Theo quy định, các thương vụ bán vũ khí lớn của Mỹ cần phải được Quốc hội lưỡng viện thông qua, nhưng với việc sử dụng tuyên bố khẩn cấp trên, Washington có thể bán vũ khí cho Kiev mà bỏ qua khâu này.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, hợp đồng bán đạn dược nói trên có thể gồm đạn pháo dành cho hệ thống pháo Howitzer, xe tăng và súng phóng lựu cũng như các loại đạn dược khác.
Ngoài ra, theo Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng (DSCA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, Quốc hội Mỹ đã được báo cáo về thương vụ này 1 ngày trước đó.
Trước đó, Chính phủ Ukraine đã đề nghị mua các loại đạn dược phi tiêu chuẩn của Mỹ, là những loại không tuân theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Dự kiến, trong ngày 26/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ chủ trì cuộc họp với sự tham dự của đại diện hơn 40 quốc gia tại căn cứ không quân Mỹ ở Ramstein, Đức, trong đó tập trung vào vấn đề cung cấp khí tài quân sự cho Ukraine.
Trong khi đó, phát biểu trước Hạ viện Anh ngày 25/4, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết, London sẽ chuyển giao tổ hợp phòng không tự hành Stormer có trang bị tên lửa Strarstreak cho Ukraine.
Ông cho biết thêm, theo như Thủ tướng Boris Johnson đã thông báo trước đó, thiết bị quân sự hạng nhất trị giá 100 triệu bảng Anh (130 triệu USD) sẽ được chuyển giao cho Ukraine, bao gồm 120 xe bọc thép, tên lửa chống hạm và đạn dược công nghệ cao.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Wallace bác bỏ thông tin Anh sẽ chuyển giao tổ hợp pháo tự hành AS90 cho Ukraine.
Cùng ngày, Chính phủ Anh cũng thông báo nước này sẽ cung cấp cho Ukraine 22 xe cứu thương, hơn 40 xe cứu hỏa mới và các thiết bị vật tư y tế, cũng như 300.000 bảng Anh để giúp tổ chức từ thiện UK-Med hỗ trợ các y, bác sỹ của Ukraine. Lô hàng viện trợ mới này sẽ đến Ukraine trong vài ngày tới.
Bên cạnh đó, Chính phủ Anh còn hủy bỏ mọi mức thuế áp đặt với hàng hóa của Ukraine xuất khẩu sang Anh theo một thỏa thuận thương mại tự do hiện hành nhằm hỗ trợ nền kinh tế quốc gia Đông Âu này.
Mọi mức thuế nhập khẩu hàng hóa từ Ukraine vào Anh sẽ giảm về 0 và mọi hạn ngạch cũng được dỡ bỏ theo đề nghị của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Động thái này của Anh sẽ giúp các doanh nghiệp Ukraine tham gia xuất khẩu các mặt hàng chủ chốt như: lúa mạch, mật ong, cà chua đóng hộp và gia cầm.
Trong khi đó, Anh thông báo sẽ cấm xuất khẩu một số sản phẩm công nghệ cho Nga như thiết bị giám sát.