600 người thiệt mạng.
Thỏa thuận này dẫn tới việc thiết lập chính quyền chia sẻ quyền lực tại Stormont, bao gồm đại diện của hai cộng đồng theo chủ nghĩa hợp nhất ủng hộ Bắc Ireland nằm trong Vương quốc Anh và theo chủ nghĩa dân tộc ủng hộ Bắc Ireland sáp nhập với Ireland.
Tuy nhiên, tình hình trên đảo Ireland đã trở nên căng thẳng sau khi Anh rời EU vào tháng 1/2020. Kể từ tháng 2/2022, Bắc Ireland đã không có chính quyền hoạt động do đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) - đảng lớn nhất ở Bắc Ireland thân London - tẩy chay việc chia sẻ quyền lực để phản đối các quy tắc thương mại thời hậu Brexit áp dụng với vùng lãnh thổ thuộc Anh này.
Trong khi đó, London tuyên bố sẽ không đàm phán lại thỏa thuận Brexit. Thủ tướng Sunak khẳng định thỏa thuận Khuôn khổ Windsor - thỏa thuận mới về các quy định thương mại liên quan tới Bắc Ireland thời kỳ hậu Brexit đã giải quyết được nhiều vấn đề, song DUP cho biết vẫn cần những thay đổi để bảo vệ vị trí của Bắc Ireland trong Vương quốc Anh.
Thủ tướng Anh kêu gọi tăng cường các nỗ lực để khôi phục chính quyền chia sẻ quyền lực ở Bắc Ireland. Ông khẳng định Anh sẵn sàng hợp tác với Chính phủ Ireland và các đảng phái ở Bắc Ireland để bảo đảm các thể chế tại vùng lãnh thổ này hoạt động trở lại ngay khi có thể.
Nghị định thư Bắc Ireland - mối quan tâm lớn
Thủ tướng Ireland Leo Varadkar cũng cam kết tăng cường các nỗ lực phối hợp người đồng cấp Anh nhằm khôi phục chính quyền chia sẻ quyền lực ở Bắc Ireland và hy vọng sẽ phá vỡ thế bế tắc chính trị ở đây trong vòng vài tháng tới.
Tình hình căng thẳng tại Bắc Ireland khiến cơ quan tình báo MI5 của Anh đã nâng mức cảnh báo khủng bố ở vùng lãnh thổ này lên mức nghiêm trọng. Ngay trước chuyến thăm của ông Biden, cảnh sát đã phải tăng cường sự hiện diện trên khắp các đường phố ở Belfast.
Một ngày trước chuyến thăm, những thanh niên đeo mặt nạ ở Londonderry, thành phố lớn thứ hai của Bắc Ireland, đã tấn công các nhân viên cảnh sát. Khoảng 20 quả bom xăng đã được ném vào một chiếc xe của cảnh sát vũ trang đậu tại Creggan, khu vực được coi là thủ phủ của phe bất đồng chính kiến ủng hộ nền cộng hòa ở Bắc Ireland.
Ngày 11/4, cảnh sát tại Londonderry đã phát hiện bốn bom ống tại một nghĩa trang trong thành phố.
Chuyến thăm Bắc Ireland của ông Biden, được tiếp nối bằng chuyến thăm Ireland, diễn ra sau khi Anh và EU đạt thỏa thuận Khuôn khổ Windsor. Tổng thống Mỹ thông qua chuyến thăm này muốn thúc đẩy tiềm năng kinh tế lớn của Bắc Ireland.
Ông Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định lâu dài tại khu vực thông qua thỏa thuận hòa bình năm 1998 và thỏa thuận Khuôn khổ Windsor. Theo Tổng thống Biden, tiếp sau thỏa thuận “Ngày thứ Sáu tốt lành”, Khuôn khổ Windsor là bước quan trọng nhằm bảo đảm gìn giữ và củng cố hòa bình ở Bắc Ireland.
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và cựu Thủ tướng Ireland Bertie Ahern, những người đóng vai trò then chốt trong việc đạt thỏa thuận “Ngày thứ Sáu tốt lành” năm 1998, cho rằng cần có động lực mới để chấm dứt thế bế tắc tại vùng lãnh thổ vẫn đang chia rẽ sâu sắc Bắc Ireland.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Sunak cho rằng bây giờ là lúc để nhìn lại chặng đường đã qua và cũng là lúc phải tăng gấp đôi các nỗ lực nhằm đem lại hòa bình lâu dài và bền vững cho vùng lãnh thổ của Anh.
Trong nỗ lực xoa dịu tình hình, Thủ tướng Sunak cũng muốn cùng với Tổng thống Mỹ Biden khẳng định bảo đảm quyền tiếp cận của Bắc Ireland đối với cả thị trường Anh và EU sau Brexit, khiến khu vực này trở thành điểm đến kinh doanh hấp dẫn.