Trong khuôn khổ chuyến công du châu Âu kéo dài tám ngày, Tổng thống Mỹ sẽ có cuộc gặp trực tiếp với Thủ tướng Anh, trước khi dự hội nghị cấp cao Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại vùng England.
Hôm nay (10-6), Thủ tướng Johnson và Tổng thống Biden sẽ gặp nhau tại thành phố cảng Cornwall và dự kiến ký kết phiên bản mới của “Hiến chương Đại Tây Dương”.
Năm 1941, Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt đã ký kết “Hiến chương Đại Tây Dương” nhằm đưa ra các mục tiêu của hai nhà lãnh đạo cho thế giới sau chiến tranh. Văn kiện này gồm các thỏa thuận thúc đẩy nền dân chủ và thương mại tự do.
Trong thông cáo ngày 9-4 của Văn phòng Thủ tướng Anh, Chính phủ nước này đánh giá, “Hiến chương Đại Tây Dương” năm 1941 là một trong những thành công to lớn nhất trong quan hệ Anh - Mỹ, định hình trật tự thế giới và là cơ sở trực tiếp dẫn đến sự ra đời của Liên hợp quốc và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Chính phủ Anh khẳng định, “Hiến chương Đại Tây Dương” phiên bản 2021 sẽ thừa nhận thế giới hiện nay rất khác so với 80 năm trước nhưng “các giá trị Anh và Mỹ chia sẻ vẫn như vậy”.
Trước cuộc gặp Tổng thống Biden, Thủ tướng Johnson cho biết: “Trong khi Thủ tướng Churchill và Tổng thống Roosevelt phải đối mặt với câu hỏi làm thế nào để giúp thế giới phục hồi sau một cuộc chiến tàn khốc, ngày nay chúng ta phải tính đến một thách thức rất khác nhưng không kém phần đáng sợ, đó làm thế nào để xây dựng lại tốt hơn sau đại dịch do virus SARS-CoV-2 gây ra”.
Ông Johnson nhấn mạnh: “Các thỏa thuận mà Tổng thống Biden và tôi sẽ ký kết hôm nay bắt nguồn từ các giá trị và triển vọng chung của chúng ta, chúng sẽ tạo ra nền tảng của sự phục hồi bền vững trên toàn cầu. 80 năm trước, Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh đã sát cánh cùng cam kết về một tương lai tốt đẹp hơn. Hôm nay chúng tôi cũng làm như vậy”.
Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, ngoài ký kết “Hiến chương Đại Tây Dương” phiên bản 2021, cuộc gặp giữa ông Johnson và ông Biden sẽ tập trung vào các vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh, hệ thống thương mại toàn cầu và bảo vệ nền dân chủ, cũng như các nỗ lực điều phối nhằm nối lại hoạt động du lịch giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận các vấn đề hiện nay tại Bắc Ireland, liên quan đến những bất đồng giữa Anh và Liên hiệp châu Âu (EU) trong việc thực thi thỏa thuận Brexit.
Trước đó, ngày 9-4, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, ông Jake Sullivan cho biết, Tổng thống Biden bày tỏ tin tưởng và cho rằng Nghị định thư Bắc Ireland, một phần của thỏa thuận giữa Anh và EU, có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm tinh thần, cam kết và tương lai của Thỏa thuận Thứ Sáu tốt lành được bảo vệ”. Theo thỏa thuận được ký năm 1986 này, đường biên giới Ireland với vùng Bắc Ireland là đường biên giới mềm, không có các chốt chặn kiểm soát.
Theo kế hoạch của chuyến công du châu Âu, Tổng thống Mỹ sẽ lần lượt tới Anh, Bỉ và Thụy Sĩ. Tại Anh, ông Biden sẽ gặp Thủ tướng Johnson và dự hội nghị G7. Tại Bỉ, ông dự kiến họp với lãnh đạo của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tổng thống Biden cũng sẽ tham dự hội nghị cấp cao Mỹ - EU. Điểm dừng chân tiếp theo là Thụy Sĩ, nơi ông dự kiến dự hội nghị cấp cao với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 16-6.