Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II đã đánh dấu mốc son quan trọng trong quá trình lãnh đạo, trưởng thành của Đảng ta. Đường lối Đại hội vạch ra đã đáp ứng yêu cầu trước mắt của cuộc kháng chiến và yêu cầu lâu dài của cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày báo cáo chính trị tại Đại hội II. (Ảnh tư liệu) |
Chị Nông Thị Hè, hướng dẫn viên Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình kể lại, mảnh đất Kim Bình được Trung ương Đảng chọn làm địa điểm tổ chức Đại hội theo đúng lời Bác Hồ căn dặn "Trên trời nhìn xuống không thấy gì, dưới đất 4 mặt nhìn vào cũng không thấy gì".
Tại Đại hội, các đại biểu đã nghe báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày; báo cáo “Bàn về cách mạng Việt Nam” do đồng chí Trường Chinh trình bày; thông qua Tuyên ngôn, Chính cương và Điều lệ Đảng, bầu Ban chấp hành Trung ương, bầu đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư và cử ra Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương.
Đảng đã quyết định ra hoạt động công khai, lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Đối với Lào và Campuchia, Đại hội quyết định tổ chức ở mỗi nước một đảng cách mạng phù hợp với đặc điểm từng nước.
Đại hội nhấn mạnh nhiệm vụ của Đảng là: Xây dựng một Đảng Lao động Việt Nam mạnh mẽ; Đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn; Xây dựng Việt Nam dân chủ mới; Góp sức vào việc giữ gìn dân chủ thế giới và hòa bình lâu dài.
Nơi ở và làm việc của Bác Hồ tại Kim Bình trong thời gian diễn ra Đại hội II. |
Để chuẩn bị khâu hậu cần phục vụ Đại hội II, hơn 300 cán bộ trường Nguyễn Ái Quốc cùng bộ đội, nhân dân các dân tộc chung tay góp sức xây dựng khu hội trường trên đồi Nà Loáng.
Trong vòng 4 tháng đã hoàn thành 30 ngôi nhà bằng gỗ, tre, nứa, lá và chia thành các khu vực: Bộ Chính trị, đại biểu chính thức, khách quốc tế và khu hậu cần. Hội trường nằm ở khu trung tâm Đại hội, bên trái là đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, bên phải, cách 30m là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm theo kiểu nhà sàn trên 6 cột gỗ, cao hơn mặt đất chừng 1m. Cách đó không xa là nhà của đội bảo vệ nằm trên một khu đất mấp mô, sàn nứa, cửa nhìn về phía hội trường.
Ông Hoàng Văn Bảo, thôn Khuôn Nhự, xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang kể lại lịch sử cho lớp con cháu. |
Một trong những người được phục vụ Đại hội năm xưa là ông Hoàng Văn Bảo, dân tộc Tày. Gia đình ông Bảo là gia đình có công với cách mạng ở thôn Khuôn Nhự, xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa.
Trong thời gian tổ chức Đại hội II của Đảng, gia đình ông Bảo được chọn làm nơi ở của một tổ cán bộ Việt Minh, trong đó có đồng chí Nguyễn Lương Bằng, sau này là Phó Chủ tịch nước. Bản thân ông Bảo cũng tham gia phục vụ Đại hội lần thứ II với những công việc như cùng thanh niên trong thôn đào hầm trú ẩn, làm hàng rào bảo vệ, cảnh giới báo cáo cho cán bộ khi thấy có người lạ xuất hiện...
Các em học sinh nghe giới thiệu về những hình ảnh lịch sử tại Đại hội II. |
Ông Bảo (năm nay 87 tuổi) kể: Những ngày diễn ra Đại hội là những ngày người dân Kim Bình không bao giờ quên. Khi ấy đúng vào dịp Tết Nguyên đán nên người dân được đón Tết ấm cúng với Bác Hồ và các đại biểu. Bác Hồ và các đại biểu còn chơi thể thao và giao lưu văn nghệ với người dân, nên kỷ niệm của người dân với Đại hội không chỉ là sự kiện trọng đại của đất nước mà còn là sự gần gũi, giản dị của Bác và các đại biểu, là nghĩa Đảng, tình dân thắm thiết.
Đại hội II tổ chức tại xã Kim Bình là lần đầu tiên Đảng ta tổ chức Đại hội trong nước và từ đó đến nay là Đại hội duy nhất tổ chức ngoài thủ đô Hà Nội. Với những dấu ấn quan trọng in đậm trong lịch sử cách mạng Việt Nam, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, mà là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.